Nam Định - Bài 3:
Xã vay tiền dân 14 năm không trả: Xót xa người vợ qua đời trong ai oán
(Dân trí) - Để đòi lại số tiền mồ hôi nước mắt cho UBND xã vay, ông Mai Văn Phong đã phải đi "chùn chân, mỏi gối" từ xã lên huyện, từ tòa án tới cơ quan thi hành án, thậm chí vợ qua đời vì không có tiền cứu chữa.
“Âm dương li biệt” vì “con nợ”
Vụ việc UBND xã Nghĩa An, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định bội tín, thất hứa khi vay tiền người dân 14 năm không trả mới được đăng tải tới bài viết thứ 2, nhưng thật đau xót khi hay tin, vợ của ông Mai Văn Phong đã không còn nữa.
Bà cùng chồng đã chờ mòn mỏi 14 năm để có tiền đi chữa bệnh trọng, nhưng “con nợ” chây ì vì còn mải đổ lỗi, chờ ý kiến chỉ đạo từ cấp trên… Trước khi vợ nhắm mắt, ông Phong đã nuốt nước mắt vào trong để nói dối bà rằng “hay tin bà trở nặng, xã đã cử người xuống trả tiền cả gốc lẫn lãi rồi, mình yên tâm đi nhé!”.
Bản thân ông cũng đang bị bệnh tiểu đường giai đoạn cuối đã biến chứng, tình trạng bệnh khá nặng, 2 người con thì một đã mất, người còn lại do di chứng chất độc da cam nên không được nhanh nhẹn lại lấy chồng xa. Ông phải sống trong cảnh một mình tự chăm sóc bản thân, giờ nếu chẳng may có cơn bệnh nặng ập đến, tiền không có để chữa trị, cũng chẳng biết bấu víu vào ai.
Ngày 25/9/2020, ông Lưu Quang Tuyển, Chủ tịch UBND huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định khẳng định với PV Dân trí rằng, về cơ bản, nguồn thì huyện đã có sẵn nhưng chưa biết phải hạch toán thế nào để trả người dân, chờ qua Đại hội Đảng bộ cấp huyện (ngày 26/9/2020-PV), ông sẽ làm việc với các phòng chức năng để giải quyết dứt điểm vấn đề này.
Mới đây, PV Dân trí liên hệ lại với ông Tuyển để nắm bắt diễn biến quá trình giải quyết sự việc của UBND huyện và xã Nghĩa An, ông cho biết: "Hiện tôi đang họp cùng một số ban ngành của huyện, trong đó có phòng tài chính để tính toán xem tiền để trả cho bác Phong sẽ chi vào khoản nào, mặc dù tiền đã có sẵn.
Đây là việc hết sức rõ ràng vì thời điểm đó xã có chi để trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng cho dân, nhưng tôi không hiểu tại sao trước đây các đồng chí ấy lại không làm hồ sơ dự án mà cứ vay mượn ào ào để chi cho xong việc thế này".
Ông Tuyển khẳng định, thời điểm này, việc dựng lại hồ sơ giải phóng mặt bằng để chi tiền trả cho bác Phong là việc không thể làm được.
“Tôi biết thời gian bây giờ đối với vợ chồng bác Phong không còn nhiều nữa, cũng biết sự việc này đã kéo dài qua mấy đời chủ tịch xã rồi mà vẫn chưa thể giải quyết nổi. Cá nhân tôi mới nhận chức chưa được lâu nhưng khi nắm bắt được vụ việc, tôi đã nhiều lần điện thoại động viên bác Phong và khẳng định, quan điểm của huyện và xã là sẽ dứt khoát phải trả lại số tiền trên cho bác và gia đình”. Chủ tịch UBND huyện Nam Trực thông tin với PV Dân trí.
Ông Tuyển cho biết sẽ báo cáo thêm với Sở Tài chính tỉnh Nam Định để xin ý kiến về hướng xử lý vấn đề.
Liên hệ lại với Chủ tịch UBND xã Nghĩa An, ông Lưu Trọng Nam cho biết xã vẫn chưa biết phải giải quyết thế nào vì việc này vượt thẩm quyền của xã, vẫn đang phải chờ lãnh đạo huyện cho ý kiến chỉ đạo.
“12 năm rồi, thêm 2 năm từ khi tòa xử xong, là ngần ấy năm các lãnh đạo huyện và xã lặp lại bài ca: Đang chờ họp bàn phương án giải quyết cô à (PV). Mấy đời chủ tịch huyện, chủ tịch xã đều nói với tôi câu ấy. Tôi gửi đơn lên tỉnh, thì tỉnh đẩy về huyện và xã. Nếu họ trả nợ cho tôi sớm, thì tôi đã có tiền chữa bệnh cho con trai, rồi sau đó là vợ tôi… không phải nói quá chứ việc quỵt nợ của chính quyền xã đã đẩy gia đình tôi đến cảnh âm dương li biệt thế này”, ông Phong xót xa!
Cơ quan nhà nước có quyền đứng trên luật?
Theo dõi sự việc qua 2 kỳ báo của Dân trí, nhiều bạn đọc thắc mắc: “Bản án của tòa đã tuyên, tại sao cơ quan thi hành án không làm theo đúng luật, quá hạn thi hành án thì tiến hành cưỡng chế mà cứ loanh quanh họp hành với đề xuất cùng “con nợ” như vậy? Liệu trong trường hợp này, luật chỉ để dành cho dân còn lệ cho quan?"
Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư Hà Nội) đã khẳng định: “Nếu phán quyết trong bản án không được UBND xã tôn trọng, tự nguyện thực thi thì cơ quan thi hành án phải thực hiện cưỡng chế thi hành án bao gồm không giới hạn các biện pháp: khấu từ tài khoản, phong tỏa tài khoản, thu giữ giấy tờ có giá, tịch thu bán phát mại tài sản…
Ngoài ra cơ quan thanh tra, cơ quan công an cũng cần vào cuộc để xác định số tiền ngân sách để chi trả bồi thường, xây dựng trường mầm non có được duyệt chi hay không? Nếu có duyệt chi thì số tiền hiện nay ở đâu, sao không về đến UBND xã? Có hay không cá nhân tham ô, lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm giữ trái phép số tiền ngân sách trên. Thiết nghĩ đây là gốc rễ của sự lùm xùm bội ước, chậm trễ, trây ỳ trả tiền vay của UBND xã Nghĩa An.”
Theo luật sư Lực, việc UBND xã, UBND huyện thực hiện giải phóng mặt bằng thực hiện công trình trường học, có nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước mà lại không có kinh phí giải phóng mặt bằng thì quả thực phi lý. Tiếp đó UBND xã phải vay vốn của người dân để trả tiền bồi thường có các hộ dân khác lại càng lạ kỳ.
Rồi trường xây xong đi vào hoạt động 14 năm UBND xã lại bội tín không trả tiền vay cho dân thật sự bất thường, phi luân lý. Dân làm ơn, mắc oán không đợi chờ được UBND xã thực hiện đạo lý cơ bản làm người “có vay có trả”, cực chẳng đã phải khởi kiện ra tòa. Bản án cũng lạ, tiền cho vay từ năm 2006 chỉ đòi được gốc, người dân không được tòa án chấp nhận lãi suất.
Bản án đã tuyên từ năm 2018, cơ quan thi hành án đã nhiều lần yêu cầu UBND xã nhưng cơ quan này vẫn chây ỳ, bỏ mặc quyền lợi nhân dân, coi thường giá trị bản án. Vì xã có khó khăn mà ông Mai Văn Phong cho vay nhưng đến nay vợ ông Phong mắc bệnh hiểm nghèo, ông chỉ yêu cầu UBND xã trả lại tiền họ vay, thi hành bản án có hiệu lực thì họ lại chây ỳ.
Thực sự hành xử của UBND xã Nghĩa An không theo đạo lý cơ bản của xã hội, thể hiện sự bội tín, bất chấp pháp luật.
Báo điện tử Dân trí kính đề nghị UBND tỉnh Nam Định, Tòa án nhân dân tỉnh, Cục thi hành án tỉnh Nam Định xem xét chỉ đạo và giải quyết sự việc theo đúng quy định của pháp luật!
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc!