Cô gái say xỉn lái ô tô đâm chết người có thể chịu trách nhiệm ra sao?
(Dân trí) - Theo luật sư, Minh có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự theo khoản 2, Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015. Về trách nhiệm dân sự, nữ tài xế phải bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm cho nạn nhân.
Rạng sáng 14/1, Phan Thị Ngọc Minh (23 tuổi, ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) điều khiển ô tô về nhà sau khi sử dụng rượu bia tại bữa tiệc sinh nhật. Tới Quốc lộ 1A, đoạn qua xã Cẩm Quang, huyện Cẩm Xuyên, nữ tài xế tông vào anh L.N.Q. (34 tuổi, ở Phú Yên) khiến nạn nhân tử vong.
Kết quả kiểm tra nồng độ cồn của Minh ở mức 0,385 mg/l khí thở, gần chạm ngưỡng kịch khung theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Công an huyện Cẩm Xuyên đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Minh về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015. Với tội danh nêu trên, nữ tài xế có thể đối diện khung hình phạt như thế nào là điều mà nhiều độc giả quan tâm?.
Luật sư Dương Đức Thắng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ 2008, điều khiển ô tô khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là một trong các hành vi bị nghiêm cấm. Người cố tình vi phạm và để lại hậu quả, xâm phạm tới an ninh trật tự xã hội hoặc tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông, gây hậu quả nghiêm trọng như làm chết người, gây thiệt hại về sức khỏe cho người khác từ 61% trở lên hoặc thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Khung hình phạt cơ bản của tội danh này là phạt tiền 30-100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-5 năm.
Trường hợp hành vi thuộc các tình tiết định khung như người phạm tội không có giấy phép lái xe theo quy định; trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định; bỏ chạy đến trốn tránh trách nhiệm, cố ý không cứu giúp người bị nạn hay không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông thì có thể đối diện khung hình phạt 3-10 năm tù theo khoản 2 Điều này.
Đối chiếu quy định trên, có thể thấy nữ tài xế Minh đã vi phạm quy định của Luật Giao thông đường bộ khi điều khiển ô tô trong tình trạng hơi thở có nồng độ cồn và gây hậu quả nghiêm trọng khiến một người tử vong. Do đó, việc cơ quan điều tra khởi tố nữ tài xế về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ là có cơ sở.
Với việc phạm tội trong trạng thái say xỉn, cô gái này có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự theo khoản 2, Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 với mức phạt 3-10 năm tù.
Bên cạnh mức phạt trên, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ đánh giá một cách khách quan, toàn diện hồ sơ vụ án và xem xét cả những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho nữ tài xế này. Căn cứ quy định tại các Điều 51 và 54 Bộ luật Hình sự 2015, nếu người bị kết tội có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên và đáp ứng các điều kiện khác về lý lịch, nhân thân... theo quy định của pháp luật, tòa án có thể xem xét tuyên phạt mức án thấp hơn so với khung hình phạt người phạm tội có thể bị truy tố theo quy định của pháp luật.
Về trách nhiệm dân sự, căn cứ Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015, nữ tài xế cùng gia đình có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm cho gia đình nạn nhân. Các khoản bồi thường bao gồm thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm (tiền cấp cứu, điều trị, thu nhập bị giảm sút...), chi phí mai táng, tiền cấp dưỡng cho người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng... và bồi thường tổn thất về tinh thần. Mức bồi thường tổn thất do các bên thỏa thuận, trong trường hợp không đạt được thỏa thuận có thể yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Hoàng Diệu