Trách nhiệm của nhà trường trong vụ HS đánh bạn dã man

Thời gian vừa qua, dư luận quan tâm nhiều đến vụ học sinh nữ tổ chức đánh bạn dã man, quay video rồi tung lên mạng, nhưng kết quả xử lý vụ này có biểu hiện không nhất quán, chưa dựa trên cơ sở pháp lý và thiếu toàn diện.

Phát ngôn “tiền hậu bất nhất”

Ngày 17/3, ngay sau khi Hội đồng kỉ luật trường THPT Trần Nhân Tông ra phán quyết về vụ nữ sinh đánh nhau, ông Nguyễn Thanh Sơn, Hiệu trưởng trường THPT Trần Nhân Tông, Chủ tịch Hội đồng kỉ luật đã thông báo với báo chí về hình thức kỉ luật.

Báo Dân trí tường thuật: “Mức án cảnh cáo trước toàn trường, hạ hạnh kiểm xuống loại yếu và thử thách 1 năm học dành cho 2 nữ sinh là Nguyễn Quỳnh Anh (người bị đánh) và Ôn Minh Huyền (người đi theo vụ việc đánh nhau từ đầu) do không thật thà, thành khẩn khai báo với cơ quan chức năng. Trong 1 năm thử thách, nếu tiếp tục vi phạm sẽ chịu mức án hạnh kiểm loại yếu”.      

Nhiều báo khác như Nhân dân, Tiền phong, Vietnamnet, Hà nội mới, VTC News…đều có thông tin tương tự. Các báo đều cử phóng viên gặp trực tiếp ông Nguyễn Thanh Sơn, chụp ảnh, và chắc chắn có ghi âm, ghi chép đầy đủ. Toà soạn một tờ báo khẳng định với chúng tôi có ghi âm và viết bài theo nội dung lời nói của ông Nguyễn Thanh Sơn.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Nhưng sau khi bị dư luận phản ứng dữ dội về mức kỉ luật bất công, vô lý đó, khi trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Thanh Sơn lại nói: “Do vậy, em Nguyễn Quỳnh Anh phải nhận mức án khiển trách trước Hội đồng kỷ luật và hạ hạnh kiểm giữa học kỳ II. Tuy nhiên, nhà trường cũng để mức án này “treo” để thử thách trong một năm để theo dõi”. (Dân trí, ngày 24/3/2010).  

Như vậy chỉ sau một vài ngày, cùng nói về một vấn đề, ông Nguyễn Thanh Sơn đã tỏ ra “tiền hậu bất nhất”, biểu hiện sự không nhất quán về quyết định kỷ luật. Mức xử phạt của em Quỳnh Anh đã thay đổi từ “cảnh cáo toàn trường, hạnh kiểm yếu trong năm học” thành “khiển trách trước Hội đồng kỷ luật và hạ hạnh kiểm giữa học kỳ II”. Điều đó khiến dư luận có quyền đặt dấu hỏi về sự trung thực của ông Hiệu trưởng trường THPT Trần Nhân Tông.                              

Một trong những lí do khiến HS Nguyễn Quỳnh Anh bị hạ hạnh kiểm là “không thật thà”. Vậy không biết ông Nguyễn Thanh Sơn, Hiệu trưởng trường THPT Trần Nhân Tông đã là người thật thà hay chưa? Và mọi người còn có thể tin vào những điều đạo đức ông đưa ra để biện hộ cho quyết định vô lý nói trên?  

Vi phạm quy định của Bộ GD-ĐT

Có ý kiến đã phân tích trên Diễn đàn Dân trí, quyết định kỉ luật của trường THPT Trần Nhân Tông về vụ HS nữ đánh bạn không dựa trên những văn bản, quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT, như vậy là không căn cứ trên cơ sở pháp lý. 

Nhưng rất đáng tiếc là ông Nguyễn Thanh Sơn, Hiệu trưởng trường THPT Trần Nhân Tông vẫn tự khẳng định chắc nịch: “Nhà trường hoàn toàn làm theo “Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học”, do Bộ GD&ĐT quy định”. (Báo điện tử VTC News ngày 20/3). 

Vậy xin hỏi ông Nguyễn Thanh Sơn, trong văn bản nói trên, có hình thức kỉ luật nào là “án treo” đuổi học, và buộc học sinh vi phạm kỉ luật viết bản kiểm điểm mỗi tuần? Văn bản nói trên cũng không hề có quy định về “thời gian thử thách” như quyết định của trường THPT Trần Nhân Tông.  

Theo quy định hiện hành, việc xếp loại hạnh kiểm của học sinh được hoàn thành vào cuối năm học, HS không phải chịu điều kiện “thử thách” gì trong năm học tiếp theo cả. Chỉ có những HS bị xếp hạnh kiểm loại yếu sẽ được rèn luyện thêm trong hè, cuối hè hay vào đầu năm học tiếp theo sẽ được xem xét lại.              

Nếu HS nào bị buộc thôi học một năm thì sau một năm (thường được hiểu là vào đầu năm học tiếp theo) sẽ được xem xét nếu tiến bộ thì trường cũ nhận vào học (học lại một năm). Đó là những quy định mà bất cứ giáo viên nào cũng đã biết.                     

Vì vậy, việc Hội đồng kỉ luật trường THPT Trần Nhân Tông đề ra thời hạn “thử thách một năm” đối với những HS nói trên là hết sức tuỳ tiện, không đúng quy định của Bộ Giáo dục-Đào tạo.                    

Trong “Quyết định số 07/2007/QĐ-BGDĐT ngày 02/4/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo” về việc ban hành “Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học” nêu rõ: “Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bị bãi bỏ”. (Điều 2).  

Do đó, chưa bàn đến mức độ nặng hay nhẹ của quyết định kỉ luật, chỉ riêng việc tự ý đề ra hình thức kỉ luật “đuổi học treo” và buộc HS viết bản kiểm điểm mỗi tuần, cũng như thời hạn “thử thách 1 năm”, Hội đồng kỉ luật trường THPT Trần Nhân Tông đã vi phạm Quyết định số 07/2007/QĐ-BGDĐT ngày 02/4/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền, trong đó các cơ quan, tổ chức không được phép làm bất cứ điều gì trái với quy định của cơ quan quản lý nhà nước.

Người có trách không thể vô can trong vụ này

Rất đáng tiếc là vụ này xảy ra, hình ảnh đánh bạn hệt như bọn côn đồ đã được tung lên mạng và báo chí đưa tin, nhưng khi hỏi trường THPT Trần Nhân Tông thì đại diện Ban Giám hiệu chối phắt: “Không phải học sinh trường tôi”. Hỏi giáo viên chủ nhiệm lớp có học sinh hành hung thì giáo viên này cũng chối đây đẩy: “Không phải học sinh lớp tôi”. Phải chờ đến khi công an vào cuộc thì mọi việc mới được xác định rõ. Chính vì sự thiếu trách nhiệm đó của lãnh đạo nhà trường cũng như giáo viên chủ nhiệm lớp trong nhiệm vụ chăm lo giáo dục đạo đức và quản lý học sinh, cho nên đã để xảy ra vụ bạo lực học đường có tính điển hình làm cho dư luận cả nước phải lên tiếng. Đến nay, lãnh đạo Trường THPT Trần Nhân Tông đã rút kinh nghiệm và đề ra biện pháp tăng cường giáo dục và quản lý học sinh, nhưng dù sao cũng không thể trốn tránh được trách nhiệm đã để xảy ra vụ hành hung thật đáng tiếc trong học sinh của mình. Vì vậy, chúng tôi rất đồng tình với ý kiến bình luận trong chuyên mục “Thời đàm” của báo Thời Nay, một ấn phẩm của báo Nhân Dân (ngày 25/3/2010) đã kiến nghị cần “làm rõ trách nhiệm, thậm chí có hình thức xử lý thích đáng đối với Hiệu trưởng nhà trường và giáo viên chủ nhiệm”.

Đây là vụ bạo lực học đường có tính điển hình được dư luận cả nước quan tâm, cho nên cần được giải quyết thấu đáo và toàn diện, không thể chỉ dừng lại việc xử lý nghiêm minh đối với học sinh, còn những người có trách nhiệm cao nhất và nhiều nhất trong việc giáo dục và quản  lý học sinh là Hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm lại vô can.

 

Văn Hiệp

 

LTS Dân trí - Đây là vụ học sinh đánh bạn dã man, còn ngang nhiên quay lại cảnh tượng đó để tung lên mạng cho mọi người xem đủ nói lên tính cách côn đồ của những học sinh tham gia vụ này. Điều đó cho thấy sự xuống cấp đạo đức rất nghiêm trọng của học sinh mà chúng ta cần thấy nguyên nhân sâu xa từ sự thiếu quan tâm giáo dục của gia đình cũng như sự lỏng lẻo và thiếu trách nhiệm giáo dục và quản lý học sinh của nhà trường.

Vì vậy, chúng tôi kiến nghị các cơ quan quản lý cấp trên của Trường THPT Trần Nhân Tông nên vào cuộc để xử lý đến nơi đến chốn vụ này, không chỉ dừng lại việc xử lý nghiêm minh các học sinh vi phạm nghiêm trọng kỷ luật học đường mà đồng thời còn làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm những người có trách nhiệm quản lý và giáo dục học sinh ở Trường THPT Trần Nhân Tông.