Cần Thơ: Dân bức xúc vì trả tiền nước sạch, sử dụng nước bẩn!

(Dân trí) - Nhiều năm nay, hơn 500 hộ dân sống tại Khu vực Bình Nhựt, Phường Long Hòa, Quận Bình Thủy (TP Cần Thơ), bức xúc trước tình trạng nước sinh hoạt không đảm bảo chất lượng, lại bị cắt cúp thường xuyên dân năn nỉ rồi có ý kiến với chính quyền địa phương hàng trăm lần vẫn không thấu.

“Nước sạch” chỉ để tưới cây, giặt quần áo!

Trong đơn gửi tới báo Dân trí, dân ở Khu vực Bình Nhựt, phường Long Hòa, quận Bình Thủy cho biết: “Khu vực chúng tôi có 578 hộ dân, rất bức xúc trước tình trạng phải sử dụng nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo chất lượng từ nhiều năm nay, nhưng kêu trời, trời không thấu, kêu chính quyền địa phương thì họ nghe, nhưng nghe xong rồi để đó mà không giải quyết”.

Nước của Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn bị đóng cặn, cát, có mùi bùn non và có hiện tượng nhơn nhớt khi sử dụng
Nước của Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn bị đóng cặn, cát, có mùi bùn non và có hiện tượng nhơn nhớt khi sử dụng

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện người dân trên địa bàn khu vực nói trên có 3 nguồn nước để sử dụng. Một là nguồn nước giếng tự khoan, hai là nguồn nước “câu đuôi” từ các hộ khác thuộc phường An Thới, cách con rạch Sao khoảng 3 mét (vì chi phí lắp đặt khá cao, nên chỉ một số ít hộ có điều kiện mới tiếp cận được nguồn nước này). Và cuối cùng là nguồn nước do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn TP Cần Thơ cung cấp từ năm 2002 cho đến nay (có 325/578 hộ đang sử dụng).

“Nói rằng, nước là của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn TP Cần Thơ cung cấp, nhưng nhiều hộ dân chúng tôi không tin đó là nguồn nước đảm bảo chất lượng, bởi “nước xả ra có mùi hôi bốc lên nồng nặc giống mùi bùn, ngoài ra còn có cặn và cát dày cả lớp. Chưa hết, nước có hiện tượng bị nhơn nhớt, rửa chén, chùi nồi cũng không “tự tin”. Còn việc cúp, cắt nước là việc thường xuyên như cơm bữa”- Bà Huỳnh Thu Thủy (63 tuổi), khu vực Bình Nhựt bức xúc nói.

Ông Liên Tấn Xốn, tổ 10, khu vực Bình Nhựt, cho biết: “Nếu muốn dùng nước không bị cặn và cát thì phải dùng miếng vải bịt thành 2 đến 3 lớp vào đầu ống nước để có thể lọc bớt, chứ mở thẳng nước vào nồi để nấu hay vào thau để rửa là chỉ có ăn đất với cát thôi”.

“Nước sạch” chỉ dùng để tắm giặt, tưới cây chứ nấu ăn phải mua nước bình
“Nước sạch” chỉ dùng để tắm giặt, tưới cây chứ nấu ăn phải mua nước bình

Trả tiền cho một khối nước bẩn là 4000đ, nhưng để có thể sử dụng được nguồn nước này, người dân còn phải bỏ thêm chi phí làm bồn, hoặc mua thùng phi thật to để chứa, sau đó lắng phèn, cặn mới xài được. Bà Dương Thị Tuyết Nga cho biết: “Do gia đình có đông người nhưng nguồn nước Trung tâm cung cấp thì chỉ dám dùng để giặt đồ, tưới cây nên việc ăn uống đều phải sử dụng nước đóng bình (11 ngàn đồng/bình). Tính ra, trung bình mỗi tháng hết mấy trăm ngàn tiền nước.

Rong rêu, phèn đóng vào các đầu ống nước và hệ thống chứa trông rất bẩn
Rong rêu, phèn đóng vào các đầu ống nước và hệ thống chứa trông rất bẩn

Mái che trạm nước sạch cũng rất sơ sài
Mái che trạm nước sạch cũng rất sơ sài

Theo quan sát của phóng viên, Trạm cấp nước Khu vực Bình Nhựt rất sơ sài, hệ thống mái che của bể lắng, lọc của trạm không đảm bảo, rong rêu đóng nhiều tại thành bể. Gần trạm cấp nước có trang trại nuôi heo, mùi phân bốc lên nồng nặc. Điều đáng nói là trạm nằm sát ngay cạnh đường giao thông và cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 300 hộ dân nhưng lại không có hàng rào bảo vệ.

Lý giải về nguồn “nước sạch”, nhưng hôi lại bốc lên nồng nặc, Nguyễn Thế Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm nước sạch nông thôn phân trần: “Hiện tượng, nước bị cặn và hôi bùn là do việc vệ sinh định kì (?)”.

Khi chúng tôi cho biết người dân phản ánh việc sử dụng nước do Trung tâm cung cấp, khi tắm rửa thì nhơn nhớt, ngứa, khi đun sôi có hiện tượng kết tủa bọt đen đóng ở phần nắp nồi. Giải thích cho hiện trượng trên, ông Nguyễn Thế Lâm, lại nói: “có thể do mình nấu ăn, do chiếc nồi nó gây ra hiện tượng đó, chưa chắc là do nguồn nước cấp?!”.

Bên này cười nụ, bên kia khóc thầm!

Điều đáng nói ở đây, Cần Thơ là TP trực thuộc Trung ương hơn 10 năm nay, đời sống của người dân có nhiều đổi thay, chỉ cách con rạch Sao của phường Long Hòa chừng 3m là phường An Thới, điện đường trường trạm sáng trưng, nước sạch người dân xài ngày đêm không hết. Nhưng bên này là phường Long Hòa, đường bê tông 1m xuống cấp trầm trọng, “ổ gà”, “ổ trâu” lổm nhổm, khách lạ đến không dám chạy hon đa vì sợ té sông, nước sạch không có để xài. Hàng ngày, người dân ở khu vực Bình Nhựt của phường Long Hòa, vẫn len lén xách xô qua An Thới xin nước sạch về nấu cơm. “Phía người dân đã nhiều lần kiến nghị trong các cuộc họp dân. Thế nhưng, họp rồi cũng vậy, không thấy có gì thay đổi”- người dân khu vực Bình Nhựt bức xúc nói.

Khu vực văn hóa Bình Nhựt, nằm ngay quận trung tâm của TP Cần Thơ đang thiếu nước sạch trầm trọng nhưng mười mấy năm nay kêu trời không thấu, chính quyền địa phương thì làm ngơ
Khu vực văn hóa Bình Nhựt, nằm ngay quận trung tâm của TP Cần Thơ đang thiếu nước sạch trầm trọng nhưng mười mấy năm nay kêu trời không thấu, chính quyền địa phương thì làm ngơ

Liên quan đến vấn đề này, ông Mai Văn Điều, Phó Chủ tịch UBND Phường Long Hòa giải thích: “Phía địa phương đã ghi nhận bức xúc của người dân về tình trạng nước sinh hoạt không đảm bảo chất lượng và cũng đã kiến nghị nhiều lần lên Quận, nhưng vẫn chưa được giải quyết. Vấn đề là phía Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn cùng với Công ty cổ phần cấp nước Cần Thơ 2 chưa đi đến thỏa thuận thống nhất”.

Cũng theo ông Điều, phía Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn vừa đầu tư nâng cấp Trạm cấp nước, nên chưa thể bàn giao được vì còn đang trong quá trình khai thác. Thế nhưng khi PV hỏi là khi nào thì sẽ hết thời gian khai khác thì ông Điều lại không biết.

Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn đến các nhu cầu thiết yếu của người dân, bởi Khu vực Bình Nhựt, Phường Long Hòa, Quận Bình Thủy nằm ngay Trung tâm TP Cần Thơ nhưng người dân nơi đây lại không có nước sạch để xài, trong khi nguồn nước sạch của Thành phố chỉ cách họ chỉ chừng 3 mét là một điều hết sức vô lý.

Phạm Tâm - Nguyễn Trần