Vụ học sinh quỳ khóc trước cửa lớp:

Cô giáo có được đuổi học sinh ra khỏi lớp khi mắc lỗi?

PV

(Dân trí) - Theo luật sư, pháp luật chưa quy định cô giáo được phép đuổi học sinh ra khỏi lớp. Thay vào đó, khi học sinh mắc lỗi, cô giáo có thể nhắc nhở, khiển trách hoặc phối hợp gia đình để giải quyết.

Chiều 30/9, mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh một học sinh Trường THPT Đa Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội) kiệt sức, quỳ khóc và bị cô giáo kéo lê trước cửa lớp. Cô giáo được xác định là N.T.P. (Chủ nhiệm lớp 12D4) còn học sinh là N.T.K.C. (Bí thư lớp).

Theo tường trình của cô P., em C. là bí thư lớp và được giao nhiệm vụ đặt bánh sinh nhật. Tuy nhiên, do C. đặt bánh khác với thống nhất với cô P. nên bị cô yêu cầu đứng ngoài cửa lớp để tự giải quyết chiếc bánh này. Khi cô P. đi ra, thấy C. quỳ khóc, nằm gục xuống sàn vì mệt thì giáo viên này đã túm cổ áo, kéo học sinh vào lớp.

Cô giáo có được đuổi học sinh ra khỏi lớp khi mắc lỗi? - 1

Nữ sinh quỳ khóc kiệt sức trước cửa lớp bị cô giáo cầm cổ áo kéo lê (Ảnh: Từ clip).

"Cô giáo có quyền gì mà phạt học sinh bằng hình thức như vậy?"

Theo dõi clip, độc giả Phong Lương Hồng bày tỏ sự bức xúc: "Chỉ vì học sinh mua bánh không đúng ý cô giáo mà bị phạt như vậy thì vô cảm và quá vô lý. Cô giáo có quyền gì mà phạt học sinh bằng hình thức nhục mạ, đuổi học sinh ra khỏi lớp đúng ngày sinh nhật tháng? Dù bất kể kết quả điều tra đến đâu, chỉ bấy nhiêu thôi cũng cho thấy cô giáo này không đủ tư cách đứng trên bục giảng và cần bị loại bỏ khỏi ngành giáo dục".

"Trời ơi không biết tôi có đọc nhầm hay không đây. Cô này dạy giáo dục công dân", "Bánh sinh nhật chuyển thành sinh sự, cô giáo dạy giáo dục công dân luôn mới ghê", "Môn học cô giáo này dạy nói lên rất nhiều điều trong cuộc sống, nhưng cô đã đặt cái tôi của mình lên trên hết, học sinh mà học theo thì thật nguy hiểm"... nhiều độc giả bày tỏ sự ngỡ ngàng khi biết đây là hành động của giáo viên dạy môn Giáo dục công dân.

"Tôi cũng là một nhà giáo, khi đọc bài viết này mắt tôi cay cay. Nhân cách người thầy rất quan trọng, dù học sinh sai thế nào tôi cũng không chấp nhận cách hành xử của cô chủ nhiệm, người mà các em luôn coi là người mẹ thứ 2", độc giả Kim Kim, người công tác trong lĩnh vực giáo dục, cũng thể hiện sự không hài lòng với hành động của cô P.

Trong khi đó, tài khoản Luan Bui cho rằng cần làm rõ động cơ, mục đích của cô giáo đằng sau hành động này là gì: "Cần phải làm rõ vụ việc này, liệu có phải chuyện chiếc bánh sinh nhật không đúng ý cô hay còn việc gì nữa nên cô chủ nhiệm mới hành động xúc phạm nhân phẩm học sinh như vậy".

Cô P. hiện đã bị tạm đình chỉ công tác giảng dạy để chờ đợi các cơ quan có thẩm quyền xác minh, kết luận chính xác về sự việc.

Pháp luật quy định ra sao về cách ứng xử của giáo viên với học sinh?

Luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, mỗi nghề nghiệp đều có quy định về quy tắc ứng xử và đạo đức khi hành nghề. Riêng đối với giáo dục, đây là ngành đặc thù nên việc ứng xử đúng đắn, phù hợp đạo đức xã hội và giữ gìn nét đẹp của người làm nghề giáo là vô cùng quan trọng.

Cô giáo có được đuổi học sinh ra khỏi lớp khi mắc lỗi? - 2

Nữ sinh quỳ khóc kiệt sức trước cửa lớp bị cô giáo cầm cổ áo kéo lê (Ảnh: Từ clip).

Cụ thể, Điều 67 Luật Giáo dục 2019 quy định về tiêu chuẩn của nhà giáo là người có phẩm chất, tư tưởng, đạo đức tốt. Muốn có được phẩm chất, tư tưởng, đạo đức tốt phải trải qua quá trình rèn luyện, tiếp thu, học hỏi và thay đổi thường xuyên.

Theo Điều 6 Thông tư 06/2019/TT-BGD&ĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên khi ứng xử với học sinh cần có ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; mẫu mực, bao dung, trách nhiệm, yêu thương; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ người học; tích cực phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Ngoài ra, nhà giáo không được xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của người học.

Đối chiếu những quy định trên với sự việc vừa xảy ra tại Trường THPT Đa Phúc, luật sư Tiền cho rằng việc học sinh bị đứng ngoài cửa lớp khi mắc lỗi không phải vấn đề mới, thậm chí diễn ra nhiều năm, ở nhiều cấp học. Tuy nhiên, việc giáo viên chỉ vì một chiếc bánh sinh nhật mà không cho học sinh vào lớp, dẫn tới việc em phải quỳ khóc, gục xuống sàn, lại là sự việc hiếm gặp, thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội.

"Đây là sự việc khá đáng buồn. Những hành động của cô giáo P. cho thấy người này thiếu kỹ năng, kinh nghiệm trong cách ứng xử với các tình huống tại trường học. Chưa bàn tới lỗi của giáo viên hay học sinh, nhưng việc giáo viên bắt học sinh đứng ngoài chỉ vì chiếc bánh sinh nhật, sau đó lại kéo cổ áo, lôi học sinh vào lớp là hành động không phù hợp.

Nếu học sinh mắc lỗi, tùy thuộc mức độ mà giáo viên cần đưa ra cách giải quyết phù hợp. Yếu tố tiên quyết là phải bình tĩnh, tôn trọng và lắng nghe học sinh, từ đó tìm ra nguyên nhân và định hướng giải quyết vấn đề. Nếu cần thiết, giáo viên có thể phối hợp gia đình, Ban Giám hiệu để tìm cách xử lý phù hợp", luật sư Tiền chia sẻ.

Về các biện pháp xử lý kỷ luật học sinh, trích dẫn quy định tại khoản 2, Điều 38 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, ông Tiền cho biết các biện pháp xử lý kỷ luật có thể được áp dụng bao gồm nhắc nhở, khiển trách học sinh, thông báo với cha mẹ, tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định.

Ngoài ra, các văn bản quy phạm pháp luật chưa quy định về việc giáo viên được đuổi học sinh ra khỏi lớp. Do đó, việc giáo viên tự ý đuổi học sinh ra khỏi lớp khi mắc lỗi là cách ứng xử chưa phù hợp quy định pháp luật, quy tắc ứng xử nghề nghiệp.

Thay vào đó, cô giáo cần tùy thuộc vào mức độ của lỗi mà học sinh gây ra để áp dụng các biện pháp như nhắc nhở, khiển trách hay phối hợp với cha mẹ học sinh, báo cáo sự việc lên nhà trường, các cơ quan có thẩm quyền để có phương án xử lý phù hợp.

Dưới góc độ pháp luật hình sự, luật sư Tiền cho biết làm nhục người khác là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự người khác được thể hiện qua lời nói hoặc hành động như: lăng mạ, chửi rủa thậm tệ, cạo đầu cắt tóc, lột quần áo giữa công cộng. Để xem xét hành vi trong sự việc trên có dấu hiệu phạm tội này hay không, cần xem xét thõa mãn đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.

"Dựa vào thông tin báo chí đã đưa, cô P. có hành vi kéo áo em C. Nếu đây là hành động nhằm nâng học sinh dậy, không có thêm các hành động, lời nói khác nhằm xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của C. thì hành vi chưa đủ yếu tố cấu thành tội Làm nhục người khác. Trách nhiệm pháp lý của cô P. sẽ tùy thuộc vào kết quả xác minh, làm rõ của cơ quan có thẩm quyền", luật sư Tiền đánh giá.

Hoàng Diệu