Bồn chồn ngóng tin bão nơi quê nhà

(Dân trí) - Những đau thương mất mát từ cơn bão trước chưa vơi, nay một trận bão dữ khác lại đang đổ về. Những người con xa quê nói riêng và tất cả người dân đất Việt lại một lần nữa cùng hướng về nơi "hứng bão" với bao nỗi âu lo, khắc khoải ...

Nguyễn Văn Đức: ducnguyen3010@gmail.com bày tỏ nỗi lòng của đứa con xa nhà chỉ mong có cánh để bay về giúp cha mẹ cùng bà con chòm xóm nơi quê nhà Hoằng Hóa chống bão lũ: 

 

“Bão lại về nữa rồi. Không biết lúc này bố mẹ mình và người dân có phải chạy lũ không, rồi cái ao cá nhà mình nữa chứ. Nhớ nhà quá đi, nhớ quê hương Hoằng Hóa quá đi, bà con mình ơi. Ước gì lúc này được ở bên mọi người”.

 

Cùng chung tâm trạng, Trương Văn Chất: truongchatlg@gmail.com một mặt động viên cha mẹ, mặt khác mong người dân vùng bão lũ được sự quan tâm nhiều hơn nữa: 

 

“Bố mẹ ở nhà giữ gìn sức khỏe nhé. Bão năm nào cũng có, con thì đi học xa, ở nhà chống bão tốt bố nhé. Mong các bộ ban ngành hãy cứu lấy những người con đất Việt đang bị bão lũ”.
 

Bồn chồn ngóng tin bão nơi quê nhà - 1

Mưa lớn tại thành phố Vinh. (Ảnh: Duy Bắc)
 

Tương tự, người con xa quê Trần Dũng: catbiên3005@gmail.com xót xa:

 

“Học ở HN nhưng đang làm việc tại TPHCM, cũng lo lắm cho quê hương. Nhà ở quê chỉ cách biển bờ biển 30m thôi. Mới năm ngoái vào trung tâm Quỳnh Lưu, năm nay không biết thế nào. Thương quá quê hương. Thương lắm làng Đông Hồi, Quỳnh Lập, Quỳnh Lưu ơi”.

 

Đứng ngồi không yên trước thông tin bão mạnh, Nguyễn Hữu Hùng: cauvongsaumua007@gmail.com liên tục gọi điện cho người thân hỏi cụ thể về tình hình bão lũ, dù báo đài thông báo bão không đi qua huyện quê nhà.

 

“Mình lo quá! Tuy bão không vào chỗ huyện mìn,h nhưng cứ 1h đồng hồ là mình gọi điện về 1 lần hỏi xem tình hình”.

 

Cao Xuan Dan: xuandan20487@gmail.com thở than cho nỗi khổ của miền Trung.

 

“Thương quá miền Trung ơi! Tại sao hàng năm miền Trung lại trải qua nhiều bão lụt đến thế??? Hãy cố gắng lên đồng bào miền Trung nhé! Chúng tôi luôn hướng về miền Trung ruột thịt thân yêu!”.
 
Bồn chồn ngóng tin bão nơi quê nhà - 2

Bão đổ bộ vào huyện Tĩnh Gia với sức gió cấp 7, cấp 8. (Ảnh: Duy Tuyên)

 

“Nghe tin bão lớn con thương Ba vô cùng. Ba đã quá vất vả rồi Ba ơi. Yêu lắm quê hương ơi. Ở đó có rất nhiều người mà con mến yêu đang phải chống chọi với cơn bão dữ. Con không về được, con đau lòng lắm. Cầu chúc quê hương ta thêm giàu đẹp” - Thu Thuỷ  thuykhuc1001@gmail.com  nói lên tình cảm của đứa con xa với người cha, với xóm làng...
 

Võ Văn Cường: Vocung0205@yahoo.com gửi tâm trạng qua những vần thơ mộc mạc:

 

“Chiều nay cơn bão đổ về.

 Lòng con chua xót não nề tim gan.

Quê mình lại tiếp gian nan.

Gồng mình chống lại mười ba cấp liền.

Lại thêm sóng gió biển Đông.

Miền Trung lại gánh bão nhanh mạnh vào.

Con ơi! Con ngủ đi nào.

Mẹ còn đang ngóng bão vào đi chưa?

Thương thay khúc ruột miền Trung.

Bão vào, bão phá, bão đi ... mất nhà”.

 

Chống bão lũ đã hết sức khó khăn và gian khổ rồi, nhưng công tác khắc phục hậu quả sau khi cơn bão đi qua để người dân có thể nhanh chóng bắt nhịp cuộc sống và ổn định sản xuất, còn là  vấn đề khiến nhiều người lo lắng hơn, như nickname tit_mit: tit_mit_2408@yahoo.com trăn trở:

 

“Nhìn ảnh mà khóc không nên lời. Quê nội mình ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa đúng vùng tâm bão, người dân ở đó nghèo lắm. Không biết sau khi bão đi qua mọi người sẽ sống ra sao?” 

 

Là một quốc gia thường xuyên phải đối mặt với nhiều thiên tai, có thể nói mọi người dân VN đều hiểu được thế nào là phải sống chung với bão lũ... Vậy nhưng trước những hậu quả nặng nề sau mỗi mùa bão lụt, dư luận lại nhức nhối câu hỏi lớn: Vì sao chúng ta vẫn không đúc rút được những kinh nghiệm cần thiết, để có biện pháp ứng phó chủ động hơn nhằm hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại cho người dân ở những vùng tâm bão lũ?

 

Bách Thu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm