Viết tiếp loạt bài "Ai bao che cho sai phạm của Cty CP Bê tông Xây dựng Hà Nội" (VIBEX):

Cần xử lý nghiêm việc không thực hiện chỉ đạo của Đảng và cơ quan quản lý cấp trên của HANCORP

Qua 5 bài báo mà chúng tôi đã phân tích, nhiều dấu hiệu lợi ích nhóm đã dần lộ rõ.

Vì sao ông Đào Xuân Hồng, nguyên Tổng Giám đốc VIBEX đầy rẫy sai phạm, để thua lỗ cho Cty mà vẫn lên được Phó Tổng giám đốc Tổng Cty Xây dựng Hà Nội (HANCORP); Rồi, tiếp tục giao làm Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc nhiều Cty con khác? Những Cty này dưới sự điều hành của ông Hồng tiếp tục thua lỗ, thậm chí phải bán cả nhà máy để trang trải nợ nần vẫn không xuể ... Vì sao Bộ Xây dựng, Tập đoàn HUD nhiều lần yêu cầu HANCORP củng cố bộ máy tổ chức Tổng Cty mà Bí thư Đảng ủy Nghiêm Sĩ Minh không thực hiện triệt để?
 
Cần xử lý nghiêm việc không thực hiện chỉ đạo của Đảng và cơ quan quản lý cấp trên của HANCORP
Ông Nghiêm Sĩ Minh, Bí thư Đảng ủy – Quyền Chủ tịch HĐTV, nguyên Tổng Giám đốc HANCORP là người nhiều năm qua “chống lệnh” của các cơ quan Đảng và quản lý cấp trên.
 
Những ý kiến không mấy “hay ho” về ông Nghiêm Sĩ Minh, Bí thư Đảng ủy, quyền Chủ tịch HĐTV và nguyên Tổng Giám đốc HANCORP không phải đến bây giờ mới được dư luận quan tâm, mà đã có từ nhiều năm nay rồi. Thậm chí các ý kiến đó cũng không chỉ dừng lại ở “dư luận”, mà là ý kiến bằng văn bản, được viết ra từ những người có vị trí lãnh đạo cấp cao của tập đoàn, gửi đến người có thẩm quyền. Nhưng, “người ta” lại cho vào dĩ vãng với phương châm “không quan tâm”!

Chúng tôi xin trích một đoạn của văn bản này để bạn đọc cùng tham khảo về Tổng giám đốc, Ủy viên HĐTV, Bí thư Đảng ủy Tổng Cty:

“Là đại diện pháp nhân và có vai trò quan trọng nhất trong điều hành doanh nghiệp, là người tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Đảng và các quyết định, nghị quyết của HĐTV ... nhưng sau 10 năm ở vị trí trên đã bộc lộ những khiếm khuyết cần được chấn chỉnh, sửa chữa:

Hạn chế về năng lực quản lý điều hành, tìm kiếm phát triển thị trường, triển khai tổ chức xây lắp các công trình, quản lý tài sản, quản lý công nợ.”

Không tôn trọng chấp hành Điều lệ, quy chế của Tổng Cty và các quyết định, nghị quyết của HĐTV, có biểu hiện bè phái, chia rẽ nội bộ (các công việc của VIBEX, Cty Đèo Cả, quản lý các khoản cho vay ...

Thiếu trung thực trong khi thực thi nhiệm vụ, dám làm nhưng không dám chịu trách nhiệm (vấn đề liên quan tới cổ phần hóa, tái cơ cấu, vấn đề đổi dấu khi Tổng Cty chuyển từ Cty Nhà nước sang Cty TNHH Một thành viên, thực hiện chậm 18 tháng và tới nay vẫn chưa xong).

Cố tình vi phạm nguyên tắc và quy chế sinh hoạt Đảng. Tùy tiện, lạm dụng quyền hạn (không coi trọng ý kiến của HĐTV Tập đoàn, Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội về công tác quy hoạch cán bộ). Những việc làm trên đã gây ra mâu thuẫn nội bộ, tiềm ẩn nguy cơ phá hỏng doanh nghiệp và một số vấn đề khác ...”.

Những ý kiến “rút ruột” này đã không được quan tâm, và sau đó ít lâu, ông Minh được “thăng” lên quyền Chủ tịch HĐTV HANCORP! Và, khi nắm được vị trí này rồi, ông này bắt đầu ra tay nhiều chuyện.

Điều đầu tiên phải kể đến việc loại trừ cho bằng được thư ký riêng của thủ trưởng tiền nhiệm. Vị cán bộ này có trình độ thạc sĩ, có thâm niên hơn 10 năm làm Trưởng phòng Tài chính kế toán một đơn vị thành viên, sau khi hoàn thành nhiệm vụ thư ký đã bị ông Minh “đẩy” xuống cơ sở cho ... trưởng thành. Và, sau khi nhận nhiệm vụ tại cơ sở, vị cán bộ nọ được xếp vào vị trí ... rửa bát, phục vụ công trường.

Một chuyện khác mà cho đến nay, nhiều đơn vị thành viên (thậm chí là cả trên Tổng) cũng rất bực mình nhưng vẫn phải làm theo vì bị “mật lệnh”: mỗi khi có tiệc liên hoan thì phải tổ chức (hoặc đặt tiệc) tại một nhà hàng của “ai đó” ở Khu đô thị mới Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội . Vậy là, từ sơ kết, tổng kết, khởi công, khánh thành ... đến cả chuyện mua bánh Trung thu cho các cháu nhân ngày rằm tháng Tám cũng phải đặt ở đây. Nếu giá cả tương đương với các nhà hàng cùng hạng thì đã không nên chuyện, đằng này đã đắt, cách phục vụ cũng chẳng ra sao, nhưng tất cả đều ngậm bồ hòn làm ngọt!

Về thái độ “chống lệnh trên” của ông Nghiêm Sĩ Minh được thể hiện rõ bằng các văn bản sau:

Ngày 1/9/2008, ông Nguyễn Hồng Quân – Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Xây dựng thay mặt Ban cán sự có Quyết định số 15- QĐ/BCS về việc phê duyệt quy hoạch cán bộ dự nguồn cho các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các đơn vị hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng. Theo danh sách kèm quyết định này, HANCORP có 09 cá nhân được đưa vào nguồn các chức danh Chủ tịch HĐTV và Tổng giám đốc.

Ngày 27/11/2009, Ban cán sự Đảng bộ Bộ Xây dựng có Công văn 120-CV/ BCSĐ về việc quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý giai đoạn 2011 – 2015 gửi các đơn vị trực thuộc bộ. Trong đó có nhấn mạnh: “… mỗi chức danh chỉ nên quy hoạch 2 – 3 người; mỗi người chỉ nên quy hoạch vào 2 – 3 chức danh và làm tốt quy hoạch người đứng đầu”.

Ngày 14/6/2012, Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD) có Văn bản 2092 HUD – TCNS về công tác cán bộ, chỉ đạo: các Tổng công ty trực thuộc tập đoàn rà soát, bổ sung và hoàn chỉnh quy hoạch cán bộ quản lý tại đơn vị. Chấm dứt tình trạng thành viên HĐTV kiêm nhiệm công tác quản lý điều hành tại các doanh nghiệp thành viên. Các đơn vị trực thuộc dựa trên chỉ đạo này, có phương án kiện toàn HĐTV báo cáo Tập đoàn trong tháng 7/2012. Đến tháng 8/2012, HANCORP vẫn chưa báo cáo phương án như chỉ đạo, buộc Tập đoàn HUD phải có Văn bản 2786/HUD-TCNS nhắc nhở.

Hơn 4 tháng sau, Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng- ông Trịnh Đình Dũng có Công văn số 157 CV/BCSĐ gửi Tập đoàn HUD và HANCORP yêu cầu khẩn trương tiến hành quy trình bổ nhiệm cán bộ giữ các chức vụ thành viên HĐTV, Chủ tịch HĐTV, thành viên HĐTV kiêm Tổng giám đốc HANCORP theo đúng quy định hiện hành xong trước ngày 31/12/2012.

Ngày 27/12/2012, Bộ Xây dựng lại có Văn bản 450/BXD – TCCB nhắc nhở HANCORP thực hiện nghiêm Công văn 157 của ông Trịnh Đình Dũng. Nhắc là vậy, nhưng ông Minh cứ lờ đi. Ngày 17/01/2013, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Văn Sơn có Công văn số 100/BXD – TCCB tiếp tục yêu cầu HANCORP thực hiện chỉ đạo tại các Công văn 157 và 450 trước đó.

Đến giữa năm 2013, do HANCORP vẫn không thực hiện các chỉ đạo, ngày 29/5/2013 Thứ trưởng Trần Văn Sơn có Văn bản số 981/BXD-TCCB, nêu: “… một lần nữa Bộ Xây dựng yêu cầu BTV Đảng ủy và đồng chí Bí thư Đảng ủy- quyền Chủ tịch HĐTV – Tổng Giám đốc Tổng Cty khẩn trương tiến hành trình phương án nhân sự đủ điều kiện để bổ nhiệm 5 thành viên HĐTV, gồm: Chủ tịch HĐTV, thành viên HĐTV kiêm Tổng Giám đốc và 3 thành viên HĐTV xong trước ngày 30/6/2013. Nếu quá thời hạn nêu trên, TCty vẫn không kiện toàn đầy đủ bộ máy quản lý, điều hành theo quy định hiện hành thì đồng chí Bí thư Đảng ủy – quyền Chủ tịch HĐTV – Tổng Giám đốc Tổng Cty phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Bộ và tập thể lãnh đạo Tổng Cty về các hậu quả có thể xảy ra trong việc quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Cty.”.

Việc “chống lệnh” của HANCORP (mà trực tiếp ở đây là ông Nghiêm Sĩ Minh) cũng bị Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội nhắc nhở quyết liệt bằng Công văn 648 – CV/TU ngày 08/8/2013 gửi Ban cán sự Đảng Bộ Xây dựng: “… Từ năm 2008 đến nay, Ban Thường vụ Đảng ủy và HĐTV Tổng Cty Xây dựng Hà Nội không thực hiện công tác rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cán bộ hàng năm theo quy định của Thành ủy Hà Nội và Bộ Xây dựng … Trên cơ sở kết quả giám sát, Ban Thường vụ  Thành ủy Hà Nội thấy: Trong thời gian qua, Ban Thường vụ Đảng ủy và đồng chí Nghiêm Sĩ Minh, Bí thư Đảng ủy Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội thiếu quan tâm đến công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm cán bộ nói riêng, do đó tạo ra sự hẫng hụt trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý: nội bộ Ban Thường vụ Đảng ủy và HĐTV thiếu sự thống nhất, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý, tư tưởng cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ và kết quả sản xuất kinh doanh của đơn vị …”.

Điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh có dấu hiệu đi xuống, một mình kiêm nhiệm cả 3 chức vụ quan trọng (Bí thư, Tổng giám đốc kiêm quyền Chủ tịch HĐTV), ông Minh mặc sức không chấp hành chỉ đạo của Đảng, cơ quan chính quyền cấp trên. Bên cạnh đó, bằng quyền lực có được, những quyết định vô lý liên tiếp được ban hành (kiêm nhiệm lãnh đạo 4 đơn vị thành viên; thăng cấp cho ông Đào Xuân Hồng và giao ông này quản lý 3 đơn vị thành viên, đều hoạt động kém hiệu quả và thua lỗ; yêu cầu miễn nhiệm Tổng giám đốc VIBEX trái quy định…) khiến HANCORP và dư luận Bộ Xây dựng nổi sóng.

Theo chỉ đạo của Bộ Xây dựng, HANCORP phải tiến hành quy trình bổ nhiệm cán bộ giữ các chức vụ thành viên HĐTV, Chủ tịch HĐTV, thành viên HĐTV kiêm Tổng giám đốc. Thực tế, ông Minh có điều hành họp lãnh đạo chủ chốt Tổng Cty và bầu chọn ra các cá nhân tiêu biểu để bổ sung thành viên HĐTV. Nhưng, khi đã có kết quả thì không báo cáo Bộ Xây dựng làm quy trình bổ nhiệm. Ngược lại, ông Minh triệu tập họp tiếp để chọn ra Tổng giám đốc. Việc làm này là trái chỉ đạo của Bộ Xây dựng, vì Tổng giám đốc trước tiên phải là thành viên HĐTV.

Người xưa có câu: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, vậy những điều đã và đang diễn ra ở đây có phản ánh đúng câu ngạn ngữ này?

Đề nghị Thành ủy Hà Nội và Bộ Xây dựng sớm có các biện pháp quyết liệt, hiệu quả làm rõ các vấn đề trên, ổn định cho HANCORP phát triển.

8 loại văn bản thể hiện sự “chống lệnh” của ông Minh: 
Theo
Theo
Theo
Theo
Theo
Theo
Theo
Theo
Theo
Theo Nhóm PVĐT
Báo Thanh tra

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm