Cần loại trừ cái xấu, cái ác ra khỏi môi trường giáo dục

(Dân trí) - Đọc bài “Khi cái ác được dung túng trong học đường!”, tôi thấy mừng vì những người cầm bút trên Diễn đàn Dân trí vẫn tiếp tục thay mặt cho dư luận kiên quyết đấu tranh với cái xấu, cái ác diễn ra ngay trong môi trường giáo dục của chúng ta.

Bạn đọc: Hồ Nam Hồng

 

Tôi thiết nghĩ xã hội hiện nay quá mất nền nếp quản lý, có rất nhiều điều sai trái cần phải sửa đổi. Nhiều điều trong số đó liên quan đến những vấn đề phức tạp, không dễ giải quyết một sớm một chiều. Thế nhưng với những vụ bạo lực học đường mà chúng ta cũng không thể giải quyết cho đến nơi đến chốn để gây ra những hậu quả khó lường thì thật đau lòng. Những việc như thế này chẳng có lợi cho ai, và là nguy cơ đe dọa đối với mọi người trong xã hội và cả tương lai đất nước. Hy vọng Dân trí sẽ tiếp tục vững vàng cầm bút đấu tranh đến cùng, quyết không để sự việc trôi vào dĩ vãng một cách không thỏa đáng. Dư luận sẽ khó có thể làm được gì nếu thiếu sự ủng hộ của những người cầm bút công tâm như Dân trí.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Đối với những “nữ tặc học đường này”, tôi thiết nghĩ việc “không đẩy các em ra đường” cũng có lý ở chỗ những nữ tặc này chẳng khác gì những con thú dữ, nếu thả ra đường sẽ cắn người bừa bãi, không thể kiểm soát được. Điều đó không có nghĩa là nên áp dụng “kỷ luật treo” để rồi ngày càng có thêm nhiều thú dữ. Mà giải pháp ở đây là như đối với thú dữ, cần phải nhốt vào chuồng, có sự giám sát chặt chẽ và có người dạy thú để huấn luyện. Vì vậy, tôi nghĩ cần đình chỉ học tập và cho các nữ tặc này vào trường giáo dưỡng, có thể là 1 năm, với sự giám sát chặt chẽ của dư luận, các cơ quan tư pháp như công an, các cơ quan truyền thông như báo chí (để ngăn chặn việc gia đình dùng tiền mua chuộc, bảo lãnh cho những con thú dữ này ra ngoài). Trong trường giáo dưỡng, các nữ tặc sẽ phải lao động để hiểu được giá trị cuộc sống, giá trị của tự do. Nếu lao động tốt, cải tạo tốt thì sau 1 năm có thể cho trở lại trường học. Việc nghỉ học một năm nói chung cũng không ảnh hưởng gì nếu một người thực sự muốn trở thành một người lương thiện, có ích cho xã hội. Thời của cha anh, biết bao người rời bỏ ghế giảng đường đại học, cầm súng vào chiến trường gian khổ bao năm, vậy mà sau này vẫn thành đạt, trở thành những người có ích cho xã hội. Đối với những nữ tặc này, một năm trong trường giáo dưỡng có thể sẽ còn học được nhiều hơn 3 năm ở trường học thông thường.

Chúc Dân trí cùng dư luận giành lại được công lý và lương tâm cho xã hội.

Bạn đọc: Nguyễn Văn Đông

 

Chúng ta cần bàn cho ra nhẽ về vấn đề hệ trọng này. Người xưa đã từng dạy “Tề gia trị quốc bình thiên hạ”, nhưng việc mà học sinh đánh bạn chẳng khác gì cách hành xử của bọn côn đồ thì thật sự đáng xấu hổ không chỉ đối với kẻ hành hung mà cả đối với bố mẹ và thầy cô giáo, những người chịu trách nhiệm giáo dục chúng. Chúng ta thấy đầu tiên là gia đình những học sinh đó không nghiêm trong việc “Tề gia” dạy con cái mình thành một người biết trước biết sau, biết giữ thể diện cho gia đình họ hàng... cho chính bản thân mình và điều quan trọng là biết tôn trọng người khác. Thứ hai tính kỷ luật của trường  còn chua rõ ràng nghiêm minh, chưa cho những học sinh đó biết được những việc làm của mình là xúc phạm đến thân thể và danh dự của người khác là hành vi nghiêm trọng, làm mất đi nền nếp chuẩn mực của môi trường sư phạm và làm tổn thương truyền thống thuần phong mĩ tục của dân tộc ... Và điều quan trọng hơn còn cần làm cho những học sinh hư hỏng  biết được hậu quả nghiêm trọng của việc làm đó là vi phạm Hiến pháp và pháp luật..... Vậy để chấm dứt tình trạng bạo lực học đường, các trường phải đưa ra các hình thức kỷ luật thật nghiêm minh đối với các học sinh có hành vi bạo lực đối với bạn. Thậm chí chúng ta còn cần áp dụng cả luật hình sự với những vi phạm đó.

Tôi hy vọng cách xử lý nghiêm khắc giúp ích thiết thực cho việc ngăn chặn bạo lực học đường!

 

Bạn đọc: Đây Huyền

Qua hai vụ học sinh nữ đánh bạn rất dã man ở Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) và Trường THCS Lê Lai (TPHCM), tôi đều thấy việc kỷ luật đối vói những học sinh có hành động đánh bạn có tính côn đồ đều chưa nghiêm minh, chưa đúng người đúng tội.

Trong bài viết: “Trách nhiệm của nhà trường trong vụ HS đánh bạn dã man” đăng trên Diễn đàn Dân trí, tác giả Trần Quang Đại đã viết: “Rất đáng tiếc là vụ này xảy ra, hình ảnh đánh bạn hệt như bọn côn đồ đã được tung lên mạng và báo chí đưa tin, nhưng khi hỏi trường THPT Trần Nhân Tông thì đại diện Ban Giám Hiệu chối phắt: “Không phải học sinh trường tôi”. Hỏi giáo viên chủ nhiệm lớp có học sinh hành hung thì giáo viên này cũng chối đây đẩy: “Không phải học sinh lớp tôi”. Phải chờ đến khi công an vào cuộc thì mọi việc mới được xác định rõ”.

Như vậy nếu xét kỷ luật thì Hiệu trưởng trường THPT Trần Nhân Tông phải là người bị kỷ luật trước tiên vì đã “không thật thà” và đã trốn tránh trách nhiệm, chứ không phải HS Nguyễn Quỳnh Anh.

Ngoài việc “không thật thà”, Hiệu trưởng còn đưa ra một quyết định tùy tiện gây sự nghi ngờ về chuẩn mực đạo đức nhà trường và tạo nên phản ứng bức xúc của dư luận xã hội.

Có phải vì để trấn an phụ huynh hai gia đình hay để chứng tỏ rằng quyết định của mình là có tính đạo đức, có tính giáo dục và có tính nhân bản? Chúng ta đều biết rằng, quyết định kỷ luật phải có tính răn đe, tính làm gương, tính giáo dục xã hội, ngăn chặn được cái ác nảy sinh, không nên tạo một tiền lệ xấu. Đó mới là nhân bản, mới là giáo dục và đó cũng là làm gương cho mọi học sinh,  ngăn chặn  cái ác không thể tiếp tục nảy mầm.

Không phải chúng ta nghiêm khắc kỷ luật HS đánh bạn là đẩy các em ra ngoài xã hội để tiếp tục quậy phá dữ dội hơn. Có nhiều phương pháp để chúng ta có thể ngăn chặn cái xấu và giáo dục các em tốt hơn, mà hơn ai hết Hiệu trưởng và chính quyền địa phương phải biết rõ. Quyết định kỷ luật như trên là một cách nhìn lệch lạc về giáo dục đạo đức, về tính nhân bản. Không tạo được dấu lặng để các em suy ngẫm, thiếu tính răn đe, thuyết phục trong giáo dục.

Và quyết định trên đã tạo ra một tiền lệ xấu, nên khi trường THCS Lê Lai, Quận 8 - TPHCM tiếp tục xảy ra vụ hai học sinh đánh bạn đến ngất xỉu phải đưa đi cấp cứu bệnh viện thì lại đưa ra quyết định tương tự như ở trường THPT Trần Nhân Tông HN: “Sẽ không đuổi học hai nữ “đại ca” đánh bạn ngất tại lớp”! Những người có trách nhiệm đưa ra quyết định đó được cho là có đạo đức, có tính giáo dục và tính nhân bản. Chúng ta thử hình dung cảnh đánh bạn ngất đi, leo lên bàn nhảy xuống đạp vào người làm bạn ngất, rồi hành động kéo đầu đập vào tường… Khi nghe kể lại cứ tưởng những cảnh trong phim bạo lực, hoặc là hành động của bọn côn đồ chuyên nghiệp.

Nghiêm trọng hơn là việc đánh bạn thật dã man đó lại xảy ra ngay trước mắt nhiều học sinh và ngay trong môi trường các em được giáo dục. Thế mà sau khi có hành động côn đồ xong, hai nữ “đại ca” đánh bạn bị ngất tại lớp vẫn được nhởn nhơ có mặt tại trường tại lớp. Đấy có khác gì hành động quảng bá cho cái ác, cái xấu không gì hiệu quả bằng. Và trong con mắt ngây thơ của những học sinh “bị đánh vì học giỏi lại xinh” sẽ nghĩ gì? Một sự lo sợ, ngờ vực vào những lời nói của thầy cô, ngờ vực xã hội, không tin xã hội có công bằng, không tin vào sự bình yên nơi ngôi trường mình đang học. Từ đó các em đành im lặng, thỏa hiệp và dửng dưng trước cái ác, cái xấu để yên thân, để tồn tại. Vì thế quyết định sai trái này hết sức phản giáo dục, tạo nên lớp người công dân vô tâm, vô cảm, sẵn sàng thỏa hiệp với cái xấu. Và như thế thì tương lai đất nước sẽ đi về đâu?

Quyết định kỷ luật đúng đắn không những thể hiện sự công tâm, mà còn thể hiện năng lực và tầm nhìn của những người có trách nhiệm ra quyết định. Quyết định kỷ luật sai của hai trường nói trên là đang ươm mầm cho tội ác nảy sinh, tạo ra tính rủi ro tiềm ẩn rất cao cho xã hội tương lai, mà ta phải tinh tế nhận dạng để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời, không để chúng phát tán rộng rãi thì e rằng lúc đó đã muộn, xã hội phải trả giá rất đắt.

 

LTS Dân trí - Rất nhiều bạn đọc tiếp tục bày tỏ sự lo lắng và chưa yên tâm về cách giải quyết chưa thấu đáo và chưa công minh về hai vụ nữ sinh đánh bạn dã man, thể hiện rõ tỉnh côn đồ ở hai ngôi trường nằm ở hai trung tâm văn hóa lớn nhất nước là Hà Nội và TPHCM.

Phải nói đó là biểu hiện rõ rệt nhất sự tha hóa về đạo đức cũng như lối sống của học sinh mà chúng ta cần tìm hiểu đến cội nguồn của những nguyên nhân, trong đó có trách nhiệm quan trọng của người lớn, trước hết là cha mẹ và nhà trường, của các cơ quan có trách nhiệm quản lý an ninh, trật tự xã hội.

Chúng ta cần kiên quyết xử lý nghiêm minh bằng những hình thức kỷ luật thích đáng đối với những học sinh cố tình đánh bạn hết sức dã man như hai trường hợp nói trên .

Môi trường sư phạm cần lọai trừ những phần tử chuyên quậy phá và kết băng nhóm đánh bạn dã man mà không hề run tay, không biết sợ kỷ luật của nhà trường cũng như pháp luật của nhà nước.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm