Nam Định - Bài 4:

Cho xã vay tiền, chết ai oán vẫn chưa đòi được nợ: Bức xúc, xót xa thay!

Ngọc Hân

(Dân trí) - “Bên cạnh yếu tố kỳ lạ trong câu chuyện UBND xã Nghĩa An vay tiền dân rồi cù nhây không trả, còn cái lạ nữa trong bản án của TAND huyện Nam Trực là không tính lãi cho dân", bạn đọc Dân trí bày tỏ.

Bức xúc, xót xa thay, kỳ lạ thật… là những điều đầu tiên bạn đọc phải thốt lên đầy bất bình trong những dòng comment gửi về Dân trí, liên quan đến nội dung sự việc UBND xã Nghĩa An, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định bội tín khi vay tiền của dân 14 năm mà không chịu trả.

Không bất bình, xót xa sao được khi mà xã gặp khó khăn bèn vay tiền ông Mai Văn Phong để vượt khó; để rồi sau đó, muốn lấy được số tiền mồ hôi nước mắt bao năm tích cóp, ông Phong lại khốn khổ suốt 14 năm mà vẫn chưa đòi được.

Con ốm, vợ đau, chỉ chờ vào khoản tiền đó để được đi chạy chữa, nhưng hết lần này đến lần khác, các cơ quan ban ngành của huyện Nam Trực tới xã Nghĩa An đều khất lần, đẩy vợ con ông vào cái chết đầy ai oán khi không có tiền chữa chạy.

Người chết đã chết rồi, để lại cho người sống bao nỗi đau khổ, dằn vặt!

Kỳ lạ thay cho 1 bản án khó hiểu…

Sau 12 năm con nợ chây ì, ông Mai Văn Phong đã làm đơn gửi TAND huyện Nam Trực để đòi cả số tiền gốc lẫn lãi đã cho UBND xã Nghĩa An vay năm 2006. Tuy nhiên, TAND huyện chỉ yêu cầu UBND xã Nghĩa An trả số tiền gốc đã vay là 116.400.000đ.

Cho xã vay tiền, chết ai oán vẫn chưa đòi được nợ: Bức xúc, xót xa thay! - 1

Ngoài việc bất bình trước sự bội tín của UBND xã Nghĩa An, dư luận còn cảm thấy hết sức khó hiểu vì cách làm việc "loanh quanh" của Chi cục thi hành án huyện Nam Trực

“Với yêu cầu về lãi suất, ông Phong yêu cầu UBND xã Nghĩa An phải trả cho ông số tiền lãi phát sinh 1%/tháng tính từ ngày 27/6/2007 đến ngày 11/6/2018 là 152.484.000đ. HĐXX thấy đây không phải là quan hệ tranh chấp hợp đồng vay tài sản (do đã hết thời hiệu khởi kiện) mà đây là quan hệ tranh chấp kiện đòi lại tài sản.

Theo quy định tại điểm b, khoản 3 Điều 23 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng thẩm phán TANDTC đối với yêu cầu thanh toán khoản lãi thì toà án không giải quyết vì đã hết thời hiệu khởi kiện. Do vậy, không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu buộc UBND xã Nghĩa An phải trả cho ông Phong số tiền lãi phát sinh.

Về án phí dân sự sơ thẩm: Do phần yêu cầu đòi số tiền vay gốc 116.400.000đ của ông Mai Văn Phong được chấp nhận nên UBND xã Nghĩa An phải chịu 300.000đ tiền án phí không có giá ngạch.

Đối với yêu cầu đòi tiền lãi suất của ông Mai Văn Phong không được chấp nhận, nên ông Phong phải chịu án phí sơ thẩm có giá ngạch là 152.484.000đ x 5% = 7.624.200đ.”.

Cho xã vay tiền, chết ai oán vẫn chưa đòi được nợ: Bức xúc, xót xa thay! - 2
Cho xã vay tiền, chết ai oán vẫn chưa đòi được nợ: Bức xúc, xót xa thay! - 3

Bản án của TAND huyện Nam Trực đã tuyên UBND xã Nghĩa An phải trả ông Phong số tiền đã vay, nhưng không phải trả phần tiền lãi lẫn tiền trượt giá 14 năm

Một điều kỳ lạ nữa là bản án đã tuyên được 2 năm, Chi cục Thi hành án đã ra thông báo, nhưng mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ. Một câu hỏi được đặt ra là: Tại sao cơ quan thi hành án không làm theo đúng luật, quá hạn thi hành án thì tiến hành cưỡng chế mà sao cứ loanh quanh họp hành với đề xuất cùng “con nợ” như vậy? Liệu trong trường hợp này, luật chỉ để dành cho dân còn lệ cho quan?".

Bạn đọc với nickname Bay bức xúc: “Nếu không tính lãi cho 2 bác phải tính phần tiền trượt giá chứ. Bác chỉ cho mượn tiền không tính lãi đến khi công trình hoàn thành thôi chứ ai cho mượn 14 năm. Năm 2006 giá vàng tầm 1.300.000-1.700.000 đ/1 chỉ bây giờ vàng lên hơn 5 triệu rồi thiệt hại với hai bác là rất lớn. Thế mà UBND xã còn muốn bùng của 2 bác. Mình chịu luôn”.

“116 triệu bây giờ không biết có bằng 30 triệu năm 2006 không nữa. Bỏ tiền cho xã vay không được đồng tiền lãi nào lại bỏ công gần 14 năm đi đòi nợ, kiện cáo. Xã khôn quá ăn tiền công khai của dân 14 năm mà không ai làm gì được. Mà mình không hiểu được lãnh đạo cấp huyện biết sao không cho thanh tra về kiểm tra giải quyết dứt điểm cho dân". bạn đọc B.A.T đồng quan điểm.

14 năm, cả 1 bộ máy của huyện không tìm được giải pháp?

Câu hỏi tưởng dễ mà khó trả lời của bạn đọc Lại Cao Hạnh: “Cả một xã nợ một người dân mà để người ta đòi 14 năm nay, thật không thể chịu nổi. Cán bộ xã này sao nhẫn tâm đến thế, nợ thì phải trả đó là quy luật của muôn đời, sao không làm ngay đi. Cán bộ huyện thì sao mà vô cảm thế, cả một bộ máy với hàng trăm quan chức, mà một việc nhỏ không tìm ra giải pháp sao?".

Cho xã vay tiền, chết ai oán vẫn chưa đòi được nợ: Bức xúc, xót xa thay! - 4
Vợ ông Phong đã không thể cùng chồng kiên nhẫn chờ đợi, bà ra đi để lại nỗi day dứt lớn trong lòng ông khi không thể đòi lại được số tiền đã cho vay về chữa bệnh cho vợ.

“Chuyện này có thật sao? Chính quyền xã vay tiền của dân có đúng quy định không? Hơn 100 triệu chứ có phải vài ngàn đâu mà định xù. Dù tòa đã tuyên nhưng cứ cù nhầy vì sao thế? Khi mượn thì "hạch toán" khoản nào mà trả thì hạch toán không xong?”, bạn đọc Dương Văn Tuấn.

Bạn đọc Hải Hà: “Ông xã thì bảo chờ tài chính của huyện hướng dẫn, ông huyện thì bảo chưa biết làm thế nào để giải ngân. Vậy tóm lại dân phải chờ đến bao lâu nữa khi tuổi già sức yếu, sự sống tính bằng tháng chứ không phải bằng năm nữa?”.

“Khi vay thật dễ, khi trả khó thế, nếu không có báo chí chắc họ nuốt luôn”, bạn đọc An Nguyen lo lắng.

Bạn đọc Minh Tâm: “Quả thật luật chỉ dùng cho dân chứ không phải dùng cho cơ quan nhà nước. Vậy sao không lôi ông chủ tịch xã đã đi vay của dân ra với mấy ông thi hành án của các năm 2018 đến nay ra quy trách nhiệm. Rất mong tòa án nhân dân tối cao xem xét giúp cho bác ấy lấy lại được số tiền trên”.

Như Dân trí đã thông tin, vợ ông Phong sau 14 năm cùng chồng chờ đợi UBND xã  Nghĩa An trả nợ để có tiền đi chữa bệnh, đã không thể kiên nhẫn đi đến cuối hành trình. Bà ra đi để lại nỗi day dứt lớn trong lòng ông, khi không có tiền chữa bệnh cho vợ con.

Bản thân ông giờ đang bị bệnh tiểu đường giai đoạn cuối đã biến chứng, tình trạng bệnh khá nặng, 2 người con thì một đã mất, người còn lại do di chứng chất độc da cam nên không được nhanh nhẹn lại lấy chồng xa. Ông phải sống trong cảnh một mình tự chăm sóc bản thân, giờ nếu chẳng may có cơn bệnh nặng ập đến, tiền không có để chữa trị, cũng chẳng biết bấu víu vào ai.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc!