Bài 1:

Tố giác, báo tin tội phạm: Ranh giới giữa người hùng và kẻ phạm pháp là gì?

(Dân trí) - Người dân cần lưu ý việc tố giác, báo tin tội phạm phải đúng sự thật. Nếu cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý.

Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Tố giác, tin báo tội phạm là gì? Tố cáo sai có sao không? Trong đời sống người dân phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm thì có quyền, nghĩa vụ tố giác, báo tin đến cơ quan có thẩm quyền. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.

Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.

Tố giác, báo tin tội phạm: Ranh giới giữa người hùng và kẻ phạm pháp là gì? - 1

Luật sư Quách Thành Lực phân tích pháp lý về việc tố giác, báo tin tội phạm.

Người dân cần lưu ý việc tố giác, báo tin tội phạm phải đúng sự thật. Nếu cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật. Hành động bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội vu khống.

Ở đây, ranh giới của việc tố giác, báo tin tội phạm và tội vu khống là lỗi của người thực hiện hành vi tố giác. Người tố giác nhận thức rõ người bị mình tố giác không có hành vi phạm tội, thấy trước hậu quả của việc tố cáo sai sự thật của mình nhưng vẫn thực hiện việc tố cáo sai sự thật để mong muốn hậu quả xảy ra với người bị tố giác thì đây là hành vi vu khống. Còn người tố giác, người báo tin chỉ thông tin lại sự việc đúng những tình tiết, sự việc cho rằng có dấu hiệu tội phạm một cách trung thực để cơ quan có thẩm quyền thực hiện hoạt động điều tra, giải quyết theo quy định pháp luật thì đây là hành động tố giác, báo tin tội phạm.

Có những hình thức nào để tố giác, báo tin tội phạm?

Người dân có thể đến trực tiếp cơ quan có thẩm quyền viết đơn hoặc trình bày bằng lời nói để cán bộ tiếp dân ghi thành biên bản. Người dân cũng có thể gửi đơn qua đường bưu điện hoặc gọi điện để báo tin.

Trường hợp đối với đơn, thư hoặc các hình thức văn bản khác, không ghi rõ tên tuổi, địa chỉ, không có chữ ký trực tiếp hoặc điểm chỉ của người tố giác, báo tin hoặc của người gửi đơn, thư nhưng có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để kiểm tra, xác minh, thì cán bộ tiếp nhận vẫn tiến hành tiếp nhận, phân loại, xử lý theo quy định.

Cơ quan nào tiếp nhận việc tố giác, báo tin tội phạm?

Có nhiều cơ quan thuộc ngành công an, thuộc nhiều cấp có trách nhiệm tiếp nhận đơn thư, tin báo tội phạm của người dân. Thuận lợi và phổ biến nhất là công an xã, phường, thị trấn, đồn công an, trạm công an.

Thời hạn giải quyết việc tố giác, báo tin tội phạm là bao lâu?

Thời hạn cơ quan có thẩm quyền giải quyết là 20 ngày. Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp thì có thể kéo dài 02 tháng. Trường hợp hết hai mốc thời gian trên mà chưa kiểm tra xác minh được vụ việc thì Viện kiểm sát có thể gia hạm một lần nhưng không quá 2 tháng.

Kết quả của quá trình giải quyết việc tố giác, báo tin tội phạm là gì?

Khi hết thời gian giải quyết việc tố giác, báo tin tội phạm nêu trên, cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định:

Quyết định khởi tố vụ án hình sự;

Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;

Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày kết thúc việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (trừ trường hợp ra Quyết định tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm), Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của công an nhân dân có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố (trừ trường hợp người tố giác, báo tin từ chối cung cấp thông tin cá nhân) biết kết quả giải quyết.

Trên đây là những nội dung cơ bản của Quy trình tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm được quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Thông tư số 28/2020/TT-BCA quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng Công an nhân dân. Người dân cần nắm được những nội dung này để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của mình.