Canh cánh nỗi lo sạt lở hai bên bờ sông Lam
(Dân trí) - Hơn 10 năm nay, người dân sống hai bên bờ sông Lam tại địa bàn huyện Thanh Chương phải bất lực nhìn dòng Lam nuốt dần những diện tích đất hoa màu của gia đình. Sạt lở đã thành một mối lo thường trực với người dân nơi đây.
Thanh Giang là một xã có diện tích đất bãi trồng hoa màu rất lớn. Theo thống kê của Ban nông nghiệp xã Thanh Giang, địa phương có tổng diện tích đất trồng hoa màu ban đầu là 80 ha, tuy nhiên sau nhiều năm sạt lở diện tích này còn lại chưa đầy 70 ha. Trong đó các xóm Bình Ngô, Lam Đinh, Biên Quản là những địa phương nằm trong diện có nguy cơ sạt lở nhiều nhất.
Theo ông Trần Đình Thơ - PCT UBND xã Thanh Giang, trong nhiều năm nay, tình trạng sạt lở đất ở bãi bồi ven sông Lam diễn ra hết sức nghiêm trọng. Trong đó, hơn 10 ha đất bãi bồi đã bị sông Lam nuốt trôi, số diện tích còn lại cũng đang trong nguy cơ bị sạt lở. Trước tình hình đó, rất nhiều người dân có diện tích đất quanh khu vực bị sạt lở hằng ngày vẫn thấp thỏm trước những trận nước dâng vì lo lắng phần diện tích đất nông nghiệp nhà mình bị cuốn trôi lúc nào không hay biết.
“Gia đình tôi sống sát ngay bên bờ sông Lam nên gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa lũ, sạt lở đất diễn ra nghiêm trọng, lấn sâu vào nhà khiến cả gia đình tôi phải chuyển đi ở nhờ nhà bà con. Ngày trước, đất từ mép sông đi vào rộng hằng trăm mét nhưng nay chỉ còn lại khoảng 5 - 7 m. Tình trạng sạt lở như thế này này cứ tiếp tục diễn ra thì không biết gia đình chúng tôi sẽ phải đi đâu về đâu nữa”, anh Trần Văn Hải, người dân sống tại bến đò Phuống trăn trở.
Tại các xã Thanh Hà, Thanh Long, Thanh Lâm, huyện Thanh Chương, Nghệ An là những địa bàn chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi sạt lở dòng sông Lam. Năm 2012, tình trạng sạt lở đất diễn ra nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.
Theo ông Hoàng Xuân Thành, công chức địa chính môi trường xã Thanh Long, năm 2012 là năm sạt lở lớn nhất từ trước tới nay ở xã, trong đó xóm 1, xóm 4 và xóm 5 là những địa phương bị sạt lở nghiêm trọng. Đặc biệt tại xóm 1, có tới 11 hộ dân phải di dời đến chỗ khác. Trong 2 năm nay trở lại đây thì hiện tượng sạt lở vẫn tiếp tục diễn ra thậm chí còn nghiêm trọng hơn các năm trước.
Cũng theo ông Thành : “Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng sạt lở đất là do sự thay đổi dòng chảy của sông Lam những năm gần đây, do nước từ thượng nguồn đổ về. Bên cạnh đó, đất bên bờ sông là đất pha cát nên rất dễ bị ảnh hưởng sạt lở, mà khi đã sạt lở lại rất khó khắc phục. Thêm một nguyên nhân nữa là do hậu quả từ việc hút cát, khai thác cát trái phép dọc các mép sông Lam nên hiện tượng sạt lở đất mới diễn ra nhanh và nghiêm trọng đến vậy”.
Nếu không có giải pháp làm giảm tình trạng sạt lở thì những bãi đất bồi màu mỡ dọc hai bờ sông Lam sẽ bị thu hẹp, thậm chí một số nơi sẽ không còn đất để canh tác. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sản xuất của người dân tại các xã trên.
Thu Hiền