Tránh oan sai trong vụ án hình sự: Cần đặc biệt chú ý gì ở bản tự khai?

(Dân trí) - Điều tra, truy tố và xét xử oan sai để lại nỗi đau và hệ lụy lớn cho xã hội. Vì vậy mỗi người phải hiểu biết và thực hiện đúng pháp luật để bảo vệ được bản thân

Tại sao khi làm việc với các cơ quan điều tra cần phải có kiến thức pháp luật và có kinh nghiệm? và tại sao lần đầu tiên làm việc với cơ quan điều tra là hết sức quan trọng đối với cả CQĐT và người được triệu tập đến làm việc? 

Như nội dung ở bài viết đầu tiên về vấn đề này, luật sư Vũ Văn Tiến (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Công ty luật TNHH Olympic) đã chia sẻ, lần đầu lên làm việc với CQĐT để viết bản tự khai, để lấy lời khai mang tính quyết định "sinh tử" cho người được triệu tập làm việc trong một vụ án hình sự từ đó về sau. Nên để bảo vệ chính mình, thì người bị triệu tập phải có kiến thức pháp luật và kinh nghiệm khi lần đầu làm việc với CQĐT.

Luật sư Vũ Văn Tiến phân tích: Việc viết bản tự khai, lấy lời khai hoặc lập biên bản làm việc lần đầu đối với người được triệu tập là quan trọng nhất vì đây là chứng cứ, manh mối và là cơ sở đầu tiên để CQĐT thực hiện hàng loạt các thủ tục tiếp theo của một vụ án hình sự đang điều tra nhằm để chứng minh tội phạm.

Tránh oan sai trong vụ án hình sự: Cần đặc biệt chú ý gì ở bản tự khai? - 1
Ghi hình khi hỏi cung bị can (Ảnh minh họa: VKSND Tối cao).

Theo luật sư Tiến, ngoài 2 điều đầu tiên cần nhớ là: Thứ nhất, bạn phải biết được lý do bạn bị triệu tập làm việc với cơ quan điều tra và thứ hai là phải trang bị những kiến thức cần thiết về pháp luật cơ bản khi làm việc với CQĐT như nội dung đã nêu ở kỳ trước, thì người được triệu tập cần biết:

Thứ ba: Chuẩn bị tâm lý và cần xử lý các công việc cần thiết trước khi làm việc với Cơ quan điều tra

Việc CQĐT làm việc lấy lời khai với người bị triệu tập tùy thuộc vào từng cơ quan điều tra, điều tra viên, cán bộ điều tra. Do vậy, việc cần nhất đó là tâm lý phải vững, ổn định, biết được lý do bị triệu tập và nắm được pháp luật cơ bản là đủ sự tự tin để làm việc với cơ quan điều tra.

Điều tra viên, cán bộ điều tra đã được đào tạo bài bản về nghiệp vụ chuyên môn, nên họ rất có kinh nghiệm để làm tốt công việc của họ, mọi cử chỉ, hành động của bạn họ sẽ nắm bắt rất nhanh nhằm khai thác thông tin từ chính bạn.

Do vậy, trước khi làm việc với CQĐT, bạn phải vững tâm lý như trên đồng thời phải chuẩn bị và xử lý một số việc cần thiết sau đây: (1) Phải thông báo cho người nhà hoặc bạn bè của bạn biết về thời gian, địa điểm khi bạn lên làm việc với CQĐT để họ biết và hỗ trợ bạn khi cần thiết, ví dụ để họ đưa bạn đi khám nếu bị đánh đập, để mời luật sư hoặc để nhận thông báo và thăm nuôi nếu bạn bị tạm giữ luôn để phục vụ điều tra. (2) Chuẩn bị tài liệu, chứng cứ liên quan có lợi cho mình để nộp cho cơ quan điều tra để chứng minh bạn vô tội hoặc chứng minh bạn không liên quan hoặc để chứng minh nội dung bạn cần nói, cần trình bày để làm sáng tỏ sự thật khách quan. (3) Phải sắp sếp công việc và xử lý các vấn đề quan trọng của cá nhân và gia đình cần thiết khác mà người khác không thay thế bạn được. Việc này để đảm bảo công việc của bạn không bị gián đoạn, ảnh hưởng và bị thiệt hại trong quá trình bạn làm việc với CQĐT.

"Thứ tư: Biết được một số kinh nghiệm và kỹ năng khác khi bị lấy lời khai, viết bản tự khai lần đầu

Đây là những kiến thức và kinh nghiệm buộc bạn phải biết khi làm việc với CQĐT, đặc biệt là lần đầu, cụ thể:

 1) 'Bút sa gà chết" nên mỗi lời khai, lời trình bày của bạn là chứng cứ nhằm xác định và làm rõ một vấn đề nào đó, đồng thời sẽ được xác minh, điều tra và kết luận kỹ lưỡng. Do vậy, bạn có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến trên cơ sở tôn trọng sự thật khách quan, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội. Và không có bất kỳ ai có quyền bắt bạn phải khai khác ý chí, khác mong muốn của bạn và khai khác sự thật khách quan.

2) Khai xong thì bạn phải tự mình đọc lại từng câu, từng chữ lời khai của mình, nếu chưa đúng thì có quyền yêu cầu cơ quan điều tra sửa lại thì mới ký, nếu không sửa lại, thì có quyền từ chối ký. Nếu gạch bỏ chỗ nào, sửa chỗ nào, thì phải ký nháy vào chỗ đó. Nếu bạn không tự đọc lại mà vẫn ký, thì lời khai của bạn vẫn có thể không đúng ý chí của bạn. Nếu bạn không biết chữ, thì phải có một người khác mà bạn tin tưởng hoặc là một người ngoài khách quan đọc kỹ cho bạn nghe rõ, đúng ý chí của bạn mới ký.

3) Trong biên bản ghi lời khai, biên bản làm việc, nếu chỗ nào còn trống ghi không hết thì phải yêu cầu cơ quan điều tra gạch chéo trước khi ký, đồng thời hạn chế chừa dòng nhiều. Mục đích là không để người khác ghi thêm vào làm thay đổi lời khai của bạn.

4) Phải yêu cầu cơ quan điều tra ghi đầy đủ thời gian, địa điểm và ngày tháng vào biên bản thì mới ký.

5) Không được ký khống, tức là không được ký tờ giấy trắng mà không có chữ, không có nội dung gì vì bất cứ lý do nào. Trong quá trình hành nghề, khi vào trại tạm giam thăm bị can, tôi đã được bị can kể rằng được dụ ký vào tờ giấy trắng, không có nội dung (ký khống), tôi hỏi lý do tại sao lại ký khống như vậy vì có thể rất bất lợi cho mình? Bị can trả lời rằng vì lúc đó cán bộ điều tra nói ký để có cơ sở làm thủ tục rồi cho về với gia đình, bị hại rút đơn tố cáo rồi nên tin tưởng mới ký. Tuy nhiên, sau này sẽ không thể có chứng cứ chứng minh về việc mình bị dụ để ký khống này.

Cuối cùng, điều tra, truy tố và xét xử oan sai để lại một nỗi đau dai dẳng cho cả các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và đặc biệt là người dân bị điều tra, truy tố xét xử oan sai. Nên mỗi người dân phải hiểu biết pháp luật và thực hiện đúng pháp luật là góp phần thúc đẩy việc giải quyết vụ án, tránh được oan sai và góp phần làm cho xã hội công bằng, văn minh hơn", luật sư Tiến bày tỏ.

Xin cảm ơn Luật sư!