Cấp sổ đỏ có phải việc khó?

Hải Hà

(Dân trí) - Theo các quy định hiện nay, việc cấp sổ đỏ lần đầu khá đơn giản với quy trình, thủ tục rõ ràng, thời hạn rất ngắn. Như tại Hà Nội, theo bộ thủ tục hành chính mới nhất thì thời hạn này chỉ 20 ngày.

Tuy vậy, cũng tương tự như câu chuyện: tivi nói giá thịt lợn giảm, tiểu thương trả lời vậy lên tivi mà mua. Thực tế thời gian để người dân được cấp sổ khác xa hàng chục, thậm chí hàng trăm lần so với thời hạn trong văn bản. Một quá trình khổ sở, gian nan, mệt mỏi với người dân khi thực hiện quyền lợi chính đáng của mình.

Một quy trình đã được luật hóa, rất nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể rõ ràng, nhiều công văn đốc thúc đơn giản hóa được đưa ra nhưng vì nguyên nhân gì mà thực tiễn gặp nhiều khó khăn như vậy?

Cấp sổ đỏ có phải việc khó? - 1

Nhóm cán bộ địa chính, văn phòng đất đai ở Nghệ An vừa bị bắt, khởi tố vì liên quan đến việc lạm dụng, thu tiền của dân để làm bìa đỏ (Ảnh: CANA).

Trong hoạt động hành nghề của mình liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của người dân khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu, tôi nhận thấy có nhiều nguyên nhân nhưng có một nguyên nhân mấu chốt. Nếu tháo gỡ được điểm nghẽn này thì mọi khó khăn vướng mắc khác sẽ được giải quyết, được khai thông.

Nguyên nhân đó chính là con người, trực tiếp là cán bộ địa chính cấp xã khi giải quyết thủ tục, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ cho người dân.

Trạng thái phổ biến đó là thái độ công vụ không nghiêm, không tuân thủ triệt để các quy định pháp luật. Có thể kể đến:

Thứ nhất, khi người dân nộp hồ sơ thì không có biên nhận. Khi không có biên nhận thì không có mốc để tính thời hạn giải quyết hồ sơ. Rất nhiều trường hợp vì không có biên nhân nên cán bộ địa chính có vô tình làm mất hồ sơ thì người dân cũng không có căn cứ gì mà đòi quyền lợi.

Thứ hai, khi cán bộ địa chính hướng dẫn giải quyết hồ sơ cấp sổ không dùng văn bản chỉ hướng dẫn bằng miệng là chủ yếu. Khi hướng dẫn bằng miệng thì thường là cảm tính, hời hợt.

Hôm nay cán bộ cảm xúc xấu thì hướng dẫn phức tạp, còn khi cảm xúc tốt thì tùy tiện, dễ dãi, thiếu tính pháp lý. Cả hai trạng thái này thường dẫn đến tình trạng người dân khi thực hiện theo thì hồ sơ vẫn chưa đúng, chưa đủ, làm đi làm lại nhiều lần.

Thứ ba, không tuân thủ thời hạn giải quyết thủ tục hành chính, không thông báo tiến độ giải quyết cho người dân. Người dân khi tiến hành thủ tục thường rơi vào trạng thái đợi chờ trong vô vọng, không biết bao giờ có điểm dừng.

Thứ tư, có sự nhũng nhiễu, gây khó khăn để đòi hỏi các lợi ích vật chất từ người dân khi cấp sổ. Vì muốn "nhũng" nên phải "nhiễu" để đạt được lợi ích cá nhân.

Khi một sự việc nắm được nguyên nhân thì sẽ có giải pháp. Trong vấn đề này có rất nhiều giải pháp nhưng với người dân thì chỉ tuân thủ một nguyên tắc đơn giản đó là: Trách nhiệm cấp sổ thuộc về cơ quan chức năng; hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ thuộc về cán bộ công chức; người dân làm theo hướng dẫn đúng pháp luật của cán bộ công chức.

Khi thực hiện giải pháp trên người dân cần triển khai như sau:

Nộp hồ sơ xin cấp sổ với các nhóm tài liệu cơ bản: Giấy tờ tùy thân: căn cước công dân, sổ hộ khẩu; giấy tờ thể hiện nguồn gốc đất, quyền sử dụng đất; đơn đề nghị xin cấp theo mẫu. Khi nộp hồ sơ yêu cầu cán bộ nhận hồ sơ có giấy biên nhận thể hiện ngày nhận, thành phần hồ sơ.

Khi cán bộ hướng dẫn thì đề nghị được hướng dẫn bằng văn bản. Sau khi được hướng dẫn thì người dân làm theo. Nếu nội dung gì không bổ sung được thì đề nghị cán bộ trực tiếp giải quyết hồ sơ hướng dẫn cụ thể và tìm giải pháp. Sẵn sàng phối hợp với cán bộ hướng dẫn giải quyết những khó khăn vướng mắc đúng thực tế.

Tuy nhiên người dân cũng luôn chủ động có ý kiến phản bác, không đồng tình với các yêu cầu vô lý, thiếu căn cứ từ cán bộ công chức. Thái độ mềm mỏng, hài hòa nhưng khi cần thiết phải cứng rắn trước những đòi hỏi phi lý trái pháp luật.

Với các bước cơ bản trên, chỉ cần một người dân biết đọc biết viết cũng có thể thực hiện được thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho mình.

Có nhiều chủ trương chính sách pháp luật tạo điều kiện cấp sổ được ban hành. Tuy vậy để các quy định này đi vào thực tế thì chủ thể trực tiếp là người dân đề nghị cấp sổ phải chủ động, hiểu biết hơn nữa trong việc bảo vệ quyền lợi của mình.

Quách Thành Lực

Giám đốc Công ty luật Pháp trị, Đoàn luật sư TP Hà Nội