Bài 6:
Cần bồi thường bao nhiêu cho nạn nhân nhiễm HIV oan suốt 19 năm?
(Dân trí) - Thông tin ngành Y tế tỉnh Bình Thuận đến làm việc và ghi nhận hỗ trợ cho người bị “tuyên án oan nhiễm HIV suốt 19 năm trời” với số tiền 10 triệu đồng làm nạn nhân không hài lòng mà còn khiến dư luận bức xúc. Theo luật sư, mức giá phù hợp để bồi thường, bù đắp cho ông Khanh phải là 1,5 tỷ đồng.
Vừa qua, sau khi báo điện tử Dân trí liên tiếp có những bài phản ánh Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Thuận xét nghiệm HIV sai, gây tổn thất nặng nề và ông Trần Ngọc Khanh (SN 1951, ngụ xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong) gửi đơn khiếu nại, ngành Y tế tỉnh Bình Thuận đã về địa phương làm việc với ông Khanh.
Tại buổi làm việc, BS Lê Văn Quân, phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Bình Thuận cho biết sẽ không có bồi thường mà chỉ có thể hỗ trợ để xử lý “hậu quả” việc “tuyên án” nhiễm HIV đối với ông Khanh. Mức hỗ trợ mà BS Quân đưa ra là 10 triệu đồng và cho biết kinh phí rất hạn hẹp, đề nghị ông Khanh thông cảm.
Trước lời đề nghị trên, ông Khanh đã cương quyết từ chối vì nó không tương xứng với những thiệt hại, mất mát to lớn về vật chất lẫn tinh thần mà ông và gia đình đã gồng gánh chịu đựng trong suốt 19 năm qua.
“Việc xét nghiệm và kết luận tôi dương tính với HIV của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Thuận là sai trái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín cũng như cuộc sống của tôi và gia đình tôi. Ngoài ra, nguồn thu nhập thực tế của tôi và gia đình tôi cũng bị thiệt hại nghiêm trọng. Tức hậu quả về việc xét nghiệm sai HIV/AIDS như tuyên bản án tử hình đối với cá nhân tôi đã gây thiệt hại nghiêm trọng cả về tinh thần lẫn vật chất cho tôi và gia đình tôi kéo dài trong gần 20 năm trời mà nay nói chỉ hỗ trợ chứ không phải là bồi thường. Mức hỗ trợ cũng chỉ 10 triệu đồng. Số phận một con người rẻ rúng thế thôi sao?”, ông Khanh nói trong nước mắt.
Trao đổi với Dân trí, luật sư Nguyễn Thành Công, Giám đốc Đông Phương Luật (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng việc hỗ trợ mà ngành Y tế tỉnh Bình Thuận đặt ra với ông Khanh là không phù hợp. Bị “kết án oan” nhiễm HIV suốt 19 năm mà chỉ nói hỗ trợ 10 triệu đồng để khắc phục hậu quả là thêm một lần xát muối vào nỗi đau cho ông Khanh.
Căn cứ vào Điều 619 Bộ luật Dân sự năm 2005: “Cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức phải bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức của mình gây ra trong khi thi hành công vụ. Cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức có trách nhiệm yêu cầu cán bộ, công chức phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật, nếu cán bộ, công chức có lỗi trong khi thi hành công vụ”; Điều 307, Điều 611 Bộ Luật Dân sự 2005 và Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08 tháng 07 năm 2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, thì Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Thuận (nơi xét nghiệm và ban hành kết luận sai) phải tổ chức công khai xin lỗi ông Khanh tại địa phương nơi ông Khanh đang sinh sống về kết luận nhiễm HIV sai cho người dân biết rõ để ông không bị kỳ thị, trở lại cuộc sống bình thường. Đồng thời, ngành Y tế Bình Thuận phải bồi thường cho những thiệt hại mà ông Khanh và gia đình phải ghánh chịu trong suốt 19 năm qua do đã xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín.
Trên cơ sở pháp lý, luật sư Nguyễn Thành Công cho rằng, ông Khanh có quyền đòi bồi thường 3 khoản tiền gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại (4.400.000 đồng); thu nhập thực tế bị mất sau khi bị kết luận nhiễm HIV sai (5.250.000 đồng/tháng x 12 tháng x 19 năm = 1.197.000.000 đồng) và khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần (350.000.000 đồng).
Như Dân trí đã thông tin, ngày 21/7/1997, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Thuận phối hợp với bệnh viện huyện Tuy Phong và trạm y tế xã Vĩnh Hảo xét nghiệm và xác định ông Trần Ngọc Khanh bị nhiễm HIV.
Với kết quả HIV dương tính, tinh thần ông Khanh sụp đổ hoàn toàn. Mặc dù kết quả xét nghiệm trên nguyên tắc các Cơ quan Y tế không công bố ra ngoài nhưng không hiểu bằng cách nào, tin đồn lan nhanh, hàng xóm láng giềng ai cũng biết và xa lánh. Suốt mấy tháng trời, ông Khanh sống vật vờ như người mất hồn. Gia đình ông có sạp báo và đại lý vé số nhưng từ khi biết tin ông bị HIV, khách hàng bỏ dần, phải dẹp sạp báo. Đại lý vé số cũng ế ẩm, bán cầm chừng. Hoàn cảnh kinh tế ngày càng khó khăn, kiệt quệ, ông cũng không thể có việc làm vì không ai nhận ông làm việc. Vợ ông Khanh một mình xoay sở nuôi hai con còn đang đi học. Con trai lớn lúc đó 16 tuổi, con trai nhỏ 13 tuổi. Vợ con ông Khanh cũng bị vạ lây vì sự kỳ thị của hàng xóm.
“Những tủi nhục mà tôi và gia đình mình phải trải qua thật quá sức chịu đựng. Suốt 19 năm qua tôi sống như cái bóng ma, không dám tiếp xúc với ai. Nhiều lần tôi đã nghĩ đến cái chết vì quá bế tắc vì bản án tử là kết luận bị nhiễm HIV/AIDS của Trung Tâm Y Tế dự phòng tỉnh Bình Thuận treo lơ lửng”, ông Khanh nói.
Đến tháng 5/2016, sau 19 năm mà thấy mình vẫn sống khỏe mạnh, không có biểu hiện bệnh tật gì, nên ông Khanh mạnh dạn quyết định đi xét nghiệm lại. Kết quả xét nghiệm tại Công ty TNHH Y tế Hòa Hảo (TPHCM) ngày 16/5/2016 cho thấy ông âm tính với HIV. Muốn chắc ăn hơn, ông Khanh đã đến xét nghiệm ở 3 nơi khác là Bệnh viện Nhiệt đới TPHCM, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Bình Thuận. Tất cả đều cho kết quả âm tính.
Sau khi có kết quả âm tính tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Bình Thuận, ông Khanh có gặp một nhân viên y tế trình bày, hỏi tìm hồ sơ cũ đã kết luận ông nhiễm HIV nhưng người này cho rằng hồ sơ đã bị hủy. Sau đó lại nói là thời kỳ đó Trung tâm Y tế dự phòng xét nghiệm và lưu giữ. Đến ngày 4/6/2016, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Bình Thuận đã gửi văn bản yêu cầu Trung tâm Y tế huyện Tuy Phong loại bỏ tên ông Khanh ra khỏi danh sách quản lý người nhiễm HIV.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.
Trung Phương - Công Quang