“Cần nhìn nhận lại một sự thật học viên cai nghiện không phải là tội phạm”
(Dân trí) - Ngày 13/4, gần 400 học viên đang cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục lao động và dạy nghề tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (đóng tại huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã xảy ra vụ việc, hàng trăm học viên đã dùng đá ném vào cổng chính của trại, đập tường để bỏ trốn. PV Dân trí có cuộc phỏng vấn nhanh với Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) về sự việc này.
Vào lúc 20 giờ 30 ngày 13/4, gần 400 học viên đang cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục lao động và dạy nghề tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (đóng tại huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã xảy ra vụ việc, một số học viên đã giả vờ đánh nhau, sau đó gọi bảo vệ vào can thiệp. Khi bảo vệ vào liền bị nhiều học viên vây đánh. Sau đó hàng trăm học viên đã dùng đá ném vào cổng chính của trại, đập tường để bỏ trốn.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã huy động hàng trăm chiến sỹ bao gồm nhiều lực lượng như cảnh sát cơ động, cảnh sát hình sự, cảnh sát giao thông... cùng nhiều đơn vị khác chốt chặn trên nhiều tuyến đường tìm kiếm các học viên trốn trại.
Luật sư Trương Anh Tú bày tỏ quan điểm: “Việc đưa các đối tượng cai nghiện trở về trung tâm là việc làm cần thiết, tuy nhiên không thể sử dụng lực lượng cảnh sát để vây bắt các đối tượng này để cưỡng chế đưa về trung tâm, vì các đối tượng này được đưa đi cai nghiện là hình thức chữa bệnh, không phải tội phạm nên không thể áp dụng việc tổ chức bắt giữ như theo quy định tại các Điều 80, Điều 81 và Điều 82 Bộ luật tố tụng hình sự. Vì lẽ đó những vụ trốn trung tâm cai nghiện từ trước đến nay chúng ta không thấy sự lục soát bắt bớ, cưỡng chế.
Việc phối hợp với lực lượng Công an để truy tìm đối tượng cai nghiện bắt buộc bỏ trốn khỏi trung tâm cai nghiện theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 221/2013/NĐ-CP nhưng cũng phải tuân thủ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Luật tổ chức Công an Nhân dân, theo đó lực lượng công an khi phối hợp với trung tâm cai nghiện chỉ có thể truy tìm xác định các đối tượng đang lẫn trốn để thuyết phục về lại trung tâm cai nghiện để tiếp tục chữa bệnh, chứ không thể áp dụng biện pháp bắt giữ và cưỡng chế quay trở lại trung tâm như việc bắt giữ tội phạm.”
Theo luật sư Tú, ở một góc độ khác, việc cưỡng bức đi cai nghiện không hoàn toàn phù hợp với hiến pháp, thậm chí có dấu hiệu vi phạm Điều 20 Hiến pháp 2013, theo đó:
1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
2. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định…
“Thực chất việc “đưa người đó trở lại cơ sở cai nghiện bắt buộc” và “bị áp giải đưa trở lại cơ sở cai nghiện” suy cho đến cùng cũng là bắt, giam, giữ. Chính vì lẽ đó, nên chúng ta đã chấm dứt việc phục hồi nhân phẩm bắt buộc đối với gái mại dâm, tuy nhiên đối với người nghiện chúng ta chưa có lời giải thỏa đáng cho việc bắt giữ này nhưng cũng rất khó để họ tự nguyện cai nghiện.
Có lẽ vì lẽ đó, các đối tượng chữa bệnh không cảm thấy được xã hội giúp đỡ mà cho rằng mình bị mất tự do nên nẩy sinh tâm lý chống đối.
Một số học viên đã bị bắt lại sau khi trốn khỏi trung tâm.
Bên cạnh đó tôi được biết, hiện nay có rất nhiều thông tin không tốt về các Trung tâm cai nghiện như thái độ của cán bộ, chế độ chăm sóc người cai nghiện không đảm bảo, các phương pháp cai nghiện áp dụng tại các trung tâm không phân loại theo từng tính chất con nghiện như việc xem các người cai nghiện là con bệnh cần phân loại để có biện pháp áp dụng chữa bệnh khác nhau. Do đó, gây ức chế tâm lý và cộng với sự mặc cảm tự nhiên của người đi cai nghiện khi bị đối xử không tốt đã dẫn tới việc nhiều Trung tâm cai nghiện bắt buộc có học viên bỏ trốn.
Bộ Lao động, Thương binh Xã hội cần xem xét lại tính chuyên nghiệp của các Trung tâm cai nghiện bắt buộc và cần nghiên cứu chuyển hướng cai nghiện ma túy bắt buộc sang cai nghiện tại cộng đồng, tự nguyện để người cai nghiện có giảm giác mình vẫn chung sống với cộng đồng nhằm giúp họ giảm bớt mặc cảm và dễ tái hòa nhập như một công dân bình thường”, luật sư Tú nhận định.
Anh Thế (thực hiện)