3 phút cùng luật sư:
Bỏ rơi con sơ sinh là tội ác, có thể bị truy tố hành vi "Giết người"
(Dân trí) - Hành vi bỏ rơi con hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng hoặc bị truy tố trách nhiệm hình sự với tội danh cao nhất là giết người.
Sinh là được một đứa bé là điều hết sức thiêng liêng, nhưng có không ít trường hợp vì chưa sẵn sàng với việc làm cha mẹ nên đã có hành động bỏ rơi con cái của mình. Đây có phải là một hành vi vi phạm pháp luật?
Để trả lời cho câu hỏi này, mời bạn đọc cùng gặp gỡ Luật sư Nguyễn Đức Chánh - Giám đốc Công ty Luật TNHH DC Counsel để được giải đáp.
Thưa luật sư, hành vi sinh con ra nhưng không nuôi dưỡng mà bỏ con ở chùa, ở các trung tâm trẻ mồ côi hoặc ở gia đình khác có bị xem là vi phạm pháp luật không?
L.s Nguyễn Đức Chánh: Hành vi bỏ rơi con là hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể, theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật Trẻ em 2016 thì hành vi “Bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em” là một trong hành vi bị nghiêm cấm.
Còn theo quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì cha mẹ có nghĩa vụ yêu thương, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con.
Có không ít người nhẫn tâm đã không tìm nơi an toàn bỏ con mà bỏ con ở những nơi nguy hiểm, như sự việc người mẹ bỏ con ở hố ga. Lúc này mức hình phạt có tăng nặng hơn không thưa luật sư? Nếu có thì khung hình phạt cụ thể như thế nào?
L.s Nguyễn Đức Chánh: Hành vi “Bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh” hoặc “Cha, mẹ; người giám hộ cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.” sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng theo khoản 1 Điều 22 Nghị định 144/2013 của Chính phủ.
Biện pháp khắc phục hậu quả là Buộc thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật đối với cha, mẹ, người giám hộ có hành vi vi phạm.
Trong trường hợp chẳng may, đứa trẻ bị bỏ rơi tử vong thì lúc này người bỏ rơi con sẽ bị xử lý thế nào theo quy định pháp luật thưa luật sư?
L.s Nguyễn Đức Chánh: Nếu như trong trường hợp chẳng may đứa trẻ bị chết khi bỏ rơi thì trách nhiệm của các bậc cha mẹ được phân ra các trường hợp như sau:
- Nếu như đứa trẻ bị bỏ rơi chưa được 7 ngày tuổi và người thực hiện hành vi là người mẹ, thì người mẹ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vứt bỏ con mới đẻ theo khoản 2 điều 124 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Theo đó, người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
- Nếu đứa trẻ bị bỏ rơi trên 7 ngày tuổi hoặc người thực hiện hành vi vứt bỏ con
không phải là người mẹ thì tùy vào việc xác định mức độ lỗi của người bỏ rơi con có thể cấu thành Tội giết người theo điều 123 BLHS 2015 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hoặc Tội Vô ý giết người theo điều 128 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).