"Chạy án" cứu vợ tội đánh bạc, người chồng "tiền mất tật mang" như thế nào?

(Dân trí) - Muốn cứu vợ bị bắt tội đánh bạc, người chồng bị lừa "chạy án" mất 130 triệu đồng. Kẻ lừa đảo chắc chắn sẽ bị xử lí, còn anh chồng liệu có vô can?

Công an huyện Bình Chánh (TP.HCM) mới đây đã lấy lời khai, lập hồ sơ đối với Thái Thanh Hùng để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo thông tin ban đầu, vợ ông T. bị Công an huyện Bình Chánh bắt trong một vụ đánh bạc.

Qua lời giới thiệu của người cháu họ, ông T. đã nói chuyện với Hùng. Hùng tự nhận mình có quen biết với Công an huyện Bình Chánh, có thể "lo" cho vợ ông T. được trả tự do.

Trưa 16-12, ông T. hẹn Hùng đến nhà và đưa 130 triệu đồng nhờ Hùng "lo" cho vợ mình. Ông T. sau đó không thể liên lạc được với Hùng nên báo công an.

Công an đã mời Hùng làm việc. Bước đầu làm việc với công an, Hùng đã thừa nhận hành vi. Vụ việc đang được công an điều tra làm rõ.

Trong sự việc này, Hùng chắc chắn sẽ nhận được bản án thích đáng vì tội lừa đảo, tuy nhiên dư luận còn băn khoăn về vấn đề ông T. liệu có vô can khi có hành vi chạy án? Và sự việc sẽ được xử lí theo trình tự ra sao?

Nhận định sự việc dưới góc độ pháp lí, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP Hà Nội - Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX) cho biết: Ông T. trong trường hợp này rõ ràng sẽ là tiền mất tật mang bởi không chỉ người thực hiện việc chạy án phải chịu trách nhiệm hình sự mà người đưa tiền nhờ chạy án cũng có thể phải đi tù.

Chạy án cứu vợ tội đánh bạc, người chồng tiền mất tật mang như thế nào? - 1
Luật sư Quách Thành Lực (Công ty Luật TNHH LSX)

Có thể hiểu chạy án là việc dùng mọi thủ đoạn để bóp méo, xoay chuyển vụ án theo hướng có lợi cho người phạm tội. Lúc này, lợi dụng tâm lý lo sợ của người phạm tội hoặc người thân của họ, nhiều đối tượng đã "gợi ý" việc chạy án.

Theo đó, khi người nào trực tiếp hoặc qua trung gian đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc phi vật chất để yêu cầu người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc gì đó sẽ bị phạt cao nhất là 20 năm tù.

Ngoài ra, người nào đưa hối lộ còn có thể bị phạt tiền lên đến 200 triệu đồng. Nếu chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được trả lại một phần hoặc toàn bộ tài sản đã dùng để đưa hối lộ.

Người thực hiện hành vi chạy án - kịch khung là án chung thân!

Tùy vào tính chất, mục đích của hành vi mà người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Cụ thể:

- Nếu người thực hiện hành vi chạy án không có chức vụ, quyền hạn thì người này có thể bị truy tố về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.

Bởi người này không có chức vụ, quyền hạn, không thể can thiệp và thực hiện được việc thay đổi tội danh, khung hình phạt,... có lợi cho người phạm tội nhưng vẫn nhận tiền hòng chiếm đoạt tài sản của người khác. Mức phạt cao nhất trong trường hợp này có thể là chung thân.

Ngoài ra, người này còn bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

- Nếu người này có chức vụ, quyền hạn thì có thể bị khép vào Tội nhận hối lộ theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015 hoặc Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015.

+ Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bị phạt cao nhất là 20 năm tù và có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

+ Hình phạt cao nhất dành cho Tội nhận hối lộ có thể là tử hình. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Xin cảm ơn Luật sư!