"Chê" camera thông minh, độc giả hiến kế cứu cây cầu "bất ổn"
(Dân trí) - Sau khi cầu vượt Thái Hà lắp đặt hệ thống camera thông minh, sự cố va chạm với xe tải vẫn xảy ra. Nhiều độc giả cho rằng hệ thống này chưa thực sự hiệu quả mà cần một giải pháp khác.
Đầu tháng 11/2022, Sở GTVT Hà Nội đã tiến hành lắp đặt thí điểm hệ thống cảnh báo các phương tiện quá khổ qua cầu vượt Tây Sơn - Chùa Bộc. Hệ thống này sử dụng ứng dụng nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) phân tích, xử lý hình ảnh bằng Camera.
Các camera thông minh sẽ hoạt động theo phương thức phát hiện, phân loại, nhận diện các loại xe tải, xe quá khổ, xe khách từ xa... Sau đó, hệ thống sẽ trực tiếp đưa ra cảnh báo bằng việc phát hình ảnh biển kiểm soát xe lên các biển điện tử, được lắp đặt ngay phía lối lên và xuống ở cả 2 đầu cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc.
Theo số liệu từ Sở GTVT Hà Nội (từ 0h ngày 1/12/2022 đến 17h ngày 6/12/2022), hệ thống camera thông minh trên cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc đã phát cảnh báo đối với 8.000 xe ô tô, xe tải, xe ba gác... có ý định và đã di chuyển lên cầu.
Tuy nhiên, vào sáng 11/12, một chiếc ô tô tải chở hàng đi từ hướng Tây Sơn - Thái Hà, khi đi qua cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc thì bị vướng phần thùng xe vào khung hạn chế chiều cao, khiến cả một hướng cầu vượt bị ùn tắc. Đáng nói, mặc dù cây cầu vượt này đã được lắp camera cảnh báo, hiện cả số biển kiểm soát xe lên biển thông báo, tuy nhiên tài xế ô tô tải vẫn đi lên cầu và gặp sự cố.
Sau sự cố đó, độc giả Dân trí đã đưa ra nhiều ý kiến trái chiều về hệ thống trên. Cụ thể, tài khoản có tên Phan Trọng Thiệp cho rằng: "Các vụ va chạm giới hạn chiều cao tại cầu vượt Thái Hà do lỗi chủ quan của lái xe. Thiệt hại thường rất lớn cho cả xe vi phạm lẫn bản thân cây cầu.
Mặc dù đã có rất nhiều vụ tai nạn gây hư hỏng, nguy hiểm cho cây cầu và các phương tiện nhưng cơ quan chủ quản vẫn không có một giải pháp cảnh báo ngăn chặn hiệu quả nào. Tôi cho rằng, thay vì hàn cố định những thanh dầm sắt nặng nề to tướng để làm thanh chắn giới hạn chiều cao (sẽ rất nguy hiểm khi có va chạm) thì cơ quan quản lý cây cầu vượt này chỉ cần treo những tấm biển báo giới hạn bằng xích sắt. Như vậy, những phương tiện nhỡ có va chạm cũng sẽ không gây nguy hiểm đến các phương tiện khác, vừa không làm hư hỏng đến kết cấu cây cầu.
Nhưng có lẽ cách làm hiệu quả đó lại quá tiết kiệm nên cơ quan quản lý cây cầu vượt này không muốn thực hiện? Họ chỉ muốn lập hẳn một dự án tốn kém như lắp đặt camera cảnh báo hiện đại cho việc này?".
Độc giả Mạnh Hùng còn đưa ý tưởng lắp một dàn quả tạ sắt ở cao độ giới hạn xe qua để nhắc nhở lái xe. Hoặc lắp hệ thống định dạng bằng tia lade, xe nào vi phạm thì sẽ bị phạt nguội mà không gây ùn tắc.
Bạn đọc Đại Nguyễn nêu giải pháp thiết kế khung bê tông cao 5m rồi thả thanh hạn chế chiều cao xuống bằng thép bọc cao su. Dây thả bằng cáp hoặc xích chịu tải. Anh Đại cho rằng, cách làm này hiệu quả và tiết kiệm hơn lắp camera thông minh.
Bên cạnh số ít ý kiến ủng hộ việc lắp đặt hệ thống camera thông minh, đại đa số độc giả Dân trí khi gửi bình luận về Dân trí đều cho rằng, hệ thống cảnh báo nên làm to và chạy hiệu ứng đặc biệt hơn để lái xe có thể dễ dàng quan sát từ xa. Vì biển báo quá nhỏ sẽ khiến các lái xe khó quan sát, khi nhìn thấy cảnh báo thì xe đã ở thế "tiến thoái lưỡng nan".
Ngoài ra, độc giả Hà Anh nêu thêm giải pháp, cơ quan chức năng nên bỏ dải phân cách cứng bên phải trước thanh giới hạn chiều cao. Khi xe quá khổ đi tới biển cảnh báo có thể kịp thời rẽ sang hướng khác.
Dù có nhiều ý kiến trái chiều nổ ra nhưng nhiều độc giả Dân trí vẫn bày tỏ sự ủng hộ với các sáng kiến thông minh, hiệu quả. Tuy nhiên, sau thời gian thí điểm, cơ quan chức năng cần lắng nghe ý kiến người dân để cải tiến thêm hệ thống camera thông minh và biển cảnh báo cho thực sự hiệu quả.