Tự trọng xa xỉ hay cần thiết?
(Dân trí) - Những ngày tháng lái xe trên các con đường, đặc biệt đường vành đai 3 trên cao khiến nỗi bức xúc cao trào khi nhìn cách chúng ta lưu thông trên đó.
Câu chuyện đi vào làn xe khẩn cấp trở thành nỗi bức xúc, đôi khi niềm kinh hoàng cho người lái xe khi lưu thông trên con đường này. Ý thức tham gia giao thông hay ý thức trong các hoạt động cộng đồng của chúng ta hình thành từ đâu?
Rất nhiều, rất nhiều tai nạn giao thông đến từ ý thức của người tham gia giao thông. Tại sao chúng ta nói nhiều và liên tục đến vấn đề này nhưng tình hình cải thiện rất chậm và nhiều lúc thụt lùi đặc biệt vào dịp cuối năm. Điều gì đang xảy ra trong suy nghĩ của chúng ta?
Chủ nghĩa cá nhân không gắn liền với trách nhiệm đang khiến cho những người ôm vô lăng có những hành động chỉ cần biết ta, không cần biết người. Lái mới hay lái xe lâu năm đều đi cẩu thả giống nhau, nếu chúng ta có chút suy nghĩ, có trách nhiệm về hành động của mình thì tôi thiết nghĩ ứng xử sẽ khác đi.
Suy nghĩ về trách nhiệm, đánh giá ảnh hưởng hành động của mình đến người khác đó chính là sự tự trọng của mỗi con người.
Tự trọng của mỗi con người được thể hiện và có thể nhận biết ở đâu trong mỗi ngày của cuộc sống
Tự trọng hiện diện trong mọi hành động và suy nghĩ của chúng ta, chỉ có điều chúng ta có nghĩ đến hay không. Tự trọng hình thành từ những hành vi có trách nhiệm trước lời nói, hành động của mình đối với cộng đồng, đối với người xung quanh.
Tự trọng không phải là thứ mơ hồ mà nó chính là sự phô bày giá trị cá nhân ở một mức độ tốt nhất. Tự trọng xuất phát từ việc suy nghĩ đúng sai trong từng hành động, lời nói. Nó không phải là thứ có thể tô vẽ mà không thực hiện, bởi vì tự trọng của mỗi cá nhân được mọi người biết đến và định nghĩa nó qua hành động, suy nghĩ của từng người.
Làm sai dám nhận sai, đi sai biết sửa chữa, trước khi chạy xe vào làn khẩn cấp chỉ cần nghĩ mình sẽ cản trở những xe như cấp cứu, phòng cháy chữa cháy… Đó là những hành động hay suy nghĩ giản đơn để biết rằng, ta đang không làm phiền cộng đồng, người khác, đó là khởi đầu của sự tự trọng trong giao thông.
Tự trọng không phức tạp, không phải chỉ giành cho những bậc tri thức, những người giàu có mà tự trọng tự nhiên có và tự nhiên đến trong mỗi chúng ta. Một cháu bé cũng có thể có những hành động tự trọng của bản thân mình, khi đi bộ sang đường nhiều cháu kiên trì đợi đèn đỏ mới đi sang đường để không cản trở lưu thông.
Cuộc sống có quá nhiều thứ bon chen và được đặt ưu tiên trước sự tự trọng của mỗi con người. Chúng ta đang lờ sự tự trọng của bản thân, thỏa mãn và lấp liếm hành động của mình bởi những câu trả lời giản đơn: tôi đi xe vì tôi đang vội, cứ lái đường tôi người khác sẽ phải nhường… Tự trọng đang trở thành sự xa xỉ trong suy nghĩ và hiểu biết của nhiều người.
Tự trọng cần thiết hay xa xỉ?
Tự trọng là cái neo để chúng ta tử tế, phô diễn giá trị của bản thân thông qua những suy nghĩ chính xác, những hành động đúng, kìm hãm những hành vi bột phát và manh động. Vậy tự trọng cần thiết hay xa xỉ?
Khi con người bỏ qua sự tự trọng, họ dám chà đạp lên nhiều thứ. Trước tiên là luật lệ, sau đó là dư luận, tiếp tục là tính mạng của người khác. Trong bản thân mỗi con người chúng ta đều có những ranh giới, sự tự ái của bản thân đó chính là mầm của sự tự trọng.
Nhiều khi, tôi cũng tự hỏi chỉ khi no cái bụng ta mới nghĩ đến tự trọng, nhưng thực tế lại đang diễn ra với những cái bụng đã no nhưng tự trọng vẫn chưa được nghĩ đến, đó là những gì ta hay nhìn thấy trên đường vành đai 3 trên cao của Hà Nội.
Tự trọng có phải là con chim hót trên cành để nghe cho vui? Tự trọng cần gì để có thể tồn tại trong mỗi cá nhân? Chúng ta hay nghe đến những con người nghèo có tự trọng như Lão Hạc, như giáo Thứ, chị Dậu trong văn học hay thầy Khoa và nhiều người khác ngoài đời thực.
Tự trọng không phải là tiếng chim hót, đó là lời tự vấn, đó là sống có trách nhiệm, dám chịu trách nhiệm và kiên định. Nhưng tự trọng cũng giống như cây mầm cần môi trường, cần sự vun đắp để nảy mầm và lớn lên trong tâm khảm mỗi con người.
Tự trọng cần phải được nhắc đến trong tiết Giáo dục công dân ở nhà trường, được nhắc đến trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, giáo dục truyền thống của dòng họ và gia đình và quan trọng nhất đến từ sự làm gương. Những người có tri thức, những người có trách nhiệm hãy hành động, cư xử từ lòng tự trọng của bản thân để chúng ta có một xã hội tốt hơn, một văn hóa giao thông tốt hơn.
Lái xe hãy tự trọng với nghề nghiệp hay hành động của mình để chúng ta có những hành động đẹp, những bài học thực tế để con, cháu, bạn bè hay người thân cảm thấy hãnh diện hay tự hòa. Sống tự trọng để có những lời điếu văn chân thật.
Anh Tô