Bình Định: Rừng phòng hộ bị băm vằm, kiểm lâm ở đâu?
(Dân trí) - Hiện nay, nhiều khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn hồ chứa nước Đá Vàng và hồ Cây Thích (thuộc xã Phước Thành, huyện Tuy Phước, Bình Định) đang bị chặt phá để hầm than, trồng rừng kinh tế. Song ngành chức năng địa phương chưa có biện pháp xử lý hiệu quả.
Phá rừng để hầm than ?
Theo ghi nhận, tại khu vực giữa rừng phòng hộ hồ Đá Vàng và Cây Thích (xã Phước Thành, huyện Tuy Phước), tiếng cưa máy vẫn hoạt động, trong khi đó nhiều diện tích cây rừng ở đây đã bị cưa hạ. Tại đây, nhiều khúc củi, gỗ lớn nhỏ khác nhau được cắt thành từng khúc nằm ngổn ngang, gốc, cành cây còn tứa nhựa tươi. Đi sâu vào khoảng 200m, chúng tôi phát hiện một lò hầm than có chiều sâu khoảng 1,2m; rộng và dài 2m. Hầm này đã được gom than đưa xuống núi tiêu thụ, xung quanh than thành phẩm còn vương vãi khắp nơi. Cách đó, khoảng 100m thì tiếp tục chứng kiến nhiều cây gỗ có đường kính 10-20cm bị cưa sát gốc.
Theo anh Nguyễn Văn Th., người dẫn đường, khu vực rừng bị chặt phá nhiều nhất có tục danh núi Đá Đen, hố Cây Xoài, nằm phía Tây lòng hồ Cây Thích và khu vực Tây Nam - nơi giáp ranh giữa rừng phòng hộ hồ Đá Vàng với hồ Cây Thích. Anh Th. cũng cho biết nạn chặt phá rừng đốt than diễn ra âm ỉ từ tháng 2/2017 đến nay. Mỗi ngày có cả chục người chủ yếu là dân ở các xã Canh Vinh (huyện Vân Canh), xã Phước Thành và xã Phước An (huyện Tuy Phước) vào rừng chặt gỗ hầm than để đem xuống núi bán.
Không chỉ việc chặt phá rừng hầm than mà các đối tượng xâm canh để trồng cây keo lai. Cụ thể, tại khu vực rừng phía Tây Nam rừng phòng hộ hồ Cây Thích hoặc phía Nam hồ Đá Vàng, nếu chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” thì hẳn nhìn khu rừng còn nguyên sinh rập rạp, nhưng thực tế đó chỉ là lớp vỏ bọc bên ngoài. Đi sâu vào bên trong khu vực rừng này, chúng tôi ghi nhận được khoảng 10 vị trí rừng bị triệt hạ để trồng keo, mỗi nơi rộng chừng 1.000-2.000m2. Nhiều diện tích keo lai ở độ tuổi từ 1-3 năm.
Theo ông Th., hiện nay những người phá rừng phòng hộ ở đây không khai thác theo kiểu cuốn chiếu, quy mô lớn hàng chục héc ta như trước đây mà khai thác diện tích nhỏ. Lựa chọn, những khoảnh rừng tương đối bằng phẳng, các đối tượng phá rừng phá trắng 1.000 - 2.000m2, sau đó cứ cách quãng vài trăm mét chúng lại phá một khoảnh khác. “Sở dĩ các đối tượng phá rừng chọn phương án này là bởi sau khi dọn lấy gỗ lớn, đốt sạch thực bì, chúng trồng cây lâm nghiệp, xem như rẫy của cá nhân”- ông Th, giải thích.
Cứ như vậy, từ những khoảnh rừng trong rừng phòng hộ bị biến thành rẫy, rừng trồng kinh tế… chẳng mấy chốc khoảnh rừng đầu nguồn bị thu hẹp dần.
Lại điệp khúc lực lượng mỏng, địa bàn rộng ?
Ông Lê Văn Đồng, Chủ tịch UBND xã Phước Thành, thừa nhận: Nạn phá rừng đốt than, trồng rừng kinh tế ở địa phương là có, nhưng đã giảm. Đầu năm 2017 đến nay, xã phối hợp với lực lượng kiểm lâm phụ trách địa bàn tổ chức 4 đợt truy quét, đập phá một số lò than. Tuy nhiên, công việc này hiện gặp không ít khó khăn do đối tượng vi phạm hoạt động về khuya, vận chuyển tang vật bằng đường rừng và cử người theo dõi khi lực lượng chức năng tổ chức truy quét. Vì vậy, khi phát hiện có lực lượng kiểm lâm hoặc cán bộ quản lý, bảo vệ rừng thì nhanh chóng tẩu táng tang vật, rút sâu vào rừng ẩn nấp. Trong khi đó, lực lượng ở địa phương mỏng, địa bàn rừng phân bố rộng nên chưa thể bố trí lực lượng túc trực, tuần tra, kiểm soát 24/24.
“Để hạn chế nạn phá rừng đốt than, trồng rừng kinh tế, thời gian tới xã phối hợp với lực lượng kiểm lâm đẩy mạnh việc tuần tra, truy quét với tần suất 2 lần/tháng. Đồng thời, kết hợp với tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân sống ở khu vực gần rừng nâng cao ý thức, bảo vệ rừng. Đối với diện tích rừng bị chặt phá, trồng rừng kinh tế thời gian tới xã bố trí lực lượng nhổ bỏ tất cả” - ông Đồng cho hay.
Theo người dân địa phương, thực trạng phòng hộ đầu nguồn quanh khu vực lòng hồ Đá Vàng và hồ Cây Thích đang ngún dần trong các lò than hoặc đang bị xẻ thịt để trồng cây keo lai. Tình trạng này diễn ra không phải chỉ trong một vài ngày mà kéo dài vài tháng. Thế nhưng, các ngành chức năng và chính quyền địa phương vẫn chưa tìm ra giải pháp ngăn chặn hiệu quả.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Thanh Hải, Hạt Phó Hạt kiểm lâm liên huyện Tuy Phước - Quy Nhơn, cho rằng: “Rất khó phát hiện các đối tượng phá rừng đốt than vì các đối tượng này hoạt động rất tinh vi. Họ cử người theo dõi, thấy động là điện thoại tẩu tán tang vật ngay. Vì vậy, đến nay chưa có đối tượng vi phạm nào được bắt tận tay, xử lý theo quy định của pháp luật, chủ yếu xử lý theo hướng vô chủ”.
Trong khi đó, liên tiếp trong 2 ngày 13 và 14/5, trong suốt thời gian thâm nhập thực tế ở nhiều trong khu rừng phòng hộ Đá Vàng và hồ Cây Thích, phóng viên không thấy bóng dáng lực lượng kiểm lâm hoặc cán bộ, nhân viên quản lý, bảo vệ rừng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát. Trong khi, các đối tượng phá rừng vẫn ngang nhiên sử dụng cưa máy để hạ cây rừng đưa vào các lò than.
Doãn Công