Cái gì cũng vậy, không nên “vơ đũa cả nắm!”

(Dân trí) - Tôi thực sự đau lòng trước những thước phim quay được về sự hành hạ trẻ nhỏ ở nhà giữ trẻ của bà Quảng thị Kim Hoa (TP Biên Hoà).

Các bé có tội tình gì mà phải chịu  sự đối xử tàn bạo như vậy. Bản thân tôi không thể tưởng tượng nổi những hành động của bà Hoa giật tóc bé gái rồi cầm thước kẻ đập vào mặt các bé như vậy. Sao có người phụ nữ đã từng làm mẹ mà nhẫn tâm với trẻ nhỏ đến mức có thể gọi là tàn bạo?! .

Tuy nhiên tôi nghĩ những người trông trẻ được gọi là “bảo mẫu” mà bạo tàn như bà Hoa và gia đình bà ta chỉ là cá biệt trong xã hội vốn được coi là tốt đẹp của chúng ta. Trong khi đó hình như dư luận đang "vơ đũa cả nắm" cho các gia đình làm công việc giữ trẻ.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Có nhiều người vì hoàn cảnh mà phải giữ trẻ để kiếm sống nhưng cũng có nhiều ngưòi làm công việc đó không phải vì tiền mà do những hoàn cảnh khác nữa. Gia đình tôi cũng là một gia đình làm công việc giữ trẻ, tuy nhiên tôi phải cảm ơn các bé vì nhờ có các cháu mà mẹ tôi khi về hưu có việc để làm và đỡ buồn hơn.

Tất nhiên khi quyết định làm công việc này gia đình tôi cũng có mục đích là để kiếm tiền thêm vì lúc mẹ tôi nghỉ hưu thì chúng tôi vẫn còn đang là sinh viên đại học, nhưng khi thực sự làm công việc trông trẻ, tôi thấy ở mẹ tôi không chỉ còn là sự mưu sinh nữa mà làm công việc đó với cả tấm lòng thương yêu trẻ, coi chúng thật sự như con cháu mình. Điều đó là hết sức tự nhiên đối với các cụ đã từng làm cha làm mẹ, làm ông làm bà.

Có lẽ trong chúng ta, nhiều người chưa làm cha làm mẹ, không tưởng tượng nổi trông trẻ vất vả thế nào nếu như bạn không chăm sóc các bé hàng ngày. Mà nếu đã làm bố mẹ, các bạn phải xót con khi các bé bị ngã, bị ốm đau..., nhưng khi bạn đưa các con đi gửi trẻ thì thời gian của bạn ở bên con không thể nhiều bằng người giữ trẻ.

Đã là trẻ nhỏ, các bé phải chơi đùa chạy nhảy, rất khó tránh những lúc con bị ngã đau, phải chăng những khi các bé bị ngã các gia đình đều quy cho người giữ trẻ đánh đập các cháu! Tôi Thấy chạnh lòng nghĩ rằng thật đáng thương cho những người giữ trẻ khi mà chỉ do một con người vô nhân tính với trẻ nhỏ mà bị mang tiếng lây như vậy.

Các bạn cũng không thể hiểu được rằng có nhiều bé ở nhà không chịu ăn gì hết nhưng khi sang nhà người giữ trẻ, bé lại ăn, không những thế còn ăn ngoan, phải chăng chúng ta cũng có thể nói rằng là do bé bị dọa nạt, bị đánh nhiều nên sợ mà phải ăn.

Nhà tôi đã từng trông một cháu như vậy, ở nhà không muốn ăn bất kể cái gì, nhưng sang nhà tôi thi cái gì cũng ăn, kể cả bây giờ những bé khác mẹ tôi trông cũng vậy, ở nhà chỉ ăn rất ít nhưng sang nhà tôi gì cũng ăn; có bé bây giờ đã đi học mẫu giáo nhưng sáng và chiều nào cũng về nhà bà uống sữa vì ở nhà bố mẹ không cho ăn được.

Tôi kể công việc nhà mình không phải do nhà tôi trông trẻ có gì đặc biệt hơn người hay để tự khen gia đình mình nhưng tôi thấy thật là bất công khi dư luận đang chĩa mũi nhọn vào các gia đình giữ trẻ; thông tin đăng tải hàng ngày làm cho các bậc bố mẹ nghi ngờ sự chăm sóc và tình thương của các gia đình giữ trẻ. Chúng ta phê phán một hành động độc ác nhưng không có nghĩa là chúng ta quy chụp cho tất cả. Tôi nói điều nay không phải vô cớ vì dãy nhà tập thể nhà tôi có tới 3 nhà giữ trẻ gia đình nằm sát nhà tôi và các bé đều được chăm sóc chu đáo.

Tôi thấy chúng ta cần có sự nhìn nhận lại toàn bộ sự việc này, gia đình giữ trẻ như gia đình bà Hoa chỉ là 1 con sâu làm rầu nồi canh, xã hội cần có sự giám sát, quản lý chặt chẽ, không thể để sự việc quá tồi tệ xảy ra rồi mới giật mình làm om sòm, đẩy dư luận đến chỗ nhìn nhận thiếu khách quan, thậm chí có thể làm nản lòng những bà bảo mẫu đang làm công việc đó với tất cả tấm lòng yêu thương trẻ của mình chứ đâu phải chỉ vì đồng tiền giữ trẻ nào có to tát gì đâu.

Họ cũng đích thực là những người lao động đấy. Chúng ta phải có lòng tin vào những người lao động vốn cả đời chỉ biết làm ăn lương thiện. Không vì những trường hợp cá biệt nào đó mà niềm tin ấy không còn tồn tại trên cõi đời này nữa. Điều ấy buồn biết bao!

Ngoc Van Vu 
Vu.ngocvan@yahoo.com.vn 

LTS Dân trí - Đúng là nhìn nhận sự viêc nào cũng cần có thái độ khách quan và con mắt nhìn toàn diện, tránh cực đoan và “vơ đũa cả nắm”. Trong tình hình các trường Mầm non theo hình thức bài bản, chính quy chưa đủ đáp ứng nhu cầu gửi trẻ thì các “Nhà trẻ gia đình” đã góp phần đáng kể giải quyết những nhu cầu tại chỗ cho việc giữ trẻ với các hình thức linh hoạt về giờ giấc, ăn một bữa hay hai bữa với những khẩu phần khác nhau. Đúng như tác giả bài viết trên đây đã phản ánh, không ít các nhà trẻ như vậy đã tồn tại, có lương tâm và trách nhiệm, được bố mẹ các cháu tín nhiệm gửi gắm.

Không vì “một con sâu” như nhà trẻ của bà Hoa mà chúng ta có định kiến xấu vói mọi nhà trẻ gia đình, càng không nên loại bỏ hình thức giữ trẻ này, mà điều quan trọng là cần có sự quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ trông trẻ và có định kỳ kiểm tra của phòng giáo dục cũng như cấp chính quyền cơ sở.