Bình Thuận:
Người đàn ông mang "án oan" nhiễm HIV suốt 19 năm phẫn nộ đi kiện
(Dân trí) - Ông Trần Ngọc Khanh, 51 tuổi, ngụ ở xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận bị xác định là nhiễm HIV từ năm 1997. Sau 19 năm, ông tự đi xét nghiệm lại. Thật bất ngờ khi cả 4 cơ sở y tế đều kết luận ông âm tính với HIV. Ông Khanh khẳng định với phóng viên báo Dân Trí là ông sẽ kiện đòi bồi thường vì những mất mát, đau khổ mà ông đã phải chịu đựng.
Sống trong đau khổ, tủi nhục
Cuộc sống gia đình ông Khanh bị đảo lộn vào năm 1997, sau khi Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh phối hợp với bệnh viện huyện Tuy Phong và trạm y tế xã Vĩnh Hảo xét nghiệm và xác định ông bị nhiễm HIV. Ông Khanh được chỉ định đi xét nghiệm vì có tiền sử nghiệm ma túy, mặc dù lúc đó ông đã cai nghiện được 2 năm.
“Tôi thấy mình bị sụp đổ hoàn toàn. Mặc dù kết quả xét nghiệm không công bố ra ngoài nhưng tin đồn lan nhanh, hàng xóm láng giềng ai cũng biết và xa lánh”- Ông Khanh kể lại.
Suốt mấy tháng trời, ông Khanh sống vật vờ như người mất hồn. Gia đình ông có sạp báo và đại lý vé số, ông bỏ mặc cho vợ con lo. Nhưng từ khi biết tin ông bị “si đa”, khách hàng bỏ dần, phải dẹp sạp báo. Đại lý vé số cũng ế ẩm, bán cầm chừng. Hoàn cảnh kinh tế ngày càng khó khăn. Vợ một mình xoay sở nuôi 2 con còn đang đi học.
Không chỉ mình ông mà cả vợ con ông cũng bị vạ lây vì sự kỳ thị của hàng xóm. Con trai lớn ông Khanh lúc đó 16 tuổi, con trai nhỏ 13 tuổi, mỗi khi ra đường bị hàng xóm miệt thị bảo “ba mày nhiễm “si đa”, hoặc bị bạn bè trêu chọc là về nhà lại khóc.
Những tủi nhục mà ông Khanh phải trải qua thật quá sức chịu đựng. Ông nhớ lại: “Cứ có lần đi đám giỗ, hễ tôi gắp món gì là mọi người không dám động đũa tới món đó. Bạn bè tôi trong lúc ngồi nhậu cũng chỉ mặt tôi bảo “mày là thằng “si đa”. Từ đó về sau tôi tránh mặt người quen. Suốt 19 năm qua tôi sống như cái bóng ma, không dám tiếp xúc với ai”.
Ngay cả vợ con ông cũng tránh xa vì sợ lây nhiễm. Ông ngủ riêng, ăn riêng, dùng riêng chén đũa, ly uống nước… Con ông không dám dùng chung phòng vệ sinh và phải sang nhờ bên nhà nội.
Cho đến nay, mặc dù đã thoát “án tử”, ông Khanh vẫn chưa bỏ được thói quen ăn uống riêng một mình. Vợ ông kể: “Tới bữa ăn là ổng tự xới một tô ra ngồi ăn riêng thay vì ngồi chung với vợ con”.
Tuyệt vọng và tái nghiện
Sau khoảng 3- 4 tháng cố gắng chịu đựng, ông Khanh trở nên tuyệt vọng và sau đó thì hút chích trở lại. Bà Lê Thị Anh, vợ ông Khanh, cho biết: “Ổng trăn trối với tôi là sống chẳng còn bao lâu, tôi phải cố gắng nuôi các con. Kể từ đó ổng bỏ nhà đi suốt. Tôi biết là ổng đi với đám con nghiện”.
Theo ông Khanh thì khi tái nghiện trở lại, ông hút chích nhiều hơn, nặng “đô” hơn. “Tôi hút chích để quên đời và để được chết sớm. Tôi trăn trối với vợ con vì nghĩ mình đã bị kết án tử. Tôi chích nhiều đến mức hai cánh tôi lở loét hết. Nhà đã nghèo, con còn nhỏ, buôn bán ế ẩm do bị kỳ thị, tôi lại nghiện ngập. Cũng may là vợ tôi giỏi chịu đựng, bươn chải, nếu không thì đã tán gia bại sản hết”.
Sau 3 năm tái nghiện, ông hồi tâm lại vì thấy vợ con khổ sở. Ông tự cai nghiện và bỏ hẳn hút chích cho đến nay.
Sẽ kiện ra tòa
Kể từ khi bị xác định nhiễm HIV, ông Khanh chưa hề điều trị. Lúc đầu trạm Y tế xã có mời lên phát thuốc, nhưng ông từ chối. Từ đó đến nay không thấy ngành y tế hỏi han gì đến. Theo ông Khanh nhớ lại, chỉ có 1 lần, khoảng 5 năm sau lần xét nghiệm đầu, các nhân viên y tế trên tỉnh xuống phối hợp với công an huyện mời ông đến lấy mẫu xét nghiệm. Nhưng sau 3 lần chọc kim vào không lấy được máu, nhân viên y tế bỏ qua và dặn ông nếu có ai hỏi thì trả lời đã lấy mẫu xét nghiệm rồi!
Trả lời câu hỏi của chúng tôi vì sau đến tháng 5/2016 tự đi xét nghiệm lại, ông Khanh cho biết: “Tôi đọc báo thấy có trường hợp ở Nghệ An bị kết quả xét nghiệm nhầm suốt 13 năm. Tôi nghĩ đã 19 năm mà mình vẫn sống khỏe mạnh, không có bệnh tật gì, nên mới đi xét nghiệm lại”.
Bà Anh, vợ ông Khanh cũng cho biết: Ban đầu ông định ra bệnh viện Ninh Thuận cho gần nhà nhưng lại sợ gặp người quen. Do đó, bà khuyên ông vào TPHCM.
Kết quả xét nghiệm tại Cty TNHH Y tế Hòa Hảo ngày 16/5 cho thấy ông Khanh âm tính với HIV. Ông Khanh mừng như người chết được sống lại. Muốn chắc ăn hơn, ông đã đến 3 nơi khác là bệnh viện Nhiệt đới TPHCM, bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Bình Thuận. Tất cả đều cho kết quả âm tính.
Theo lời kể của ông Khanh, sau khi có kết quả âm tính tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Bình Thuận, ông có gặp một nhân viên y tế trình bày, hỏi tìm hồ sơ cũ đã kết luận ông nhiễm HIV nhưng cô này cho rằng hồ sơ đã bị hủy. Sau đó lại bảo là thời kỳ đó Trung tâm Y tế dự phòng xét nghiệm và lưu giữ. Cách đây vài ngày, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS đã gửi văn bản yêu cầu Trung tâm Y tế huyện Tuy Phong loại bỏ tên ông ra khỏi danh sách quản lý người nhiễm HIV.
“Điều tôi cần nhất là các cơ quan y tế phải có lời xin lỗi và công bố cho người dân địa phương biết rõ để tôi không còn bị kỳ thị, trở lại cuộc sống bình thường. Nhưng đến nay chưa thấy ai làm điều đó”.
Trao đổi với phóng viên báo Dân trí, ông Khanh khẳng định sẽ khiếu nại lên Sở Y tế tỉnh Bình Thuận để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
“Tôi đọc báo chí, tài liệu trên mạng thấy chưa có trường hợp nào nhiễm HIV mà tự khỏi. Chắc chắn tôi đã bị xét nghiệm nhầm lẫn. Tôi cho rằng trường hợp này do lỗi cẩu thả của ngành y tế, họ phải bồi thường thiệt hại cả về vật chất và tinh thần mà tôi phải chịu suốt 19 năm qua. Nếu ngành y tế không giải quyết, tôi sẽ kiện ra tòa”, ông nói.
Trung Phương