Chủ tịch tỉnh Bắc Giang ra “tối hậu thư” yêu cầu siết chặt kinh doanh hoá chất, bảo vệ môi trường

(Dân trí) - Sau hàng loạt bài điều tra, phản ánh của Báo Dân trí về tình trạng huỷ hoại môi trường, trục lợi tài nguyên, tẩu tán chất thải, nguy cơ ô nhiễm hoá chất trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Chủ tịch tỉnh Bắc Giang đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở ngành chức năng tăng cường công tác bảo vệ môi trường đối với các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất và sử dụng hóa chất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lại Thanh Sơn vừa ký công văn số 4256/UBND-MT gửi các Sở Công thương, Tài nguyên môi trường, Kế hoạch và đầu tư; Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh; Công an tỉnh và UBND các huyện, thành phố về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường đối với dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất và sử dụng hóa chất trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, sau khi xem xét đề xuất của Sở TN&MT tại báo cáo số 331/BC-TNMT ngày 15/11/2019 về kết quả xem xét nội dung thông tin dư luận phản ánh về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do sử dụng hóa chất tại các khu, cụm công nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến như sau:

Sở Công thương cần nâng cao vai trò, trách nhiệm là cơ quan đầu mối thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động hóa chất; thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất và sử dụng hóa chất của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh, hạn chế đến mức thấp nhất để xảy ra các sự cố, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất.

Chủ tịch tỉnh Bắc Giang ra “tối hậu thư” yêu cầu siết chặt kinh doanh hoá chất, bảo vệ môi trường - 1
Chủ tịch tỉnh Bắc Giang ra “tối hậu thư” yêu cầu siết chặt kinh doanh hoá chất, bảo vệ môi trường - 2

Tỉnh Bắc Giang cho biết sẽ tổ chức rà soát, đánh giá hiệu quả đầu tư đối với các dự án sản xuất, kinh doanh hóa chất và sử dụng hóa chất để xem xét việc hạn chế thu hút đầu tư đối với dự án này.

Chủ tịch tỉnh Bắc Giang yêu cầu Sở TN&MT tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực môi trường, kiểm tra đột xuất đối với dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất và sử dụng hóa chất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; rà soát, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý đối với các lọai chất thải đặc biệt là chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất và sử dụng hóa chất theo quy định. Nâng cao chất lượng công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường để đánh giá tính khả thi, hiệu quả của giải pháp bảo vệ môi trường đối với các dự án sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất;

Sở Kế hoạch và đầu tư; Ban quản lý các KCN tỉnh trong quá trình thu hút đầu tư cần tổ chức đánh giá xem xét kỹ lưỡng các điều kiện, yêu cầu đối với các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh hóa chất và sử dụng hóa chất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tổ chức rà soát, đánh giá hiệu quả đầu tư đối với các dự án sản xuất, kinh doanh hóa chất và sử dụng hóa chất để xem xét việc hạn chế thu hút đầu tư đối với dự án này.

Chủ tịch tỉnh Bắc Giang ra “tối hậu thư” yêu cầu siết chặt kinh doanh hoá chất, bảo vệ môi trường - 3

Chất thải nguy hại sau quá trình sản xuất tại một doanh nghiệp trong khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang).

Lãnh đạo Bắc Giang yêu cầu công an tỉnh cần đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường liên quan đến các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất và sử dụng hóa chất trên địa bàn tỉnh;

UBND các huyện, thành phố chỉ đạo phòng chuyên môn, UBND cấp xã chủ động thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất và sử dụng hóa chất của các dự án, cơ sở có nguy cơ gây ra ô nhiễm môi trường thuộc địa bàn quản lý để có phương án ứng phó, xử lý kịp thời hạn chế các tác hại xấu đến môi trường và đời sống nhân dân.

UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định xử phạt hành chính Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Bình Giang (có địa chỉ trụ sở tại phố Sàn, xã Phương Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang do bà Trịnh Thị Hương là người đại diện pháp luật) với số tiền 390 triệu đồng do có hành vi "ăn cắp" tài nguyên khoáng sản là đất san lấp tại huyện Lạng Giang, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản của doanh nghiệp này trong thời gian 6 tháng.

Chủ tịch tỉnh Bắc Giang ra “tối hậu thư” yêu cầu siết chặt kinh doanh hoá chất, bảo vệ môi trường - 4

Hiện trường khai thác tài nguyên đất của Công ty Bình Giang.

Công ty Bình Giang bị bắt buộc phải tiến hành san gạt, cải tạo, phục hồi môi trường, thực hiện các giải pháp đưa khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép khai thác về trạng thái an toàn.

Liên quan đến ý kiến cử tri trước và sau kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Bắc Giang, ngày 19/9/2019, Sở TN&MT Bắc Giang đã có công văn do ông Lưu Xuân Vượng, Giám đốc sở ký gửi Văn phòng UBND tỉnh Bắc Giang khẳng định: Công ty TNHH Khải Thần Việt Nam và Công ty TNHH Khải Thừa Việt Nam tại huyện Lục Nam (2 doanh nghiệp Trung Quốc) cùng 2 doanh nghiệp khác chưa thu gom, xử lý triệt để khí thải phát sinh trong quá trình sản xuất, còn phát sinh mùi khó chịu tại khu vực xưởng sản xuất. 

Sau khi Báo Dân trí thông tin về việc báo cáo không đề cập đến việc xử phạt các doanh nghiệp sai phạm, Sở TN&MT Bắc Giang đã có Công văn hồi âm gửi Báo Dân trí do ông Vũ Văn Tưởng, Phó giám đốc sở ký thừa nhận tại thời điểm kiểm tra ngày 3/9, cả 2 doanh nghiệp Trung Quốc này đều chưa thu gom, xử lý triệt để khí thải phát sinh trong quá trình sản xuất, còn phát sinh mùi khó chịu tại khu vực xưởng sản xuất.

Chủ tịch tỉnh Bắc Giang ra “tối hậu thư” yêu cầu siết chặt kinh doanh hoá chất, bảo vệ môi trường - 5

Công ty Khải Thần Việt Nam tại huyện Lục Nam (Bắc gIang).

Tuy nhiên, Sở TN&MT Bắc Giang đưa ra lý do không xử phạt 2 doanh nghiệp này là vì: Theo các kết quả quan trắc, phân tích môi trường định kỳ quý III, IV năm 2018 và quý I, II năm 2019 cho thấy các thông số đo, phân tích môi trường không khí làm việc, khí thải đều nằm trong giới hạn của quy chuẩn cho phép. Do đó, chưa có đủ căn cứ để xem xét, xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, các luật sư và chuyên gia pháp lý được Báo Dân trí tham vấn đã khẳng định: Thời điểm phát hiện dấu hiệu vi phạm, đoàn kiểm tra phải lấy ngay mẫu vi phạm đi phân tích. Sau đó, căn cứ trên kết quả phân tích này mới xem có căn cứ xử phạt hay không. Không thể có chuyện phát hiện dấu hiệu vi phạm lại sử dụng các kết quả phân tích từ bao giờ để cho rằng không xử phạt được.

Trả lời về sự việc, ông Vũ Văn Tưởng - Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang thừa nhận thiếu sót, xin rút kinh nghiệm. Trong khi đó, 2 doanh nghiệp Trung Quốc là Công ty TNHH Khải Thần Việt Nam và Công ty TNHH Khải Thừa Việt Nam tại huyện Lục Nam dù gây ô nhiễm môi trường nhưng đã thoát án phạt ngoạn mục.

Anh Thế - Ngọc Hân