Bình luận sai, xúc phạm người khác trên mạng xã hội có bị phạt không?

Khả Vân

(Dân trí) - "Trước giờ tôi thấy các bài viết đăng tải nội dung sai sự thật sẽ bị xử phạt. Vậy một cá nhân viết bình luận sai sự thật, gây kích động vào các bài viết trên mạng xã hội có bị xử phạt không?".

Trả lời:

Qua rà soát trên không gian mạng, ngày 22/9, Công an huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang phát hiện tài khoản facebook "Long Nguyen" bình luận (comment) với những từ ngữ xúc phạm lực lượng công an vào bài viết trên trang mạng xã hội.

Công an huyện Tân Yên đã rà soát, xác định chủ tài khoản là N.V.L. (SN 1970), trú tại xã Lan Giới, huyện Tân Yên. Làm việc với công an, N.V.L. thừa nhận sử dụng tài khoản facebook của cá nhân mang tên "Long Nguyen" bình luận nội dung xúc phạm lực lượng công an.

Cơ quan Công an đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với N.V.L. về hành vi "Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự nhân phẩm của cá nhân". Đồng thời tham mưu Ban Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với N.V.L số tiền phạt là 7,5 triệu đồng.

Bình luận sai, xúc phạm người khác trên mạng xã hội có bị phạt không? - 1

Công an tỉnh Bắc Giang đã lập biên bản xử phạt trường hợp vi phạm dùng mạng xã hội xúc phạm lực lượng Công an (Ảnh: An ninh thủ đô).

Trước đó, đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Cà Mau đã phát hiện một tài khoản facebook có tên "Tai Xế Đời" cung cấp thông tin sai sự thật bằng cách bình luận vào một bài viết với nội dung: "Có về tới Cà Mau rồi đang nhậu trong vuông tôm". Khi có người hỏi "không cách ly ở huyện hay Cà Mau à" thì L. tiếp tục trả lời: "Mình về không ai biết mà, im ru nên không đi cách ly đâu hết".

Nội dung đoạn comment đã khiến nhiều người cho rằng chủ nhân tài khoản này về Cà Mau nhưng trốn, không khai báo y tế, cách ly theo quy định dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Qua công tác nghiệp vụ, cơ quan công an xác định chủ tài khoản "Tai Xế Đời" là L.T.C. (39 tuổi) hiện đang sống tại TPHCM chứ không có ở Cà Mau như thông tin nói trên. Theo Công an tỉnh Cà Mau, chủ tài khoản này đăng thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong người dân và ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch Covid-19 của địa phương.

Từ đó, Công an tỉnh Cà Mau đề nghị Công an TPHCM phối hợp điều tra, xử lý đối tượng L.T.C.

Bình luận sai, xúc phạm người khác trên mạng xã hội có bị phạt không? - 2

Thông tin đăng tải trên mạng xã hội của đối tượng L.T.C. (Ảnh: Cổng TT Công an Cà Mau).

Bình luận sai sự thật, xúc phạm các cá nhân, tổ chức... cũng sẽ bị xử phạt nghiêm! 

Luật sư Nguyễn Thị Xuyến, Đoàn Luật sư TP Hà Nội khẳng định: Việc cá nhân viết các nội dung bình luận (comment) chia sẻ quan điểm, thông tin vào các bài viết trên mạng xã hội, cũng sẽ bị xử phạt như hành vi viết bài, đăng tải bài viết có nội dung chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân...

Theo đó, tùy vào hành vi khách quan, khách thể, chủ thể của hành vi phạm tội cũng như hậu quả do hành vi đó gây ra mà Bộ luật Hình sự 2015 điều chỉnh, quy định trong nhiều điều luật với các tội phạm cụ thể như: Tội vu khống (Điều 156); Tội làm nhục người khác (Điều 155); Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác (Điều 159); Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước (Điều 337); Tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước; tội làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước (Điều 338); Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác (Điều 361); Tội vô ý làm lộ bí mật công tác; tội làm mất tài liệu bí mật công tác (Điều 362)…

Tuy nhiên, theo Khoản 2 Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015 quy định "Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác". Theo đó, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử có thể coi là một trong những bước cụ thể hóa quy định của Khoản 2 Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015 đảm bảo chặt chẽ, pháp luật điều chỉnh tất cả các hành vi có dấu hiệu phạm tội ở mức độ khác nhau.

Khi có hành vi cụ thể xảy ra, dựa trên tính chất, mức độ của hành vi và hậu quả, tác hại do hành vi đó gây ra, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự 2015, Nghị định 15/2020/NĐ-CP để đánh giá và có hình thức xử lý phù hợp.

Nội dung đáng chú ý trong Nghị định số 15/2020/NĐ-CP là quy định rõ mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội. Cụ thể, Điều 101 của Nghị định quy định: Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc.

Các hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn cũng bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.