Khi cái ác được dung túng trong học đường!

Thời gian gần đây, bạo lực học đường ngày càng manh động và diễn biến theo chiều hướng rất xấu. Mới nhất, gây phẫn nộ hơn cả là vụ một nữ sinh lớp 8 bị đánh “hội đồng” dã man chỉ vì xinh và học giỏi.

Bạn đọc: Bùi Vũ

 

Phẫn nộ hơn là những người có trách nhiệm lại tiếp tục đưa ra phương án “không được đuổi học các em”. Vậy nguyên nhân nằm ở đâu ? Phải chăng cái ác ngày càng được dung túng ?

Thực tế cho thấy qua những vụ học sinh bị đánh hội đồng, bị hành hung, doạ nạt, thậm chí là đâm chết, những tên “đại ca học đường” không ít thì nhiều đều đã mất đi nhân tính, không còn tình người, phẩm chất đạo đức gần như đã biến thái theo chiều rất xấu, thậm chí khó cứu vãn. Ngay từ trên ghế nhà trường, mà những trẻ em này đã coi nhân phẩm, thân thể, thậm chí là tính mạng của bạn bè mình, đồng loại mình chẳng ra gì. Các em thích thì dọa, thích thì đánh, thích thì giết, chả sợ một ai cả. Vậy thì các em có xứng đáng được khoan hồng, được giáo dục tiếp trong môi trường bình thường không? Xin thưa rằng không! Chỉ có pháp luật và hình phạt thật sự mang tính răn đe mới may chăng kiềm chế và làm cho các em đó phải lùi bước và cũng bài học đích đáng cho những ông bố bà mẹ có những con mất dạy và vô giáo dục đến như vậy.

Nhưng nhà trường và các cơ quan chức năng đã xử lý như thế nào? Xin thưa là từ dung túng này đến dung túng khác, từ qua loa chiếu lệ này đến qua loa chiếu lệ khác. Học sinh đánh đập dã man bạn mình mà chỉ bị “đuổi học treo”. Mà đuổi học treo là gì? Tức là vẫn học bình thường, vẫn có cơ hội tiếp tục đánh đập bạn bè, thậm chí uy hiếp đến tính mạng bạn bè một cách rất bình thường. Một khi hình thức kỷ luật không đủ tính răn đe, tất yếu sẽ dẫn đến một làn sóng “nhờn kỷ luật”, không sợ kỷ luật đối với học sinh vốn đã có tính ngông cuồng. Mà ngẫm ra có gì phải sợ đâu. Đánh bạn sướng tay, quay clip tung lên mạng, dọa giết bạn và dọa cả giáo viên mà chỉ bị hạ hạnh kiểm, mỗi tuần làm một bản kiểm điểm “thành tích” của mình. Vậy thì tội gì không đánh, tội gì không quay, tội gì không dọa, thậm chí tội gì không giết! Mà đúng vậy, từ khi kết quả xử lý vụ nữ sinh đánh hội đồng ở Hà Nội được đưa ra, chưa đầy một tháng, rất nhiều vụ tương tự tái diễn, lộng hành với cường độ ngày càng tăng và mức độ ngày càng nguy hiểm

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Ở bất cứ nơi đâu trên thế giới này, cái ác và cái thiện cũng luôn song hành với nhau. Có một số trường hợp chúng ta nên lấy cái thiện, lấy lòng nhân để cải tạo, làm thay đổi cái ác. Nhưng rất nhiều trường hợp chúng ta phải dùng những biện pháp mạnh tay để đẩy lùi cái ác, dù cái ác ấy là ai và ở đâu. Sự nhân nhượng vì lý do này hay lý do khác đều là sự dung túng cho cái ác duy trì và phát triển. Trở lại với việc bạo lực học đường, có lẽ thà chúng ta nén nỗi đau để đuổi học, đưa vào trường giáo dưỡng những học sinh côn đồ, vô nhân tính còn hơn để các em tiếp tục đe dọa đến sự bình yên của bạn bè, thầy cô, làm cho bộ mặt học đường ngày càng đen tối

Xin đừng tiếp tục dung túng cho cái ác ở học đường thêm một phút nào nữa!

 

Bạn đọc: Trần Oanh

 

Tôi đã đọc rất nhiều ý kiến của mọi người về vấn đề bạo lực học đường, tôi  thấy hầu như nhà trường và chính quyền sở tại đều cho rằng biện pháp xử lý mạnh bằng hình thức đuổi học không giải quyết được vấn đề. Vậy biện pháp răn đe thế nào là tốt? Có những ý kiến cho rằng đuổi học không làm các em sợ, có khi các em còn mong thế, cho nên không đuổi học cốt để các em có cơ hội hối cải, nhưng xin thưa nếu các em đó chiu nghe và hiểu lẽ phải thì em đã không dám làm những chuyện ngỗ ngược đến như vậy.

Vấn đề ở đây là ai cũng biết cũng hiểu cần có biện pháp răn đe đủ mạnh để các em không dám tái phạm và những em khác không còn dám đánh bạn tàn nhẫn nhưng dùng biện pháp nào? Đây chính là vấn đề mấu chốt. Hình thức xử phạt của nhà trường chỉ có kiểm điểm, cảnh cá, hạ điểm hạnh kiểm và cuối cùng là duổi học. Các hình thức kỷ luật này vốn "xưa như trái đất", em nào đến trường cũng biết nhưng các em vẫn vi phạm , vậy là biện pháp xử phạt này không còn hiệu nghiệm nữa, cần có biện pháp bổ xung.

Về gia đình, ai cũng bảo gia đình cần quan tâm, thử hỏi nếu ba mẹ những học sinh đó cũng thuộc thành phần đầu trộm đuôi cướp, hoặc không hiểu biết, lại không biết thương và không có trách nhiệm với con thì đòi hỏi này bằng không. Còn nếu gia đình tốt hơn thì với nền kinh tế hiện nay, muốn chăm con tốt chỉ có nghỉ làm ở nhà, mà nghỉ rồi thì ai kiếm tiền?! Vậy là phía gia đình cũng không ổn. Về xã hội, các em chưa đủ tuổi thành niên thì đương nhiên không thể bắt "bỏ tù", chỉ có giao về gia đình nhà trường xử lý, vậy cuối cùng mèo lại hoàn mèo.

Tôi nghĩ, đã đến lúc tất cả cần chung tay tìm ra biện pháp, nhà trường cần thay đổi hình phạt, luật pháp bổ sung thêm điều khoản cho trẻ dưới tuổi vị thành niên, gia đình nếu không đủ điều kiện nuôi dạy con thì  không cho nuôi dạy... Tóm lại là cần thay đổi luật để các em sẽ không có những suy nghĩ rất ngây ngô như "con không sợ đi tù" vì các con chả biết đi tù là gì.

 

Bạn đọc: Dinh Thanh Van

 

Tôi là một Thầy giáo trong nghề trên 30 năm dạy học, nhưng chưa bao giờ tôi thấy thất vọng với một số học sinh thiếu đạo đức, có hành vi côn đồ như thời gian gần đây. Nhiều đêm nằm trăn trở, suy nghĩ mà không biết giải quyết vấn nạn này như thế nào? Trước đây học sinh nam đánh nhau chúng ta coi đó là tính hiếu động của phái mạnh, nhưng giờ đây học sinh nữ đã "vùng lên" gây ra biết bao nhiêu vụ đánh nhau dẫn đến thương tích trầm trọng? nhưng rồi đâu vẫn vào đấy. Người bị đánh cứ chịu hậu quả, kẻ côn đồ thì cứ nhởn nhơ vì đã có sự "Bao dung của một số người" ??? ! Ngẫm mà xót xa.

Tôi nhớ ngày xưa chúng tôi đi học nếu gây xích mích đánh bạn sẽ bị thầy cô phạt rất nặng kể cả đuổi học ,thế nhưng bây giờ đánh bạn đi viện cấp cứu vẫn cứ là chuyện bình thường ?Phải chăng sự nhân đạo, sự buông lỏng kỷ cương của một số trường đã làm cho học sinh coi thường pháp luật,chúng ta cần xem xét lại cách giải quyết về việc học sinh đánh nhau ,nếu cần phải đuổi học một số để làm gương ,chứ cứ đà này tôi e rằng sẽ còn nhiều vụ đánh nhau nhiều hơn nữa và sẽ có án mạng xảy ra trong một ngày không xa.

Vừa qua trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về việc học sinh nữ đánh nhau ở một số trường, đó mới chỉ là một phần nhỏ trong muôn vàn phần đang còn che khuất mà thôi, tôi đã chứng kiến các vụ học sinh nữ thuê người ngoài trường đón đường đánh nhau, rồi một số học sinh nữ vì ghen tuông vớ vẩn thuê cả tắc xi hàng chục người đến trường bạn để gây chiến và đánh kiểu hội đồng, mà những học sinh này đang còn là học ở cấp THCS và THPT.

Đã đến lúc xã hội, nhà trường, cha mẹ học sinh và cả pháp luật phải vào cuộc dẹp ngay vấn nạn này. Nếu không thì sự việc đánh nhau của học sinh và nhất là học sinh nữ sẽ phát triển đến độ không thể kiểm soát nổi nữa.

 

 

LTS Dân trí - Về chủ đề này, quả thật chúng ta đã bàn nhiều và nhà trường cũng đã xử lý nhiều vụ kỷ luật có liên quan trực tiếp đến bạo lực học đường. Nhưng cho đến nay tình trạng đó vẫn không hề thuyên giảm mà còn tiếp tục xảy ra với chiều hướng ngày càng nghiêm trọng hơn.

Nhưng chẳng lẽ những người lớn có trách nhiệm giáo dục và quản lý các em đành chịu khoanh tay đứng nhìn?

Rõ ràng cả gia đình, nhà trường và xã hội, mọi người lớn đều phải gương mẫu về đạo đức và lối sống để các em có tấm gương noi theo; mặt khác người lớn phải làm tròn phận sự của mình trong việc giáo dục con em và trẻ em nói chung bằng cả những biện pháp mềm dẻo có sức cảm hóa và cả những biện pháp cứng rắn như đuổi học và đưa những trẻ em có tính cách côn đồ đến trại giáo dưỡng để có biện pháp giáo dục đặc biệt. Không thể để những mầm non bệnh họan lây nhiễm sang những mầm non lành mạnh trong môi trường giáo dục chuẩn mực của chúng ta. Chỉ có như vậy thì những bậc cha mẹ mới yên tâm gửi con em mình đến nhà trường với tấm lòng tin cậy.