Cho con đi học khóa tu, phụ huynh "giác ngộ"

Bảo Khang

(Dân trí) - Nhiều độc giả cho rằng, người lớn sống mấy chục năm, ăn chay có, niệm Phật có, kinh nghiệm sống phong phú mà còn chưa giác ngộ. Con đi tu 5 ngày mà "ngộ ra" thì cha mẹ hơi bị ảo tưởng rồi?.

Bài viết "Trải nghiệm kinh hoàng" của một phụ huynh cho con tham gia khóa tu 5 ngày và phát hiện con bị "sưng tay", người ngợm hôi hám, bẩn thỉu, muỗi đốt chi chít… đã thu hút sự quan tâm, bình luận của hàng trăm nghìn độc giả.

Cho con đi học khóa tu, phụ huynh giác ngộ - 1

Chia sẻ trải nghiệm kinh hoàng của vị phụ huynh cho con tham gia khóa tu tại chùa Cự Đà gây xôn xao dư luận (Ảnh: Chụp màn hình).

Chưa bàn tới chuyện đúng - sai của đơn vị tổ chức, nhiều bậc phụ huynh đặt ra câu hỏi, liệu cha mẹ đã thực sự có trách nhiệm với con cái hay chỉ biết "phó mặc" cho các khóa học, chạy theo số đông, cụ thể là khóa tu chỉ vỏn vẹn 5 ngày với kỳ vọng cho con "thay đổi"?.

Độc giả Ngọc Quang Trần: "Còn nhỏ cứ cho trẻ vô tư chơi đùa ở bên cha mẹ gia đình, đã biết gì đâu mà cho đi tu sớm thế?".

Cùng quan điểm trên, độc giả Ng.Lam cho rằng: "Đừng đánh mất tuổi thơ của con mình, con nó đang tuổi ăn tuổi lớn vui chơi, được mùa hè nghỉ ngơi vui đùa lại bắt con dậy từ 5 giờ sáng học tu tập. Khi con đủ tuổi trưởng thành, suy nghĩ chín chắn, nếu muốn đi tu tự cháu sẽ quyết định cho cuộc đời mình".

Độc giả T.N.G cho rằng: "Mình vẫn không hiểu các bố mẹ cho con đi học khóa tu với mong cầu gì? Việc hình thành nhân cách, trách nhiệm và tình yêu thương của một đứa trẻ đều xuất phát từ gia đình mà ra".

Độc giả Hà Chiến gay gắt nêu quan điểm: "Chỉ có những cha mẹ vô tâm, thiếu tự tin vào tương lai con cái mới đi gửi vào những chỗ gọi là lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để kiếm tiền. Cha mẹ trao những đứa trẻ vào những nơi mà họ không biết chắc chắn cũng là một lỗi lớn".

"Cả năm học hành vất vả có mỗi dịp hè bố mẹ nên cho đi học nấu ăn. Học nấu ăn sẽ được học cả văn hóa trong mâm cơm như thế nào: nếm canh nếm thức ăn bằng thìa phải múc ít thôi, nếm vừa đủ xong bỏ thìa ra rửa không được múc cái thìa vừa nếm trở lại nồi canh. Múc canh, múc thức ăn phải múc thìa muôi không được thò đũa vớt rau mất vệ sinh làm người khác ghê không muốn ăn.

Ngồi ăn phải nhìn trước ngó sau đừng thấy món gì ngon gắp ăn nhiều quá còn phải phần người khác nữa. Học chia sẻ công việc nhà, đừng tham ăn tục uống, đừng ích kỉ chỉ biết mỗi bản thân mình. Học những thứ nhỏ ấy trước. Học chào hỏi ăn nói gói mở cho thuần thục đi rồi lớn tý nữa ý thức được thì học tu sau.

Trước mắt vào bếp nấu ăn cho bố mẹ, dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, bếp núc gọn gàng đã là ngon lắm rồi. Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ ấy là chân tu. Nấu ăn ngon cho bố mẹ ăn là các con đang tu rồi đấy" chị Hoàng Minh Hiền chia sẻ và nêu quan điểm.

Bên cạnh những ý kiến phản đối việc phụ huynh cho con tham gia khóa tu ở độ tuổi nhỏ là chưa thực sự phù hợp, nhiều người lại cho rằng người mẹ trong câu chuyện trên đang làm quá lên.

Độc giả Lê Minh: "Những khóa tu mùa hè đã có từ chục năm nay, hai chục năm nay trên khắp mọi miền đất nước và đem lại lợi ích lớn lao cho hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn các trẻ em, thanh thiếu niên trực tiếp tham gia và cho xã hội. Sự việc không có gì lớn mà người mẹ đẩy vấn đề thành nghiêm trọng như vậy thực ra cũng là biểu hiện của sự nhỏ nhen, ích kỷ.

Chắc hẳn ở nhà cháu này quen được chiều chuộng lắm. Cứ cho là việc đó có đi nữa thì cũng không sao cả, đó cũng là cơ hội để con trẻ tự trưởng thành, vững vàng. Như vậy tốt hơn cho chính chúng và rộng hơn là cho xã hội. Chưa kể có cùng lúc hàng trăm cháu cùng về một chỗ, trong sinh hoạt, ăn ngủ sẽ khó tránh khỏi những tiểu tiết này kia. Đây là điều hoàn toàn bình thường".

Độc giả Thanh Quang đồng quan điểm khi cho rằng, đã xác định đi khóa tu thì tất nhiên không sướng như ở nhà. "Mùa hè nóng cơ bản rất ít muỗi, và các cháu còn hiếu động có đánh nhau tị nạnh 1 chút cũng dễ hiểu và dễ dàn xếp chứ cô này việc bé xé ra to.

Nếu vụ việc như cô này nêu mà trầm trọng trong điều kiện sinh hoạt thì rất nhiều phụ huynh đã làm ầm lên rồi. Câu hỏi là mấy trăm phụ huynh tại sao mỗi cô này làm ầm lên chuyện ăn ở còn nhà khác thì không? Vấn đề là con họ ổn chứ không thì không yên với họ. Còn nơi đông người thiếu thốn nước nôi là lẽ thường có thể thông cảm được.

Khoảng 400 cháu mà qua cô này và mạng xã hội thành 600 cháu thì nên xem lại chính mình việc thổi phồng sự thật. 400 cháu thì tiền gạo, dầu, ga, điện đóm không ít đâu nên mọi người ổn mà cô này bắt nhà chùa trả lại tiền cho các phụ huynh khác thì hơi lạm quyền. Tôi nghĩ theo tiền lệ này mà ở trường học nào có các cháu học sinh đánh nhau thì cả trường phải hủy cả học kỳ và nhà trường phải trả hết học phí cho phụ huynh thì không ổn".

Cũng có ý kiến của độc giả cho rằng cần kiểm tra các khóa tu hiện nay trên khắp cả nước đã đủ điều kiện và trình độ chuyên môn, cơ sở vật chất để dạy học sinh với số lượng lớn như vậy hay chưa.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm