Chồng bán nhà do thua bạc, vợ con có phải cùng gánh nợ?

Khả Vân

(Dân trí) - Chồng tôi chơi cá độ bóng đá, nợ nhiều tiền và muốn bán nhà để trả nợ. Tôi có phải bán nhà sở hữu chung của vợ chồng để trả nợ cho ông ấy không? Có cách nào giúp tôi giữ được tài sản không?.

Trả lời

Vợ có phải trả nợ thay chồng?

Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc công ty luật Pháp trị - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết chơi cá độ bóng đá là hoạt động cờ bạc, giao dịch cá nhân của người chồng, đây là hoạt động không phục vụ, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Do vậy người chồng phải tự chịu trách nhiệm về khoản nợ này.

Bạn không có nghĩa vụ lấy tài sản của bạn để trả nợ cho chồng. Điều này được quy định rất rõ tại điều 37 Luật Hôn nhân gia đình.

Thêm nữa, tại Điều 45 Luật Hôn nhân và Gia đình cũng có quy định: Về giao dịch do chồng bạn xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình sẽ thuộc nghĩa vụ riêng về tài sản của chồng bạn, do đó chồng bạn phải chịu trách nhiệm thanh toán các khoản nợ này bằng tài sản riêng của mình. Nếu tài sản không đủ thì thanh toán bằng phần tài sản của chồng bạn trong khối tài sản chung vợ chồng.

Chồng bán nhà do thua bạc, vợ con có phải cùng gánh nợ? - 1

Ảnh minh họa.

Thỏa thuận bán nhà của chồng có hợp pháp, có thực hiện được không?

Công văn số 196/TANDTC-PC của TAND Tối cao thông báo kết quả giải đáp trực tuyến vướng mắc trong công tác xét xử đã xác định:

Đối với trường hợp bất động sản là tài sản chung của vợ chồng nhưng chỉ có một bên vợ (hoặc chồng) tham gia khi ký kết hợp đồng tặng cho, chuyển nhượng (mua bán), thế chấp..., bên còn lại không tham gia ký kết, không đồng ý đối với hợp đồng đó; hợp đồng tặng cho, chuyển nhượng (mua bán), thế chấp không vi phạm các điều kiện có hiệu lực khác.

Vậy Hợp đồng đó vô hiệu toàn bộ hay vô hiệu một phần?.

Theo Điều 130 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: "Giao dịch dân sự vô hiệu từng phần khi một phần nội dung của giao dịch dân sự vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của giao dịch".

Khoản 1, 2 Điều 213 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

"1. Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia.

Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung".

Khoản 1 Điều 29 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

"Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập".

Điều 35 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

"1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.

Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây: a) Bất động sản;

…".

Theo LS Lực, dựa vào các quy định trên thì việc định đoạt tài sản chung của vợ chồng là bất động sản phải do hai vợ chồng thỏa thuận hoặc phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng. Do đó, trong trường hợp vợ chồng không có thỏa thuận định đoạt tài sản chung hoặc không có văn bản thỏa thuận phân chia tài sản; chỉ có một bên vợ hoặc chồng tham gia ký kết hợp đồng tặng cho, chuyển nhượng, thế chấp... bên còn lại không tham gia ký kết, không đồng ý thì hợp đồng đó vô hiệu toàn bộ.

Như vậy, bạn không phải trả nợ thay nghĩa vụ của chồng và chỉ khi bạn đồng ý bán nhà thì chồng bạn mới bán được nhà hợp pháp để trả nợ khoản vay do cá độ bóng đá.