Chủ khách sạn, nhà nghỉ có được quyền giữ căn cước công dân của khách?
(Dân trí) - Theo luật sư, việc các cơ sở lưu trú như khách sạn, nhà nghỉ giữ căn cước công dân của khách là vi phạm pháp luật. Luật quy định chỉ các cơ quan có thẩm quyền mới được phép giữ CCCD của công dân.
Khi đến một số cơ quan để liên hệ công tác, bộ phận bảo vệ/ trực ban ở những nơi này thường yêu cầu khách xuất trình và để lại căn cước công dân (CCCD) trong suốt quá trình vào làm việc, đến khi về mới được trả. Tương tự, gần như tất cả các khách sạn, nhà nghỉ đều thu CCCD của khách, từ khi thuê đến khi trả phòng mới được nhận lại.
Nhiều ý kiến lo ngại đây cũng có thể là một kênh làm rò rỉ thông tin cá nhân, bởi thực tế nhiều người bỗng dưng trở thành "con nợ" của các ngân hàng, tín dụng đen vì bị lấy cắp thông tin CCCD; hoặc tình trạng làm CCCD giả dựa trên thông tin thật, thông tin cá nhân bị rao bán...
Vậy việc các cơ quan, chủ khách sạn, nhà nghỉ yêu cầu thu giữ CCCD của khách có đúng không? Quy định nào của pháp luật cho phép? Nếu không xuất trình CCCD thì có thể sử dụng loại giấy tờ nào để thay thế?
Chủ khách sạn, nhà nghỉ giữ CCCD của khách là làm trái quy định của pháp luật!
Luật sư Nguyễn Thị Xuyến (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đã có phần giải đáp liên quan đến những băn khoăn trên.
Thứ nhất, khi đến liên hệ công tác, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh... tại các cơ quan hành chính sự nghiệp, nơi tiếp công dân, tại khoản 2 Điều 7 Luật tiếp công dân 2013 quy định:
"Điều 7. Quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh:
Khi đến nơi tiếp công dân, người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có các nghĩa vụ sau đây:
a) Nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (nếu có);
b) Có thái độ đúng mực, tôn trọng đối với người tiếp công dân;
c) Trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; ký hoặc điểm chỉ xác nhận những nội dung trình bày đã được người tiếp công dân ghi chép lại;
d) Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy tiếp công dân và hướng dẫn của người tiếp công dân;
đ) Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;
e) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khiếu nại, tố cáo của mình."
Theo đó, khi đến nơi tiếp công dân, công dân cần cung cấp họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (nếu có), nghiêm chỉnh chấp hành nội quy tiếp công dân và hướng dẫn của người tiếp công dân.
Thứ hai, về việc thuê phòng tại khách sạn, nhà nghỉ, luật sư Xuyến cho biết, kinh doanh nhà nghỉ là một trong những ngành, nghề phải đáp ứng điều kiện về an ninh trật tự. Theo khoản 2 Điều 44 Nghị định 96/2016/NĐ-CP, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú có nghĩa vụ kiểm tra giấy tờ tùy thân của khách lưu trú, gồm một trong các loại giấy tờ sau:
- Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân;
- Hộ chiếu;
- Thẻ thường trú hoặc Thẻ tạm trú (đối với người nước ngoài);
- Các loại giấy tờ có dán ảnh do cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam cấp (như Giấy phép lái xe…).
Theo đó, khách thuê phòng có trách nhiệm xuất trình giấy tờ tùy thân để được kiểm tra. Khi khách lưu trú không có giấy tờ tùy thân thì sau khi bố trí phòng nghỉ phải thông báo ngay cho công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an quản lý địa bàn.
Như vậy, Luật chỉ quy định các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú này kiểm tra giấy tờ tùy thân của khách để đảm bảo an ninh, trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội, sau khi kiểm tra, vào sổ thì phải trả khách ngay.
Làm rõ hơn nội dung này, nữ luật sư dẫn quy định của Luật căn cước công dân năm 2014, trong đó nêu rõ: Thẻ CCCD là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về CCCD của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được yêu cầu công dân xuất trình thẻ CCCD để kiểm tra về các thông tin của công dân.
Ngoài ra, căn cứ tại Điều 7 Luật Căn cước công dân 2014 quy định hành vi Thu hồi, tạm giữ thẻ căn cước công dân trái quy định của pháp luật là hành vi bị cấm. Theo đó, việc cơ sở lưu trú giữ căn cước công dân của khách là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 28 Luật căn cước công dân năm 2014 chỉ những cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam; cơ quan thi hành án phạt tù, thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mới có thẩm quyền tạm giữ thẻ CCCD.
Chính vì vậy, trong các giao dịch dân sự như xin việc làm, thuê phòng trọ, khách sạn lưu trú qua đêm thì chủ cơ sở không có quyền giữ CCCD mà chỉ được phép yêu cầu công dân xuất trình thẻ CCCD để kiểm tra thông tin của công dân. Quy định của pháp luật về giữ chứng minh nhân dân trước đây cũng như vậy, chỉ có cơ quan có thẩm quyền mới được phép giữ thẻ CCCD hay chứng minh nhân dân của công dân.
Giữ CCCD của khách: Việc bất đắc dĩ để tránh bị... bùng tiền phòng?
Liên quan đến vấn đề này, PV Dân trí đã trao đổi với chị Hải Linh, chủ một khách sạn tư nhân trên địa bàn thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Chị cho biết, dẫu biết rằng việc giữ lại giấy tờ cá nhân của khách hàng là điều mà pháp luật Việt Nam không cho phép nhưng đại đa số khách sạn/ nhà nghỉ đều phải làm vậy để tránh tình huống khách nợ hoặc bùng tiền phòng.
"Có những lần khách ra ngoài, đi đâu đó thời gian khoảng 1 - 2 ngày thì chúng tôi lo nơm nớp, có khi trong 2 ngày đó giảm được cả vài kilogam luôn vì lo lắng. Thậm chí đã có nhiều trường hợp khách hàng ở nhiều ngày không thanh toán sau đó bỏ trốn làm khách sạn thất thu. Vì vậy, việc thu giữ CCCD của khách là việc chúng tôi mặc định phải làm", chị Linh chia sẻ.
Theo chị Hải Linh, đối với những khách sạn lớn, việc có quy trình chuẩn cho check in khách lẻ và khách đoàn dành cho lễ tân khách sạn là điều bắt buộc. Tuy nhiên đối với những khách sạn vừa và nhỏ các quy trình đó tuy vẫn có nhưng vẫn phát sinh những tình huống dở khóc, dở cười như việc khách hàng nợ tiền phòng khách sạn!
Thông thường nếu khách hàng nghỉ theo số lượng ngày ngắn, dưới 1 tuần thì các công việc trở nên đơn giản hơn. Nhưng với những khách hàng có nhu cầu ở dài ngày, không xác định ngày rời đi thì việc thu tiền cọc của khách hàng trở nên khó khăn vì rất dễ làm mất lòng khách hàng, khách hàng có thể không vui hoặc chuyển sang khách sạn khác. Việc này vô tình đẩy lễ tân và bộ phận quản lý khách sạn vào thế khó.
Chính vì thế, theo nữ giám đốc khách sạn này cho rằng, việc giữ CCCD của khách là một cách để các khách sạn, nhà nghỉ đảm bảo rằng sẽ tránh được gần như tuyệt đối việc có bị khách bùng tiền phòng!