3 phút cùng luật sư:

Chụp lén, tung ảnh nhạy cảm của người khác lên mạng xã hội bị xử lý ra sao?

Nguyễn Quang Thư Quỳnh

(Dân trí) - Ngoài chịu trách nhiệm dân sự và bị phạt hành chính, người có hành vi chụp lén và phát tán hình ảnh nhạy cảm của Nancy còn phải chịu trách nhiệm bồi thường những tổn thất đã gây ra.

Vào ngày 10/1, dân mạng chấn động trước thông tin Nancy, một nữ idol trong nhóm nhạc Hàn Quốc MOMOLAND bị chụp lén lúc thay đồ trong hậu trường Lễ trao giải Asia Artist Awards 2019 diễn ra tại Việt Nam. Những hình ảnh nhạy cảm ấy đã bị phát tán trong group kín 500 thành viên. Hiện tại, đông đảo người hâm mộ đang đồng loạt lên tiếng bất bình cho thần tượng của mình. 

Dưới góc nhìn của pháp luật, sự việc này sẽ được nhìn nhận thế nào? Mời bạn đọc gặp gỡ luật sư Nguyễn Đức Hoàng, đến từ văn phòng  Phan Law Vietnam để cùng tìm hiểu.

Vụ việc nữ idol Hàn Quốc Nancy bị quay lén thay quần áo dưới góc nhìn pháp luật

Thưa luật sư, người thực hiện hành vi chụp lén những hình ảnh của nữ idol Hàn Quốc nói trên sẽ phải chịu xử phạt thế nào theo quy định của pháp luật? 

L.s Nguyễn Đức Hoàng: Theo khoản 1 Điều 32 BLDS 2015 quy định về Quyền của cá nhân đối với hình ảnh có nêu rõ: Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Và việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Ngoài ra, khoản 1 và 2 Điều 38 quy định về Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình: Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Và việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, 

Như vậy, việc chụp ảnh, quay phim người khác thì phải có sự người đó; cho nên hành vi quay lén, chụp lén là hành vi vi phạm quy định của pháp luật, cụ thể là vi phạm về quyền nhân thân và quyền bí mật đời tư của cá nhân. Theo đó, người thực hiện hành vi phải chịu trách nhiệm theo quy định của luật.

- Trách nhiệm dân sự:

Nếu hành vi chụp lén, quay lén gây ra thiệt hại về vật chất và tinh thần cho người bị chụp lén, quay lén thì người vi phạm phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật tại Điều 592 BLDS 2015 về Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.

- Trách nhiệm hành chính:

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2020 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (Nghị định 15/2020/NĐ-CP), thì hành vi nêu trên sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Xác định mức bồi thường nữ nghệ sĩ Nancy bị quay lén

Sự việc trên đã ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh, danh tiếng và tinh thần của Nancy. Người chụp những hình ảnh nhạy cảm có phải chịu trách nhiệm bồi thường về những tổn thất này không, nếu có thì mức bồi thường sẽ được tính thế nào thưa luật sư?

L.s Nguyễn Đức Hoàng: Người thực hiện hành vi chụp những hình ảnh nhạy cảm có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Bao gồm, bồi thường thiệt hại về vật chất và bồi thường thiệt hại về tinh thần. Căn cứ khoản 1 Điều 592 BLDS 2015: Thì thiệt hại vật chất do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm được xác định như sau, bao gồm:

1) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

2) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

3) Thiệt hại khác do luật quy định;

Ví dụ: Show bị hủy, nhãn hàng hủy quảng cáo, không thể sản xuất MV,..

Bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định theo khoản 2 Điều 592 BLDS 2015.

Tuy nhiên, người yêu cầu bồi thường thiệt hại cần phải chứng minh có thiệt hại đã xảy ra trên thực tế thì mới có thể yêu cầu bồi thường. 

Chụp lén, tung ảnh nhạy cảm của người khác lên mạng xã hội bị xử lý ra sao? - 1

Luật sư Nguyễn Đức Hoàng trao đổi cùng PV Dân Trí.

Những người xem và chia sẻ những hình ảnh nhạy cảm trên có vi phạm pháp luật không thưa luật sư? Nếu có thì mức xử phạt cụ thể thế nào?

L.s Nguyễn Đức Hoàng: Hành vi chia sẻ những hình ảnh nhạy cảm trên được xem là vi phạm quy định pháp luật. Người vi phạm ngoài việc phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự như đã nói ở trên, thì chủ thể này còn phải chịu trách nhiệm hành chính theo quy định pháp luật, cụ thể: 

Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định những hình thức xử phạt hành chính liên quan đến công nghệ thông tin, trong đó tại điểm a khoản 1 Điều 101 quy định về Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội thì người vi phạm bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một đối với hành vi sau cung cấp, chia sẻ thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Ngoài ra, khoản 3 Điều 101 cũng quy định buộc gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật.

Đối với trường xem xét hành vi đủ cấu thành tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 155 BLHS 2015 quy định người có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Khoản 2 Điều 155 quy định trường hợp sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội thì người phạm tội bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm theo khoản 3 Điều 155.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm