Cần chế tài nghiêm khắc hơn với những cơ sở bán vàng gian dối hàm lượng

(Dân trí) - Kết quả hơn khảo sát 600 cơ sở bán vàng không đạt hàm lượng tiêu chuẩn cho thấy thị trường này đang tồn tại khá nhiều vấn đề tiêu cực. Luật sư cho rằng cần có chế tài nghiêm khắc hơn nữa với những cơ sở bán vàng gian dối hàm lượng, trục lợi bất chính trong kinh doanh.

Vàng bạc là một trong những loại hàng hóa có giá trị kinh tế lớn. Đây là mặt hàng nhiều người mua để tích trữ và cũng là mặt hàng nhiều người sử dụng như một món trang sức, tô điểm trên người, chính vì thế dường như thị trường buôn bán vàng cũng “ngầm” phân chia ra làm hai mảng: một loại bán vàng đủ chất, đủ lượng để phục vụ cho mục đích sinh lời hay tích trữ của người mua còn một mảng bán vàng trang sức hay còn gọi là “vàng tây”. Theo cơ quan chức năng thị trường “vàng tây” hiện đang hoạt động với muôn hình vạn trạng kiểu dáng và chất lượng nhưng đang tồn tại rất nhiều vấn đề tiêu cực. Vừa qua, cơ quan chức năng đã có đợt thanh tra và phát hiện hơn 600 cơ sở bán vàng không đạt hàm lượng tiêu chuẩn.

Trao đổi với phóng viên Dân trí xung quanh vấn đề này, luật sư Trương Anh Tú đã đưa ra quan điểm:

Theo khoản 1, Điều 3 nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng thì “Vàng trang sức, mỹ nghệ là các sản phẩm vàng có hàm lượng từ 8 Kara (tương đương 33,33%) trở lên, đã qua gia công, chế tác để phục vụ nhu cầu trang sức, trang trí mỹ thuật.” Do đó, dù là vàng trang sức, mỹ nghệ nhưng các sản phẩm này vẫn phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn, hàm lượng vàng là từ 8 kara trở lên. Tuy nhiên, trên thị trường thì không ít cơ sở kinh doanh vàng trang sức hay còn gọi là “vàng tây” này không đảm bảo đủ tiêu chuẩn về hàm lượng vàng. Người tiêu dùng rất khó và gần như không thể biết được chính xác hàm lượng vàng có trong các sản phẩm mình mua là bao nhiêu, giá thành sản phẩm đắt hay rẻ phụ thuộc vào cơ sở kinh doanh. Điều này là một điều rất thiệt thòi cho người tiêu dùng.


Hoạt động quản lý kinh doanh vàng ngày càng phức tạp khi các thông tin về kênh dự trữ này luôn gây sóng dư luận (ảnh minh họa)

Hoạt động quản lý kinh doanh vàng ngày càng phức tạp khi các thông tin về kênh dự trữ này luôn gây sóng dư luận (ảnh minh họa)

Theo quy định tại Điều 4, Thông tư 22/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013, việc sai số trong đo lường đối với các tổ chức, cá nhân nhập khẩu, xuất khẩu, sản xuất, mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ; kinh doanh mua, bán vàng miếng là “3. Khối lượng vàng trong mua, bán với các tổ chức, cá nhân hoặc trong thanh tra, kiểm tra không được nhỏ hơn khối lượng công bố. Giới hạn sai số của kết quả phép đo khối lượng vàng phải bảo đảm yêu cầu quy định tại Bảng 2”. Đối với vàng trang sức thì “9. Hàm lượng vàng trong sản phẩm (hoặc trong thành phần có chứa vàng) của vàng trang sức, mỹ nghệ không được thấp hơn giá trị hàm lượng đã công bố. Giới hạn sai số của kết quả thử nghiệm xác định hàm lượng vàng được quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư này.”

Điều này có nghĩa rằng, pháp luật cho phép có sự sai số đối với hàm lượng vàng trong các sản phẩm nhưng sự sai số đó phải nằm trong giới hạn luật định và các sản phẩm phải được ghi nhãn theo đúng quy định để tránh sự nhầm lẫn.

Tuy nhiên, thực tế thì trên thị trường rất phổ biến hiện tượng các cơ sở kinh doanh vàng bán vàng trang sức không đảm bảo tiêu chuẩn về hàm lượng vàng, tuổi vàng theo quy định của pháp luật cho người tiêu dùng. Hiện nay, đa phần các cơ sở kinh doanh vàng không đảm bảo tiêu chuẩn bị phát hiện trong các đợt thanh kiểm tra mới chỉ bị xử lý hành chính mà rất ít trường hợp bị xử lý hình sự. Còn người tiêu dùng dường như đã quen với khái niệm “vàng tây”, “vàng trang sức” chỉ mang tính chất làm đẹp mà quên mất rằng “vàng tây” cũng cần phải tuân thủ quy chuẩn của nó, điều này trở thành tác nhân vô hình tạo ra một thị trường vàng “lệch chuẩn” phát triển ngày càng sôi động.


Luật sư Trương Anh Tú cho rằng cần có chế tài nghiêm khắc hơn nữa đối với những cơ sở kinh doanh vàng gian dối trong kinh doanh.

Luật sư Trương Anh Tú cho rằng cần có chế tài nghiêm khắc hơn nữa đối với những cơ sở kinh doanh vàng gian dối trong kinh doanh.

Về vấn đề này, Luật sư Tú khẳng định, quy định tại Điều 162, Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung) thì hành vi này của các chủ cơ sở kinh doanh vàng đã có dấu hiệu của “Tội lừa dối khách hàng”, theo đó: “Người nào trong việc mua, bán mà cân đong, đo đếm tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm”. Từ trước đến này, tôi chưa thấy có trường hợp chủ tiệm vàng nào bị khởi tố vì hành vi này, với hành vi gian lận về trọng lượng và hàm lượng vàng, hằng năm đem lại lợi ích bất chính rất lớn có thể lên tới nhiều tỷ đồng cho những ông chủ tiệm vàng, trong khi hầu hết những tội phạm xâm phạm quyền sở hữu khác chỉ cần định lượng 2.000.000 đồng là có thể xử lý hình sự.

“Để hạn chế sự phát triển của các cơ sở vàng không đáp ứng được điều kiện, các cơ quan có thẩm quyền cần phải có sự kiên quyết, cứng rắn hơn nữa trong việc thanh kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở kinh doanh vàng và bản thân người tiêu dùng cũng phải nâng cao nhận thức của mình về sản phẩm vàng tây, vàng trang sức, mỹ nghệ để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của bản thân” – luật sư Trương Anh Tú nói.

Thanh Trầm (ghi)