Vụ án oan nhiễm HIV 19 năm: Chính thức khiếu nại ngành y tế Bình Thuận

(Dân trí) - Cho rằng đã chịu quá nhiều thiệt thòi về vật chất lẫn tinh thần trong suốt 19 năm ròng rã mang trên người “án tử” nhiễm HIV mà các cơ quan chức năng đã “đeo” vào người, ông Trần Ngọc Khanh đã quyết định khiếu nại ngành y tế tỉnh Bình Thuận để đòi lại công bằng, danh dự.

Ông Trần Ngọc Khanh (SN 1951, ngụ xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) cho biết đã gửi đơn khiếu nại đến Sở Y tế tỉnh Bình Thuận, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Bình Thuận về việc xét nghiệp đưa ra kết quả HIV dương tính sai với thực tế, gây tổn thất nặng nề cho cá nhân và gia đình ông.

Trong đơn khiếu nại, ông Khanh đã tường thuật lại gần 1/3 cuộc đời của ông đầy đắng cay khi bị “cáo buộc” nhiễm HIV. Ngày “định” mệnh đó đến với ông là ngày 21/7/1997 khi Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Bình Thuận phối hợp với Bệnh viện huyện Tuy Phong và Trạm Y tế xã Vĩnh Hảo xét nghiệm và xác định ông Khanh bị nhiễm HIV.

Ông Khanh soạn hồ sơ chứng minh mình không bị nhiễm HIV
Ông Khanh soạn hồ sơ chứng minh mình không bị nhiễm HIV

Ông Khanh được chỉ định đi xét nghiệm vì có tiền sử nghiện ma tuý dù ông đã cai nghiện được 2 năm. Tin đồn “nhiễm ết” lan nhanh chóng mặt, từ đó, hàng xóm láng giềng ai cũng biết và xa lánh ông Khanh. Suốt một thời gian dài, ông phải sống vật vờ như người mất hồn vì cái gọi là “căn bệnh thế kỷ”.

Không chỉ mình ông Khanh mà cả gia đình ông cũng bị vạ lây. Ông kể rằng, gia đình ông có 1 sạp báo và đại lý vé số. Từ khi biết ông bị HIV, khách hàng bỏ dần nên phải dẹp sạp báo. Đại lý vé số cũng ế ẩm, bán cầm chừng. Hoàn cảnh kinh tế ngày càng khó khăn, kiệt quệ. Vợ ông một mình xoay xở nuôi 2 con ăn học nhưng cũng bị những ánh mắt dè bỉu, kỳ thị. “Những đau khổ, tủi nhục mà tôi và gia đình đã trải qua thật quá sức chịu đựng. Suốt 19 năm qua, tôi sống như một bóng ma, không dám tiếp xúc với ai”, ông Khanh nói trong ấm ức.

Kể từ khi bị xác định nhiễm HIV ông Khanh chưa hề điều trị. Lúc đầu, Trạm Y tế xã có yêu cầu ông vào Thành phố Phan Thiết nhận thuốc nhưng ông nghĩ “đời mình còn gì đâu nữa” nên ông từ chối.

Ông nhớ có một lần khoảng 5 năm sau ngày bị “mang án tử”, nhân viên y tế trên tỉnh có phối hợp với công an huyện mời ông đến lấy mẫu máu xét nghiệm nhưng sau nhiều lần không lấy được máu, nhân viên y tế bỏ qua và căn dặn ông: “Nếu ai hỏi thì trả lời là đã lấy máu xét nghiệm rồi”. Từ đó đến nay, ông Khanh không hề nhận được bất kỳ sự quan tâm, thăm hỏi gì của ngành y tế.

Tháng 5/2016, nghĩa là sau 19 năm bị “tuyên” nhiễm HIV, ông Khanh ngạc nhiên khi thấy mình vẫn khoẻ mạnh, không hề có biểu hiện gì của một người có “ết”. Ông Khanh lặn lội vào tận TPHCM để đi xét nghiệm lại. Ngày 16/5/2016, kết quả xét nghiệm của Bệnh viện Hoà Hảo cho thấy ông Khanh âm tính với HIV. Khi ấy, ông Khanh như không tin vào mắt mình. Niềm vui dâng trào như người vừa chết đi được sống lại. Để chắc ăn hơn, ông Khanh tiếp tục đến Bệnh viện Nhiệt đới TPHCM, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận và Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Bình Thuận để làm xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm ở 3 nơi này cũng cho ra kết quả ông Khanh âm tính với HIV.

“Sau khi có kết quả âm tính ngay tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Bình Thuận, nơi từng xét nghiệm tôi dương tính với HIV, tôi có gặp một nhân viên y tế của trung tâm này để trình bày, hỏi tìm hồ sơ cũ đã kết luận tôi nhiễm HIV. Lạ thay, cô này cho rằng hồ sơ đã bị huỷ sau 6 tháng nhưng sau đó lại bảo là thời kỳ đó Trung tâm Y tế dự phòng xét nghiệm và lưu giữ”, ông Khanh kể lại.

Ngày 4/6/2016, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Bình Thuận đã gửi văn bản yêu cầu Trung tâm Y tế huyện Tuy Phong và xã Vĩnh Hảo loại bỏ tên ông Khanh ra khỏi danh sách quản lý người nhiễm HIV. Tuy nhiên, việc làm này chỉ là một phần an ủi chứ chưa thấm vào đâu so với những tổn thất nghiêm trọng về danh dự, nhân phẩm, kinh tế và cuộc sống gia đình bị xáo trộn hoàn toàn kể từ ngày ông Khanh nhận được cái bản án vô hình – nhiễm HIV.

Ông Khanh cho rằng, thời điểm năm 1997, việc lấy mẫu xét nghiệm HIV không được khép kín và chặt chẽ như bây giờ. Nhân viên y tế lấy máu nhiều người ở nhiều xã khác nhau rồi tập kết về huyện, sau đó chuyển về tỉnh. “Tam sao thất bổn”, nên ai dám chắc rằng khả năng lộn mẫu máu, sai tên, trùng tên... không xảy ra. Chính sự tắc trách và cẩu thả đó đã đẩy bản thân và gia đình ông Khanh lâm vào cảnh khốn cùng. “19 năm, nghĩa là 1/3 cuộc đời tôi bị mất bởi sự tắc trách và vô cảm của ngành Y tế tỉnh Bình Thuận”, ông Khanh bức xúc.

Đơn khiếu nại ngành Y tế tỉnh Bình Thuận của ông Khanh
Đơn khiếu nại ngành Y tế tỉnh Bình Thuận của ông Khanh

Dù rất vui vì đã thoát “án tử” nhưng ông Khanh vẫn còn băn khoăn và ấm ức vì chưa được trả lại công bằng và cái sai vẫn còn nhở nhơ chưa được giải quyết. Do đó, ông Khanh đã làm đơn đề nghị Sở Y tế tỉnh Bình Thuận và Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS xem xét, giải quyết vấn đề này một cách khách quan, thấu tình đạt lý và phải đền bù thoả đáng danh dự, nhân phẩm, thu nhập mà ông Khanh bị mất suốt 19 năm qua.

Liên quan đến vụ “án oan” nhiễm HIV mà ông Khanh đã phải mang suốt 19 năm qua, Luật sư Nguyễn Thành Công, Giám đốc Công ty Đông Phương Luật, Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng, việc xét nghiệm sai này đã vô ý xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của ông Khanh, khiến ông Khanh phải gánh chịu những thiệt hại về vật chất và tinh thần. Do đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông Khanh thuộc về Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Bình Thuận.

Trong trường hợp này, nếu ông Khanh và Trung tâm này không thương lượng được mức bồi thường thì ông Khanh có thể khởi kiện ra Tòa để yêu cầu Trung tâm này phải bồi thường. Các khoản bồi thường gồm có thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần:

Đối với thiệt hại về vật chất, ông Khanh có nghĩa vụ phải chứng minh các khoản thiệt hại đó là những gì. Đối với thiệt hại về tinh thần, ông Khanh sẽ được bồi thường gồm chi phí để hạn chế, khắc phục thiệt hại và thu nhập giảm sút bị mất hoặc bị giảm sút. Ngoài ra thì còn được bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường (Điều 611 Bộ Luật Dân sự 2005).

Trung Phương – Công Quang