"Nhảy cầu", nợ đi về đâu?
(Dân trí) - Mùa Euro và Copa đã qua, nhà vô địch đã được tìm ra, nhiều người máu đỏ đen lâm vào bước đường cùng, thậm chí là quẫn bách. Họ tìm đường "giải thoát", nhưng thực tế khoản nợ đó có trôi xuôi dòng nước?
Những năm gần đây tình trạng cờ bạc, đỏ đen liên quan đến các trận bóng đá diễn ra rất phổ biến. Hệ lụy kéo theo đó là tình trạng vay nợ, cầm cố thế chấp tài sản, nhà cửa để nướng vào những trận bóng. Có những người chỉ sau 90 phút bóng lăn họ mất tất cả không những cơ nghiệp gây dựng một đời mà còn là tình yêu của vợ, sự tin tưởng của con cái, cả mái ấm gia đình.
Sự cùng cực về tài chính, dẫn họ tới sự quẫn trí, tìm giải pháp cực đoan để xóa nợ, còn người còn nợ, hết người hết nợ. Tuy nhiên cách hiểu đó không hoàn toàn đúng với các quy định pháp luật hiện hành.
Đầu tiên ta có thể nói tới các khoản vay nợ có phát sinh nghĩa vụ trả nợ sau khi một người không còn tồn tại nữa hay không?.
Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc công ty luật Pháp trị - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết theo khoản 3, điều 422 của Bộ luật Dân sự năm 2015 về chấm dứt hợp đồng xác định: Hợp đồng chấm dứt trong trường hợp "Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện;". Quy định trên chỉ xác định Hợp đồng vay nợ sẽ chấm dứt tồn tại nhưng không đồng nghĩa với việc xóa nợ, loại trừ nghĩa vụ trả nợ.
Nếu một người dù đã tử vong nhưng họ còn tài sản thì tài sản này vẫn phải sử dụng để đảm bảo thanh toán cho khoản nợ của người đó theo quy định tại Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015 về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại: "1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. 2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại. 3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác".
Như vậy xét trên góc độ pháp luật, hành động "tự hủy" không có tác dụng đáng kể cho việc thoát nợ. Người vay vẫn phải trả nợ trong phạm vi tài sản của mình, thậm chí những người phải đứng ra đương đầu, giao tiếp với chủ nợ chính là người thừa kế, vợ con của họ.
Vậy có cách nào khác để xử lý các khoản nợ cờ bạc hay không?
Việc vay nợ để chơi cờ bạc phát sinh nhiều quan hệ, hệ lụy phải giải quyết. Nói về phần hình sự người vay chơi cá độ là hành động đánh bạc, có thể bị xử lý hình sự về tội đánh bạc theo quy định tại điều 321 Bộ luật hình sự với mức hình phạt cao nhất là 07 năm tù . Người cho vay nếu biết rõ cho vay để người đó sử dụng vào việc đánh bạc thì họ chịu trách nhiệm về tội tổ chức đánh bạc theo quy định tại điều 322 Bộ luật hình sự với mức hình phạt cao nhất là 10 năm tù.
Với hậu quả này, người cho vay nợ cờ bạc cũng khó có thể làm to mọi việc, truy đòi gắt gao bởi lẽ chính họ cũng đối mặt với rủi ro pháp lý lớn, thậm chí nặng nề hơn con nợ.
Số tiền vay nợ cờ bạc được xác định là vật chứng của vụ án theo Điều 89 Bộ luật tố tụng hình sự: "Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án".
Do vậy số tiền vay nợ sẽ được xử lý theo quy định của Bộ luật hình sự tại Điều 47. Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm: "1. Việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với: a) Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; b) Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội";
Để tránh hậu quả bị sung công ngân sách số tiền vay nợ cờ bạc thì lựa chọn khôn ngoan hơn của chủ nợ sẽ là đàm phán, hoãn giãn nợ để người vay có thời gian làm ăn, thu xếp tài chính trả nợ.
Như một câu kinh điển ai đó đã nói rằng "Cờ bạc thì người thắng là người không chơi", nhưng một khi đã trót sai lầm sa chân vào, chịu thiệt hại thì giải pháp khôn ngoan với người đánh bạc nên là đối diện, đàm phán, tìm giải pháp để sửa chữa sai lầm đó.