Bố đi tù, mẹ bỏ đi, ông bà nội có thể khai sinh cho cháu không?
(Dân trí) - Hàng xóm của tôi là ông bà đã 80 tuổi, đang chăm sóc cháu nội 4 tuổi. Hiện tại cháu bé vẫn chưa có giấy khai sinh, cha mẹ cháu cũng chưa đăng ký kết hôn mà bố đi tù, mẹ đã bỏ đi 2-3 năm rồi.
Gia đình vẫn còn giấy chứng sinh của cháu, vậy ông bà nên làm như thế nào để có thể đăng ký khai sinh cho cháu bé?
Trả lời
Luật sư Trần Thị Hiền, Văn phòng luật sư Đồng đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, quyền được khai sinh là một trong những quyền nhân thân quan trọng của trẻ em không chỉ được luật quốc tế quy định và bảo vệ mà pháp luật nước ta cũng thể chế hóa quyền khai sinh này.
Theo đó, căn cứ tại Điều 13 Luật trẻ em 2016 quy định "Trẻ em có quyền được khai sinh, khai tử, có họ, tên, có quốc tịch; được xác định cha, mẹ, dân tộc, giới tính theo quy định của pháp luật" và Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định "Cá nhân kể từ khi sinh ra có quyền được khai sinh".
Căn cứ tại khoản 1 Điều 15 Luật hộ tịch 2014 quy định, trong trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho cháu. Vậy nên, trong trường hợp bạn cung cấp, ông bà hoàn toàn có thể đăng ký khai sinh cho cháu theo quy định pháp luật.
Cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh theo quy định tại Điều 13 Luật hộ tịch 2014 là Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ. Trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thì Ủy ban nhân dân cấp xã tại nơi trẻ đang sinh sống có thẩm quyền đăng ký khai sinh cho trẻ theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP.
Theo thông tin bạn cung cấp thì gia đình cháu bé vẫn còn giấy chứng sinh theo quy định. Trong trường hợp này phải xác định xem trong giấy chứng sinh có nơi cư trú của bố hoặc mẹ cháu bé không để cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét, xác minh thông tin của bố hoặc mẹ.
Nếu có thông tin của bố mẹ thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác minh thông tin để thực hiện đăng ký khai sinh cho cháu. Vậy nên, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm phải xác minh thông tin cư trú của người bố hoặc mẹ trong giấy chứng sinh để có thể thực hiện các thủ tục tiếp theo.
Nếu có thể, gia đình hãy liên lạc với mẹ của cháu bé, để người này cung cấp thông tin hoặc thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh. Trường hợp không liên lạc được thì ông bà có thể xin xác nhận từ phía công an xã, xác nhận người mẹ không sinh sống tại địa phương và có văn bản gửi đề nghị xác định nơi cư trú của người mẹ theo địa chỉ trên giấy chứng sinh hoặc thông tin trên giấy tờ cá nhân của người mẹ.
Đối với người cha, hiện tại đang thi hành án phạt tù nên không có thể mặt khi đăng ký thủ tục nhận cha con cũng như đăng ký khai sinh cho con theo khoản 1 Điều 25 Luật hộ tịch 2014. Vậy nên, Công chức tư pháp - hộ tịch có thể thực hiện đăng ký khai sinh lưu động trong trường hợp cần thiết căn cứ tại khoản 2 Điều 15 Luật hộ tịch.
Để đăng ký khai sinh lưu động cần thỏa mãn điều kiện khi cha mẹ bị bắt, tạm giam hoặc đang thi hành án phạt tù mà không còn ông bà nội, ngoại và người thân thích khác hoặc những người này không thể đi đăng ký khai sinh cho trẻ thì UBND cấp xã tiến hành đăng ký khai sinh lưu động theo khoản 1 Điều 24 Thông tư 04/2020/TT-BTP.
Từ vụ việc nêu trên, Luật sư khuyến cáo, cha mẹ hãy đi đăng ký khai sinh cho con trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con. Đây là sự kiện pháp lý xác định sự ra đời, tồn tại của mỗi cá nhân. Việc đăng ký khai sinh cho trẻ có ý nghĩa pháp lý quan trọng, chứng minh nhân thân của mỗi cá nhân từ khi sinh ra.
Hiện nay pháp luật chưa quy định về chế tài xử phạt trong trường hợp đăng ký khai sinh cho con muộn, tuy nhiên, hành vi đăng ký khai sinh muộn cho con sẽ để lại những mối quan hệ pháp lý khi con lớn lên, ví dụ như trường hợp nêu trên khi đăng ký cho cháu đi học thì giấy khai sinh là giấy tờ quan trọng.
Nếu không có giấy khai sinh, cháu sẽ không được đến trường như bao bạn học khác. Điều này tạo cho cháu bé những mặc cảm, tự ti về bản thân, ảnh hưởng đến sự phát triển của cháu bé. Vậy nên cha mẹ hãy có trách nhiệm với con của mình để đảm bảo con được hưởng đầy đủ các quyền lợi theo quy định pháp luật.
Mặc dù pháp luật không quy định nhưng nếu sau khi được cán bộ hộ tịch giải thích người dân không hiểu được thủ tục đăng ký khai sinh thì có thể làm đơn đề nghị gửi tới cán bộ hộ tịch để họ trả lời bằng văn bản nhằm hỗ trợ người dân thực hiện đúng và nhanh chóng thủ tục đăng ký khai sinh cho con, cháu.