Bài 5:
Chi hơn 10 tỷ sửa chữa, cắm biển hạn chế trọng tải trên cây cầu “độc nhất vô nhị” tại Bắc Giang
(Dân trí) - Liên quan đến nguy cơ xảy ra thảm hoạ trên cầu Cẩm Lý, sau loạt bài phản ánh của Báo Dân trí, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết sẽ giao nhiệm vụ cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương hoàn thành việc sửa chữa cầu, đồng thời, giao cơ quan chuyên môn nghiên cứu cắm bổ sung biển hạn chế tải trọng toàn bộ xe qua cầu phù hợp với tải trọng cho phép.
Là 1 trong 3 cây cầu còn lại trên cả nước có đường bộ và đường sắt đi chung với nhau, tuy nhiên từ lúc đưa vào sử dụng đến nay đã gần 50 năm nhưng cầu Cẩm Lý chưa từng được kiểm định lần nào, trong khi đó hàng ngày phải oằn mình, gánh chịu hàng nghìn lượt xe trọng tải lớn đi qua, tiềm ẩn những mối nguy hại khôn lường.
Để tìm phương án xử lý, PV Dân trí đã có buổi làm việc với ông Bùi Khắc Điệp - Phó vụ trưởng Vụ kết cấu hạ tầng giao thông (Bộ GTVT).
PV: Theo thông tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cây cầu Cẩm Lý ở huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang đã sử dụng gần 50 năm phải được kiểm định, kiểm tra chất lượng an toàn tuy nhiên do khó khăn về mặt kinh phí nên chưa thể thực hiện. Cuối năm 2018 và tháng 5/2019, Tổng công ty Đường sắt có đề xuất Bộ GTVT kiểm định cây cầu này. Xin ông cho biết điều này có đúng không và thực trạng cây cầu này được Bộ GTVT kiểm soát ra sao?
Ông Bùi Khắc Điệp: Hiện tại, cầu Cẩm Lý là một trong 03 cầu chung còn lại trên các tuyến đường sắt quốc gia. Thực hiện nhiệm vụ giao tại Luật Đường sắt số 06/2017/QH14, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 11/2018/TT-BGTVT Quy định về cầu chung, giao thông trên khu vực cầu chung. Hàng năm, cầu Cẩm Lý được Bộ GTVT phê duyệt bảo trì thông qua kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia bằng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước.
Cầu Cẩm Lý đã được ghi trong danh mục các công trình sửa chữa định kỳ các công trình có kinh phí ≥ 500 triệu đồng chuẩn bị đầu tư năm 2018 và thực hiện đầu tư năm 2019.
Ngày 23/11/2018, Cục Đường sắt Việt Nam đã có quyết định về việc phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình Sửa chữa định kỳ cầu Cẩm Lý km 24+134 tuyến đường sắt Kép – Hạ Long với nội dung sửa chữa khắc phục hư hỏng đường trên cầu và hai đầu cầu (đường sắt và đường bộ). Đến nay, cầu Cẩm Lý đã được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam triển khai thi công xây dựng và dự kiến hoàn thành ngày 17/01/2020.
PV: Sau vụ sập cầu Ghềnh năm 2011, Thủ tướng đã phê duyệt dự án xây dựng cầu Cẩm Lý để tách cầu đường bộ và đường sắt đi chung với nhau là dự án mang tính cấp thiết, cần làm ngay. Tuy nhiên, đến nay chưa có nguồn vốn để thực hiện trong khi chất lượng cây cầu đã xuống cấp nghiêng trọng. Quan điểm của Bộ GTVT về vấn đề này như thế nào?
Ông Bùi Khắc Điệp: Sau tai nạn cầu Ghềnh, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép đầu tư xây dựng các cầu đường bộ tách khỏi cầu chung đường sắt và đã hoàn thành tách 03 cầu đi chung là cầu Đồng Nai, Tam Bạc, Thị Cầu.
Hiện nay, trên mạng đường sắt quốc gia còn 03 cầu chung là cầu Cẩm Lý (cầu Lục Nam) Km24+134 tuyến đường sắt Kép – Hạ Long, cầu Chung Lu Km263+167 tuyến nhánh Phố Lu – Pom Hán tuyến đường sắt Yên Viên – Lào Cai, cầu Long Đại Km538+398 tuyến đường sắt Hà Nội – TP Hồ Chí Minh.
Hàng ngày cây cầu Cẩm Lý phải oằn mình chịu đứng hàng nghìn lượt xe trọng tải lớn chạy rầm rập.
Từ năm 2014, Bộ GTVT đã giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam triển khai và hoàn thành công tác khảo sát, thiết kế và đã tổ chức báo cáo đầu kỳ dự án để tách đường bộ và đường sắt đối với 03 cầu chung nêu trên theo Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Về lâu dài, việc xây dựng cầu đường bộ mới để tách khỏi cầu đi chung với đường sắt là rất cần thiết nhằm đảm bảo an toàn giao thông và an toàn công trình. Tuy nhiên, do không được bố trí vốn nên dự án đầu tư xây dựng tách cầu đường bộ đi chung với đường sắt chưa được triển khai thực hiện. Trước mắt, Bộ GTVT yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam theo dõi, bảo dưỡng đảm bảo điều kiện chạy tàu. Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm bố trí vốn để tiếp tục triển khai thực hiện việc tách 03 cầu chung còn lại nêu trên.
PV: Theo Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam năm 1972, nhà nước đã hoàn thành thiết kế cây cầu Cẩm Lý với tải trọng ô tô H13 tức là mỗi xe nặng 13 tấn (trục sau 9 tấn, trục trước 4 tấn). Tuy nhiên, theo phóng viên ghi nhận ở mỗi đầu cầu Cẩm Lý có biển hạn chế tải trọng là 9 tấn/trục và mỗi ngày có khoảng 2200 lượt xe tải hạng nặng, xe container 6-8 trục đi qua. Việc này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết cấu cục bộ bản mặt cầu và hệ thống dầm đỡ kết cấu bản mặt cầu. ông bình luận gì về điều này và cho biết việc cắm biển 9 tấn/trục để xe tải 6-8 trục đi qua có đúng không? Biện pháp gì khắc phục tình trạng này?
Ông Bùi Khắc Điệp: Cầu Cẩm Lý được xây dựng từ năm 1979, có chiều dài 272,4m gồm 4 nhịp dàn thép, mỗi nhịp dài 64,6m, cầu được thiết kế với tải trọng T22 cho đường sắt khổ 1435 mm, tải trọng H13, X60 cho đường bộ, trong đó tải trọng đường sắt là tải trọng khống chế.
Hiện nay, cầu Cẩm Lý đang cắm biển hạn chế tải trọng trục xe ô tô không quá 9 tấn/trục là phù hợp với quy định hiện hành và tải trọng thiết kế của xe ô tô (tải trọng trục lớn nhất được phép lưu hành trên đường bộ là 10 tấn/trục đơn) vì lý do tải trọng đoàn tàu là tải trọng khống chế.
Mặt cầu xuống cấp gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Tải trục xe ô tô chỉ ảnh hưởng đến sự làm việc cục bộ của bản mặt cầu. Việc cắm biển hạn chế tải trọng được thực hiện theo quy định của Thông tư số 84/2014/TT-BGTVT ngày 31/12/2014 của Bộ GTVT Quy định về tổ chức giao thông và đặt biển báo hiệu hạn chế trọng lượng xe qua cầu đường bộ; Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT ngày 07/9/2015 của Bộ GTVT Quy định về tải trọng và khổ giới hạn của đường bộ; QCVN 41:2016/BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ.
Để giảm thiểu hư hỏng cục bộ của bản kết cấu nhịp thép, kết cấu nhịp bê tông cốt thép thường (BTCT) mặt cầu, cần thiết phải kiểm soát chặt xe chở quá tải trọng qua cầu, đặc biệt các xe có tải trọng trục xe vượt quá tải trọng trục xe được phép qua cầu, tuân thủ theo đúng quy định về tải trọng trục xe tại Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT ngày 07/9/2015 của Bộ GTVT.
Đồng thời, đơn vị quản lý cầu Cẩm Lý phải thường xuyên kiểm tra các tấm bản BTCT mặt cầu phải được kê chắc chắn, xiết chặt các bu lông neo tấm bản BTCT mặt cầu vào dầm cầu để tránh hiện tượng xung kích gây hư hỏng cục bộ mặt cầu khi có xe nặng đi qua cầu; bổ sung biển chỉ dẫn cho các phương tiện xe cơ giới đường bộ phải đi đúng tim cầu tại hai đầu cầu, kết hợp với sự điều tiết giao thông của đơn vị quản lý cầu và người gác cầu Cẩm Lý.
PV: Có ý kiến cho rằng, đường sắt và đường bộ phải được tách riêng vì những cây cầu có đường sắt, đường bộ có thiết kế từ rất lâu, không đảm bảo chất lượng, yếu tố kỹ thuật để những xe có tải trọng lớn, siêu trường siêu trọng đi qua. Thậm chí, phải có biện pháp phân luồng từ xa, cấm những loại xe này đi qua cầu khi chưa có giải pháp xây dựng cầu mới. Quan điểm của ông như thế nào?
Ông Bùi Khắc Điệp: Đây là một thực tế, trước đây, điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, các tuyến quốc lộ thường chạy song song giáp với đường sắt, mật độ tàu cũng như mật độ phương tiện giao thông đường bộ còn thấp, tải trọng phương tiện đường bộ không lớn nên một số cầu đường sắt được xây dựng cho đường bộ và đường sắt đi chung.
Hiểm hoạ luôn rình rập tại đây.
Hiện nay với sự phát triển rất nhanh của phương tiện giao thông, đặc biệt là phương tiện giao thông đường bộ, tải trọng xe lớn đã dẫn đến cầu chung dễ là điểm đen, tiềm ẩn nguy cơ cao về mất an toàn giao thông, rất khó khăn cho công tác quản lý, bảo trì, khai thác cầu chung. Do đó việc phân luồng từ xa, cấm những xe có tải trọng trục, tải trọng toàn bộ xe lớn hơn tải trong cho phép của cầu chung là cần thiết.
PV: Từ vụ tai nạn tại cầu Ghềnh năm 2011 và mới nhất là vụ sập cầu Tân Nghĩa, tỉnh Đồng Tháp, Bộ GTVT đã rút ra bài học kinh nghiệm gì đối với thực trạng đường sắt và đường bộ đi chung tiềm ẩn nhiều bất cập này?
Ông Bùi Khắc Điệp: Như đã nói ở trên, hiện nay giao thông trên cầu chung thường có tiềm ẩn nguy cơ về mất an toàn giao thông; Bộ GTVT đã và đang từng bước triển khai xây dựng cầu đường bộ để tách toàn bộ đường bộ khỏi cầu chung đường sắt trên cơ sở huy động, cân đối các nguồn vốn nhằm đảm bảo an toàn công trình, an toàn giao thông đường sắt, đường bộ.
PV: Về thực tế cầu Cẩm Lý, đề nghị Bộ GTVT cho biết giải pháp khắc phục là gì?
Ông Bùi Khắc Điệp: Để đảm bảo an toàn công trình, an toàn giao thông vận tải đường sắt, đường bộ, Bộ GTVT sẽ giao nhiệm vụ cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương thực hiện và hoàn thành việc sửa chữa cầu Cẩm Lý đúng tiến độ đề ra, bảo đảm chất lượng, tăng cường an toàn giao thông qua cầu. Đồng thời, cơ quan quản lý đường bộ được giao quản lý Quốc lộ 37 chủ trì, phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nghiên cứu cắm bổ sung biển hạn chế tải trọng toàn bộ xe qua cầu phù hợp với tải trọng cho phép của cầu.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải đề nghị các cơ quan liên quan như cảnh sát giao thông, chính quyền địa phương phối hợp trong công tác tuần tra, kiểm soát các phương tiện giao thông đường bộ qua cầu để bảo đảm trật tư, an toàn giao thông, an toàn công trình.
Xin cảm ơn ông!
Anh Thế - Ngọc Hân (thực hiện)