Cần lưu ý gì khi bị tạm giữ người theo thủ tục hành chính?
(Dân trí) - Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính cũng là một hình thức tạm tước đi quyền tự do đi lại, tự do thân thể của công dân và được áp dụng cho trường hợp vi phạm hành chính
Quyền tự do thân thể, tự do đi lại là một trong những quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp và pháp luật quy định. Theo đó, việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính cũng là một hình thức tạm tước đi quyền tự do đi lại, tự do thân thể của công dân và được áp dụng cho trường hợp vi phạm hành chính.
Do vậy, một công dân khi bị tạm giữ theo thủ tục hành chính phải biết các quyền của mình để tránh bị các cơ quan chức năng lạm dụng trái pháp luật.
Luật sư Vũ Văn Tiến (Công ty Luật TNHH Olympic) cho biết, căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính, Khoản 1 Điều 18 của Nghị định 112/2013/NĐ-CP ngày 02/10/2013 quy định về quyền của người bị tạm giữ hành chính thì người bị tạm giữ hành chính có quyền đòi hỏi các quyền lợi cơ bản của mình như sau:
Thứ nhất: Yêu cầu được thông báo về việc bị áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính (Phải đòi hỏi để nhận được Quyết định bằng văn bản về việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính của mình nhằm để khiếu nại, tố cáo nếu áp dụng sai luật);
Thứ hai: Yêu cầu người ra quyết định tạm giữ thông báo cho gia đình, tổ chức nơi làm việc, học tập biết việc mình bị tạm giữ hành chính (Ngay sau khi ra quyết định tạm giữ, theo yêu cầu của người bị tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải thông báo bằng văn bản, điện thoại, fax hoặc các phương tiện thông tin khác về quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính cho gia đình, cơ quan, tổ chức nơi làm việc, học tập của người bị tạm giữ biết. Nếu không thể thông báo được thì phải báo cho người bị tạm giữ biết và ghi vào sổ theo dõi người bị tạm giữ hành chính.
Thứ ba: Yêu cầu được biết lý do tạm giữ, thời hạn tạm giữ và địa điểm bị tạm giữ; khiếu nại về việc tạm giữ; (có ghi trong quyết định tạm giữ)
+ Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp (lý do) sau: (1). Khi cần ngăn chặn, đình chỉ ngay các hành vi: a) Gây rối trật tự công cộng; b) Gây thương tích cho người khác; (2). Khi cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong các trường hợp luật quy định (Thuộc khoản 2 Điều 11 của Nghị định 17/2016/NĐ-CP ngày 17/3/2016) mà người vi phạm có dấu hiệu bỏ trốn, tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm, gây cản trở việc xử lý vi phạm; và (3). Khi cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi vi phạm liên quan đến việc phòng chống bạo lực gia đình.
+ Thời hạn tạm giữ: Không được quá 12 giờ; trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 24 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm. Tại khu vực biên giới hoặc vi phạm hành chính ở vùng sâu, vùng xa có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 48 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm.
Thứ tư: Yêu cầu được bảo đảm tiêu chuẩn ăn uống theo quy định. (Trường hợp người bị tạm giữ hoặc gia đình họ không thể tự đảm bảo được, thì tiêu chuẩn mỗi người một ngày là 0,6 kg gạo tẻ thường, 0,1 kg thịt lợn loại thường, 0,5 kg rau xanh, 01 lít nước uống được đun sôi để nguội, nước mắm, muối, chất đốt phù hợp).
Thứ năm: Được điều trị, chăm sóc y tế khi bị bệnh theo quy định. (Người đang bị tạm giữ mà bị bệnh, được điều trị tại chỗ; trường hợp bệnh nặng hoặc phải cấp cứu thì cơ quan, đơn vị nơi tạm giữ có trách nhiệm đưa họ đến cơ sở y tế và báo ngay cho gia đình, thân nhân của họ biết để chăm sóc).
Xin cảm ơn Luật sư!
Khả Vân (thực hiện)