Bỗng dưng muốn... cười
Nhìn vào xã hội ta có không ít điều nghịch lý, khiến cho những người có lương tri bỗng dưng muốn... khóc. Nhưng suy ngẫm với thái độ lạc quan hơn, bỗng dưng lại muốn... cười.
Đây không phải là cái cười vui, cười hể hả, mà cười để phê phán, nhằm làm cho người ta tỉnh ngộ, cùng nhau thúc đẩy xã hội tiến lên.
Dưới đây là những sự việc đã và còn có thể diễn ra ở nước ta như một “nghịch lý” đời thường, khiến người ta phải… bật cười vì những điều vô lý không đáng có. Qua cái cười này, biết đâu “người trong cuộc” thấy thấm thía và tỉnh ngộ ra, để tránh sau này không mắc phải nữa. Xin tạm liệt kê những nghịch lý đời thường mà ai cũng có thể thấy:
- Nhà máy Vedan xả nước thải nhiễm độc làm ô nhiễm môi trường mới có... 15 năm mà lúc đó các cơ quan chức năng mới... biết.
Thường xuyên xả độc tố ra môi trường sông nước mà nghe đâu có năm, Vedan còn được cơ quan môi trường địa phương thưởng bằng khen về thành tích bảo vệ môi trường nữa chứ?!
- Cũng liên quan đến bột ngọt ở phía Bắc có nhà máy Miwon, cũng gây ra ô nhiễm nặng nề cho dòng sông Thao, không những thế, khi mở rộng diện tích đất cho sản xuất lại trùm lên cả khu di tích lịch sử dân tộc bị các nhà báo, các nhà khoa học lên tiếng thì tỉnh chủ quản lại chứng minh rằng vùng đất đó không trùng với khu di tích lịch sử để… bảo vệ nguồn thu ngân sách địa phương.
Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn |
- Trong lúc ngành giáo dục nước ta năm nào cũng kêu thiếu giáo viên nhưng sinh viên ngành này tốt nghiệp ra trường lại không biết tìm việc ở đâu và tốn kém ít ra là vài chục triệu để lo lót mới xin được cái chân... làm thầy!?
- Ngành Giáo dục-Đào tạo có “thành tích” mở ra rất nhiều trường đại học cao đẳng, có giai đoạn tính trung bình cứ sau một tuần “ra lò” một trường đại học, cao đẳng. Tính chung trong 2 năm 2005-2007, đã “sản xuất” thêm được 69 trường đại học và cao đẳng mới, đa phần là “đôn” từ trung cấp lên cao đẳng và cao đẳng lên đại học, trong lúc cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ giảng dạy, quản lý vẫn “vũ như cẩn” (VietNamNet, 11/4/2008).
Đến tháng 7/2007, nước ta có đến 325 trường đại học, cao đẳng. Khi kê ra thì mỗi trường có rất nhiều giáo sư, tiến sỹ, nhưng thực kiểm thì kê ra cho vui mà thôi, để dễ thông qua và được duyệt. Khi được hỏi thì các trường nói là số GS, TS kê ra để mà... phấn đấu (Báo Thanh niên, thứ Tư, ngày 5/11/2008).
Thật hết chỗ nói. Trong lúc theo tạp chí Tia sáng ra ngày 3/11/2008, năm học 2007-2008 cả nước có 39.217 giảng viên đại học nhưng chỉ có 5.643 Tiến sỹ, chiếm 14,77% tổng số giảng viên thì lấy đâu ra nhiều tiến sỹ để rải cho đủ các trường
- Trong khi cơ sở vật chất còn yếu kém, trình độ đội ngũ giảng dạy thấp, chất lượng đào tạo không cao thì các trường lại đua nhau tăng học phí ngất ngưởng. Luôn đi tiên phong trong số đó là các trường ngoài công lập ở khắp nơi trên cả nước. (Báo Thanh niên 5/11/2008).
- Chúng ta luôn thiếu nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và tay nghề cao trong khi sinh viên ra trường lại... thất nghiệp. Phải chăng là nhu cầu một đằng đào tạo một nẻo và chất lượng đào tạo mãi lẹt đẹt tận đẩu tận đâu.
- Ngành điện là một trong những ngành “nêu cao” tinh thần cửa quyền, muốn cắt điện ai thì cắt, lại còn kêu lỗ và có dự án nâng giá điện, nhưng tính lại, thì thấy lãi đến 2.763 tỷ đồng, cho nên lại xin được thưởng cho ngành đến hơn một ngàn tỷ đồng.
- Xăng dầu lúc cao điểm thì bắt dân mua đến 19 ngàn đồng một lít, nhưng khi giá dầu thế giới giảm ngót một nửa thì ngành này giảm giá cho dân…đến 4 lần trong một tháng nhưng mỗi lần giảm những… 500 đồng một lít. Và 4 lần giảm được 2.000 đồng, mua được một phần ba mớ rau muống (sau ngập lụt). Eo ôi, hoan hô, cả ngành xăng dầu lẫn ngành hàng… rau muống!
- Ngành y tế lâu lâu lại nêu ra những sáng kiến “chết người”, quy định những người thấp bé, nhẹ cân, ngực lép, mông hẹp..không được đi xe máy. Chao ôi xưa nay chỉ thấy đa số người gây ra tai nạn toàn người phương phi béo tốt, bụng to, ngực nở... thừa tiền nhậu nhẹt nhiều, chứ có ai nói người ngực nhỏ, nhẹ cân là gây tai nạn nhiều đâu.
- Đệ tử của ngành y tế là các bác sỹ kê đơn, “cố gắng” làm khó cho người bệnh bằng việc viết chữ ngoằn ngoèo, khó đọc đến mức các đồng nghiệp và các dược sư cũng bótay.com, để bệnh nhân chỉ có thể mua thuốc của chính người kê đơn mà không có con đường nào để thoát khỏi con đường hầm lợi nhuận. Chao ơi y đức thế ư? Những lời thề của Hypocrat các vị bỏ quên ở đâu.
- Nhiều cửa hàng dược còn cửa quyền định giá thuốc bao nhiêu thì các con dân phải cúc cung cống nạp tiền mà không biết kêu ai khi lúc lâm bệnh đang cần thuốc. Lâu lâu ngành y tế có tổ chức đi kiểm tra, đoàn đi rồi đâu lại vào đó.
- Có những căn bệnh thường niên, biết rồi khổ lắm, nói mãi như năm nào Hà Nội và TPHCM cũng đến hẹn lại lên bài điệp khúc lụt và lội. Thêm nữa ngành giáo dục cứ vào đầu năm học lại kêu thiếu giáo viên, trong lúc thông tin tuyển dụng không rõ ràng là thiếu môn gì nên các sĩ tử ra trường cứ chạy quanh, thất nghiệp vẫn hoàn thất nghiệp.
- Các trung tâm môi giới và cung ứng nguồn nhân lực cũng không niêm yết là thiếu ngành gì, ở đâu một cách rõ ràng khiến cho nguồn nhân lực nước ta đào tạo ra vừa thừa vừa thiếu, gây tốn kém tiền bạc và sức lực cho nhà nước và nhân dân.
…Và còn nhiều sự việc, nhiều hiện tượng đáng…cười mà ngành nào, địa phương nào cũng thấy. Xin độc giả tự liệt kê tiếp…
Người viết bài này hy vọng rằng việc nêu lên những nghịch lý gây ra hiệu ứng “bỗng dưng muốn..cười” cũng là những lời cảnh báo nghiêm túc, được các cơ quan chức năng và các cá nhân có liên quan lắng nghe, tiếp thu và tìm cách sửa chữa để những người dân bớt phiền muộn.
Trần Hồng Lưu
Khoa Mác-Lênin, Đại học Kinh tế Đà Nẵng
LTS Dân trí - Bài viết trên đây nêu ra những sự việc mà nhiều người đã biết và phần lớn đã được đề cập trong các cuộc chất vấn tại kỳ họp Quốc hội vừa qua. Nhưng điểm lại những sự việc đó bằng một giọng châm biếm, hài hước có lẽ đem lại hiệu quả khác hơn, không quen tai như cách phê bình vẫn thường thấy.
Hơn nũa, những hiện tượng và sự việc được nhắc nhở tới là khá phổ biến và lặp đi lặp lại, cho nên cần nói đi nói lại nhiều lần bằng những cách nói khác nhau, mong sao đem lại hiệu quả thiết thực, khắc phục bằng được những “nghịch lý” trong đời thường, không làm cho người dân bị thiệt thòi và “cười ra nước mắt” vì những “nghịch lý” như vậy.