Làm việc với cơ quan điều tra lần đầu: Cần kiến thức và kinh nghiệm gì?

(Dân trí) - Việc viết bản tự khai, lấy lời khai hoặc lập biên bản làm việc với người được triệu tập là quan trọng nhất. Vậy nên cần có kiến thức pháp luật và kinh nghiệm khi làm việc với Cơ quan điều tra.

Mục đích của Cơ quan điều tra (CQĐT) là điều tra và tìm ra sự thật khách quan liên quan đến tội phạm để xử lý theo quy định của pháp luật. Để điều tra và tìm ra sự thật khách quan, thì CQĐT phải thực hiện đúng và tuân thủ mọi thủ tục được pháp luật quy định, trong đó có việc triệu tập người bị tố giác, người liên quan, người làm chứng hoặc bất kỳ người nào đến CQĐT để làm việc.

Việc triệu tập đến để viết bản tự khai và để lấy lời khai một lần hoặc nhiều lần, nhận dạng, hỏi cung, đối chất và thực hiện các hoạt động tố tụng khác.

Trong các hoạt động tố tụng nêu trên, thì việc viết bản tự khai, lấy lời khai hoặc lập biên bản làm việc lần đầu đối với người được triệu tập là quan trọng nhất. Bởi vì đây là chứng cứ, manh mối và là cơ sở đầu tiên để CQĐT thực hiện hàng loạt các thủ tục tiếp theo của một vụ án hình sự đang điều tra nhằm để chứng minh tội phạm.

Làm việc với cơ quan điều tra lần đầu: Cần kiến thức và kinh nghiệm gì? - 1
Tung tin bị mắc covid-19, một phụ nữ ở Bắc Giang đã nhận giấy triệu tập của cơ quan công an và nhận phạt.

Chính vì vậy, bản tự khai, biên bản lấy lời khai, biên bản làm việc lần đầu với CQĐT là "nút thắt" và là "giới hạn sinh tử" của một vụ án cho cả CQĐT, người được triệu tập làm việc và cả người phạm tội. Nếu lời trình bày lần đầu này không đúng ý chí của người khai/người bị lấy lời khai và không đúng sự thật khách quan, sẽ kéo theo một số hoạt động tố tụng có thể bị sai và dẫn đến hậu quả rất khó có thể được khắc phục.

Vậy tại sao có trường hợp người phạm tội đã thừa nhận tội và ký nhận tội bằng văn bản, nhưng vẫn có hàng loạt những vụ án oan sai gần đây như báo chí đã phản ánh. Đó là tại vì người khai thiếu hiểu biết pháp luật và họ đã ký khống (ký giấy trắng không có nội dung) hoặc bị tác động, bị ép buộc, bị dụ cung, bị mớm cung, bị tra tấn và dùng nhục hình để bắt ký nhận tội bằng văn bản và bị buộc phải khai trái với ý chí của họ và trái với sự thật khách quan ngay từ đầu.

Cần trang bị kiến thức pháp luật gì khi phải làm việc với CQĐT?

Theo Luật sư Vũ Văn Tiến (Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh, Giám đốc Công ty luật TNHH Olympic), lần đầu lên làm việc với CQĐT để viết bản tự khai, để lấy lời khai mang tính quyết định "sinh tử" cho người được triệu tập làm việc trong một vụ án hình sự từ đó về sau. Nên để bảo vệ chính mình, thì người bị triệu tập phải có kiến thức pháp luật và kinh nghiệm khi lần đầu làm việc với CQĐT.

Thứ nhất: Bạn phải biết được lý do bạn bị triệu tập làm việc với cơ quan điều tra

Luật quy định, CQĐT muốn làm việc với bạn phải gửi giấy triệu tập bằng văn bản. Trên thực tế, CQĐT có thể triệu tập bạn qua điện thoại hoặc phương tiện khác là không phù hợp, nên bạn có quyền không đến làm việc hoặc yêu cầu phải gửi giấy triệu tập bằng văn bản. Tuy nhiên, nếu bị triệu tập trong bất cứ trường hợp nào thì bạn cũng phải biết "lý do tại sao bạn bị triệu tập làm việc", bạn có vai trò gì, liên quan gì trong vụ án mà lại bị triệu tập?

Nếu bạn hoàn toàn không biết lý do, bạn có quyền hỏi trước và CQĐT phải trả lời rõ lý do cho bạn biết trước rồi mới lên làm việc. Nếu không biết rõ lý do bị triệu tập làm việc, bạn có quyền không đến làm việc, bởi vì việc biết lý do bị triệu tập làm việc rất quan trọng để chuẩn bị tâm lý, chuẩn bị tài liệu, chứng cứ kèm theo và sắp xếp/xử lý công việc gấp của bạn trước rồi mới lên làm việc.

Thứ hai: Phải trang bị những kiến thức cần thiết về pháp luật cơ bản khi làm việc với CQĐT

Khi làm việc với CQĐT, cho dù là với tư cách gì thì bạn cũng có quyền và nghĩa vụ cụ thể được pháp luật quy định. Theo đó, một số kiến thức pháp luật cơ bản như sau:

CQĐT không được phép tra tấn, bức cung, mớm cung, dụ cung, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, tính mạng, sức khỏe của con người trong quá trình làm việc, lấy lời khai. Việc này đã được Bộ luật tố tụng hình sự cấm và Hiến pháp quy định.

Bức cung là cách dùng cử chỉ, lời nói đe dọa, khủng bố uy hiếp tinh thần bị can một cách thô bạo hoặc dùng lời lẽ ngụy biện truy văn, dồn ép bị can phải khai theo ý muốn chủ quan, thiếu căn cứ của CQĐT .

Mớm cung là hành động gián tiếp hay trực tiếp gợi để bị can khai ra sự việc theo suy luận chủ quan của CQĐT khi sự việc đó chưa rõ, chưa có căn cứ xác nhận có liên quan đến bị can hay không, bị can có biết về sự việc đó hay không nhưng CQĐT vẫn tìm mọi cách làm cho bị can biết để bị can khai theo.

Dụ cung là dùng lời nói hứa hẹn sai quy định của pháp luật hoặc dung lợi ích vật chất, tinh thần để dụ dỗ, lừa phỉnh nhằm làm cho bị can khai theo ý muốn chủ quan của Cơ quan điều tra.

Nhục hình là hình thức đối xử tàn nhẫn bằng cách tra tấn , đánh đập, hành hạ làm cho bị can đau đớn về thể xác, tinh thần buộc bị can khai nhận theo ý muốn chủ quan của Cơ quan điều tra

Vấn đề đặt ra là khi bạn làm việc với CQĐT , mà bạn bị tra tấn, bị bức cung, bị mớm cung, bị dụ cung, bị dùng nhục, thì bạn phải làm gì để bảo vệ chính bạn lúc đó?

Đầu tiên phải nói cho CQĐT biết về sự vi phạm pháp luật của họ để họ dừng lại. Tiếp theo bạn có quyền yêu cầu dừng buổi làm việc lại, nếu họ tiếp tục vi phạm, hoặc bạn có thể sử dụng quyền im lặng là "không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội".

Bạn có quyền không ký vào biên bản đó, còn nếu bị ép buộc phải ký thì phải tự mình ghi vào biên bản đó những hành vi vi phạm pháp luật của CQĐT.

Bạn cũng có quyền yêu cầu dừng buổi làm việc để mời luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho bạn và giám sát các hoạt động tố tụng của CQĐT đối với bạn.

Đối với trường hợp bị đánh đập, tra tấn và bị dùng nhục hình, thì phải có yêu cầu ngay sự trợ giúp y tế, chụp lại những hình ảnh thương tích làm bằng chứng, thông báo cho người nhà biết để hỗ trợ và đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị (nếu có thể). Sau đó, tố cáo ngay sự việc bị dùng nhục hình đến người có thẩm quyền như Thủ trưởng CQĐT và Viện trưởng VKS để nhằm can thiệp, ngăn chặn và xử lý kịp thời. Nếu cần thiết có quyền yêu cầu thay đổi Điều tra viên/cán bộ điều tra/ người trực tiếp làm việc nếu có đủ căn cứ.

Nếu bạn là người bị tố giác hoặc là người lần đầu đến làm việc với CQĐT có một số quyền cơ bản được pháp luật quy định, nên phải đòi hỏi để được đáp ứng các quyền này.

Ví dụ đối với người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố có quyền được luật quy định là: a) Được thông báo về hành vi bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố; b) Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này; c) Trình bày lời khai, trình bày ý kiến; d) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; đ) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; e) Tự bảo vệ hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình (nhờ Luật sư); g) Được thông báo kết quả giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố; h) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Phải tìm hiểu hoặc nên nhờ tư vấn, đánh giá trước hành vi đã thực hiện của mình có phạm tội hay không, vai trò, mức độ và hậu quả như thế nào? Mình liên quan như thế nào?

Người tư vấn cho bạn phải là những người có chuyên môn thật sự như Luật sư hoặc người am hiểu pháp luật rất vững vàng, có kiến thức và kinh nghiệm xử lý vấn đề pháp luật, nếu người tư vấn cho bạn không có kiến thức pháp luật hoặc không có kinh nghiệm mà tư vấn đại khái hoặc chỉ cho bạn làm cái này, cái kia không dựa trên cơ sở pháp luật, thì khi đó rất nguy hại.

Việc biết trước những quy định của pháp luật và được tư vấn hỗ trợ đánh giá này nhằm để có định hướng về những lời khai ban đầu phù hợp, trên cơ sở đúng sự thật khách quan, không đẩy mình vào thế bất lợi và không làm khó CQĐT.

(còn nữa)