Bài học còn có tính thời sự từ trận bão số 3 năm 2010

(Dân trí) - Đã gần một năm sau cơn bão số 3 năm 2010 nhưng trong tâm trí của những người dân Nghệ An, địa phương có tâm bão đổ bộ vẫn chưa hết bàng hoàng vì sự tàn phá dữ dội và những thiệt hại nặng nề do cơn bão đầu mùa này gây ra.

Đáng nói là khi soát xét lại những tổn thất nặng nề do cơn bão gây ra, ngoài nguyên nhân khách quan là sự di chuyển nhanh, quần thảo với thời gian dài trên đất liền còn có nguyên nhân xuất phát từ sự chủ quan, lơ là trong công tác phòng và chống bão.

 

Những tổn thất lớn về người và của

 

Theo lời kể của một số người dân đã có tuổi, sống trên địa bàn thành phố Vinh thì dù đã từng chứng kiến nhiều cơn bão có sức gió giật cấp 11, cấp 12, giật trên cấp 12 nhưng hiếm thấy cơn bão nào dữ dội và dai dẳng như cơn bão số 3 vừa qua. Quả vậy, bão số 3 đã gây ra những tổn thất nặng nề cả về người và của đối với Nghệ An.

 

Tính chung tổng thiệt hại do bão số 3 gây ra cho Nghệ An lên đến gần 1000 tỷ đồng. Phải mất rất nhiều thời gian, công sức, chính quyền và người dân nơi đây mới có thể khắc phục được hết những thiệt hại từ cơn bão này gây ra.

 

Bài học còn có tính thời sự từ trận bão số 3 năm 2010 - 1
 

Thiệt hại mà bão số 3 năm 2010 gây ra đối với Nghệ An là rất nặng nề

 

Có một phần lỗi không nhỏ do bệnh chủ quan

 

Dù là cơn bão đầu mùa nhưng bão số 3 năm 2010 là cơn bão mạnh, những tổn thất do thiên tai gây ra là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu công tác phòng chống, đối phó của chính quyền và người dân được chú trọng hơn thì chắc hẳn, những thiệt hại về người và của có thể được giảm thiểu đáng kể. Từ sáng ngày 24/8/2010, mưa đã bắt đầu to, gió đã bắt đầu thổi mạnh nhưng nhiều người dân vẫn có tư tưởng cho rằng: “bão đang ở đâu đó trên biển” nên không chằng buộc nhà cửa chắc chắn, phát quang những cành cây to gây nguy hiểm.


Đặc biệt, có không ít hộ dân ở các huyện ven biển nơi tâm bão sắp tràn qua như: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc vẫn còn “bình chân như vại” khi cho rằng: đã hơn 10 năm nay, không có cơn bão nào thực sự mạnh đổ bộ vào Nghệ An. Thậm chí còn xuất hiện một số người lớn và trẻ em đi vớt củi, đánh bắt cá. Trường hợp chết đuối thương tâm của cháu Nguyễn An Khánh ở xóm Tân An, xã An Hoà, huyện Quỳnh Lưu là một ví dụ.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, bão số 3 năm 2010 đã làm 3 người chết, 6 người bị thương. Toàn tỉnh có 317 ngôi nhà bị đổ sập, 24320 nhà bị tốc máị, chìm 32 tàu thuyền đánh cá, hơn 40000 ha lúa và rau màu bị đổ, 206 nghìn m3 đê điều, hồ đập, kênh mương và gần 170 nghìn m3 đường giao thông bị sạt lở…

Một ngày trước khi bão đổ bộ vào đất liền, các phương tiện thông tin đại chúng như: tivi, báo, đài… đã có đưa tin về cơn bão để người dân nắm chắc tình hình, tìm các biện pháp tránh bão nhằm hạn chế tối đa thiệt hại. Mặc dầu vậy, hệ thống loa phát thanh ở các khối, xóm, xã, phường trong tỉnh đã không phát huy hết được hiệu quả. Nhiều người dân không xem tivi, nghe đài, đọc báo nên không biết được đường đi, hướng di chuyển cũng như khả năng đổ bộ vào đất liền của bão.

Trên các cánh đồng, ở một số thửa ruộng lúa đã chín đến 80-90% nhưng khi bão sắp đổ bộ trước một ngày, nhiều người dân vẫn ngần ngừ không chịu ra đồng thu hoạch, thực hiện phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Ở Tp. Vinh, khi bão sắp đổ bộ, trên các tuyến đường, nhiều người dân vẫn thản nhiên lưu thông bất chấp mưa to, gió lớn, các tuyến xe buýt mãi đến 14h ngày 24/8/2010 mới chịu ngừng hoạt động.

Cũng do chủ quan trong công tác phòng chống bão nên hàng nghìn cây xanh trong công viên, công sở và trên các tuyến đường, trong đó có nhiều cây cổ thụ đã bị gió mạnh quật đổ. Ở nhiều cơ quan công sở, trường học cũng không có sự chuẩn bị chu đáo, chủ động trong việc phòng chống bão. Nhiều cơ quan không phân công người trực chống bão nên rất nhiều tấm tôn lợp, cửa kính, mái che đã bị gió cuốn, đánh vỡ gây hậu quả lớn.

Trên nhiều tuyến đường trong TP. Vinh, hệ thống thoát nước không phát huy hết tác dụng do không được nạo vét kịp thời. Trước, trong và sau bão, mưa to xối xả khiến cho nhiều tuyến đường ngập chìm trong nước, nước còn tràn cả vào nhà dân ở những nơi trũng, thấp, gây hư hại các vật dụng trong nhà.

Cơn bão số 3 năm 2010 cũng gây ra những hậu quả nặng nề đối với ngành điện. Gió mạnh đã làm ngã đổ 7771 cột điện cao thế và hạ thế, gây ra tình trạng mất điện trên diện rộng. Sau khi bão tan 3-4 ngày, nhiều nơi vẫn chưa có điện. Giá như khi được tin sắp phải đón cơn bão mạnh, ngành điện chủ động hơn trong việc chằng chống kịp thời những cột điện có nguy cơ ngã đổ thì chắc chắn số lượng các cột điện bị bão “hạ đo ván” sẽ không nhiều đến vậy.

 

Và những bài học

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Để đối phó với thiên tai thì công tác “phòng” và “chống” phải đi liền nhau. Trong cơn bão số 3 năm 2010, ở Nghệ An, nhiều người dân và các cấp chính quyền đã không chủ động “phòng” nên khi bão đổ bộ vào thì việc “chống” bão tỏ ra kém hiệu quả. Nghệ An vốn là địa phương phải hứng chịu nhiều cơn bão mạnh thì công tác chủ động phòng và chống bão lẽ ra cần phải luôn luôn được thực hiện nghiêm túc. Trong thời gian tới, cùng với việc khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 năm 2010 gây ra, mỗi người dân cần thấm thía hơn bài học về tinh thần cảnh giác trước thiên tai bất thường.

Trước mỗi cơn bão có nguy cơ đổ bộ, người dân cần phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần và đủ để có thể “sống chung” với bão trong tâm thế chủ động nhất. Muốn vậy, ngoài ý thức của mỗi người dân, các cấp chính quyền, các ngành chức năng cần phải thực sự bắt tay vào công tác phòng chống bão một cách tích cực, chủ động. Bắt đầu từ những việc tưởng nhỏ mà không hề nhỏ như đôn đốc người dân phát quang, chặt bớt những cành cây to trên các tuyến phố vào đầu mùa mưa bão hay việc soát xét lại hệ thống thoát nước…

Hiện mùa mưa bão đang sắp bước vào giai đoạn cao điểm, Nghệ An và các tỉnh khác trong nước có thể phải đối mặt với nhiều cơn bão mạnh khác trong thời gian tới. Do đó, chủ động, nâng cao tinh thần cảnh giác trong công tác phòng chống bão lũ là bài học quan trọng cần được thấm nhuần.

 Bùi Minh Tuấn

(Giáo viên trường THPT Kim Liên - Nam Đàn - Nghệ An)

 

LTS Dân trí-Những năm gần đây, do hoạt động hủy hoại môi trường của con người,  khí hậu toàn cầu diễn biến phức tạp và có chiều hướng ngày càng xấu đi một cách bất thường.

 

Ở nước ta, cũng thấy rõ tình trạng như vậy, cho nên một mặt cần tích cực bảo vệ môi trường, không phá rừng và thải những chất độc hại ra môi trường; mặt khác cần chủ động phòng chống bão lũ, không để xảy ra thiệt hại nặng nề như tỉnh Nghệ An qua cơn bão số 3 năm 2010 mà bài viết trên đây đã phản ảnh.