Bình Định: Dân tố doanh nghiệp xẻ núi lấy đất bán trái phép, xã có tiếp tay?

(Dân trí) - Dù chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, nhưng UBND xã Bình Hòa (huyện Tây Sơn, Bình Định) tự ý cho các doanh nghiệp đưa phương tiện cơ giới vào khu vực núi Thơm để khai thác đất. Nghi ngờ doanh nghiệp lấy đất để bán nên người dân phản ánh, nhưng địa phương lại ngó lơ (!?).

Bình Định: Dân tố doanh nghiệp xẻ núi lấy đất bán, xã có tiếp tay?

Tự do xẻ núi lấy đất

Núi Thơm ở xã Bình Hòa (huyện Tây Sơn, Bình Định) có diện tích hơn 1ha. Đây vốn là ngọn đồi rộng lớn, thế nhưng sau thời gian dài bị “xẻ thịt”, nhiều khu vực của ngọn đồi trở nham nhở, tan hoang. Ghi nhận của PV Dân trí, tại hiện trường khu vực núi Thơm cho thấy, hoạt động khai thác đất trái phép ở đây chỉ mới diễn ra vài giờ đồng hồ, dấu vết đất khai thác còn mới. Tại khu vực núi bị khai thác có 2 xe máy đào nhưng ngừng hoạt động. Ước lượng bằng mắt thường, có đến hàng trăm mét khối đất, đá đã bị doanh nghiệp khai thác trái quy định pháp luật. Thế nhưng, một điều lạ lùng, chính quyền xã Bình Hòa lại không có biện pháp ngăn chặn kip thời dù người dân nhiều lần phản ánh.

Doanh nghiệp vào khai thác đất tại núi Thơm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Doanh nghiệp vào khai thác đất tại núi Thơm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Theo một người dân ở thôn Kiên Thạnh (xã Bình Hòa) cho biết doanh nghiệp khai thác đất trái phép ở núi Thơm diễn ra từ lâu và chủ yếu hoạt động vào ban đêm. Quá trình khai thác đất thường diễn ra từ 18 giờ đến 23 giờ đêm, thậm chí có hôm doanh nghiệp làm tới sáng hôm sau.

“Họ huy động 4 - 5 xe máy đào với khoảng 10 xe ben Chiến Thắng để khai thác đất. Nghe nói doanh nghiệp lấy đất để san nền cho công trình địa phương, nhưng chúng tôi thấy lạ ở chỗ, việc lấy đất chỉ diễn ra vào ban đêm. Nếu lấy đất để phục phụ các công trình địa phương sao phải làm vào ban đêm. Tôi có nghe một số bà con nói, số ít đất được lấy để đổ san nền cho công trình tại địa phương, số nữa được lái xe chở về các lò gạch trong huyện”, vị này nói.

Áp lực xây dựng nông thôn mới?

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Đào Văn Sang - Chủ tịch UBND xã Bình Hòa (huyện Tây Sơn), thừa nhận có tình trạng khai thác đất không đúng quy định xảy ra tại núi Thơm nhưng trả lời lòng vòng. “Đó là trước đây thôi! Từ sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đến nay, hoạt động lấy đất trái phép không còn”, ông Sang khẳng định.

Xe chở đất làm hư hỏng cầu nông thôn.
Xe chở đất làm hư hỏng cầu nông thôn.

Thế nhưng, khi phóng viên cung cấp hình ảnh về hiện trường vụ khai thác đất tại núi Thơm, ông Sang lại lý giải: “Do thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, vừa qua xã triển khai thi công một số dự án, hạng mục về công trình giao thông thủy lợi nội đồng. Tuy nhiên, tận dụng nguồn đất sẵn có để hạ giá thành xây dựng công trình, địa phương có cho doanh nghiệp tận dụng đất để thực hiện việc san nền”.

Vấn đề đáng nói là việc khai thác đất khi chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép, gây thất thoát đến tài nguyên, ông Sang thừa nhận việc chưa có sự đồng ý của cơ quan thẩm quyền là sai. “Về mặt quản lý nhà nước chúng tôi không phải không biết, thế nhưng đây là làm những công trình địa phương, phục vụ nhân dân”, ông Sang nói.

Theo ông Sang, Công ty TNHH Xây dựng Thuận Hảo là đơn vị cuối cùng lấy đất tại khu vực núi Thơm. Hiện nay, đơn vị này chỉ lấy ít đất cho một số công trình kênh mương nội đồng, nhưng cách đây cũng đã vài tháng. “Thời gian qua, ở núi Thơm có khá nhiều doanh nghiệp vào lấy đất, nhưng chỉ để phục vụ công trình. Doanh nghiệp nào được xã hợp đồng dự án thì có tận dụng đất để phục vụ san nền, chứ không có chuyện doanh nghiệp lấy đất để bán cho các lò gạch như dân phản ánh, nếu có chuyện này chúng tôi sẽ cho cán bộ về kiểm tra xử lý, chứ hiện tại tôi chưa nghe”, ông Sang nói.

Cơ quan chức năng nói rằng việc khai thác đất trái phép ở núi Thơm là do áp lực xây dựng công trình nông thôn mới.
Cơ quan chức năng nói rằng việc khai thác đất trái phép ở núi Thơm là do áp lực xây dựng công trình nông thôn mới.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Đỗ Văn Sỹ - Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho biết: “Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, UBND xã Bình Hòa có xin tỉnh cho mỏ đất làm bãi vật liệu để san lấp công trình khu dân cư, trường mẫu giáo ở thôn Trường Định và chợ Bình Hòa. Bãi vật liệu này nằm tại khu vực núi Thơm và nằm giáp ranh với vùng đất quốc phòng. Tuy nhiên, khi thực hiện lấy đất thì Cơ quan Quân sự huyện xuống kiểm tra, có phát hiện doanh nghiệp xâm lấn qua diện tích đất quốc phòng. Huyện chỉ đạo bộ phận chuyên môn xuống kiểm tra thì phát hiện các doanh nghiệp lấy đất đã xâm phạm vào diện tích đất quốc phòng 727m2. Sai phạm này xuất phát từ sự nhầm lẫn của cán bộ địa chính ở xã Bình Hòa trong quá trình cắm mốc, giao đất cho doanh nghiệp”.

Ông Sỹ cũng cho rằng, UBND tỉnh mới cho chủ trương quy hoạch bãi vật liệu tại núi Thơm, chứ chưa hề cấp phép nhưng xã để các doanh nghiệp vào khai thác đất là sai phạm. Tuy nhiên, việc này một phần cũng do địa phương bị áp lực về tiến độ thi công công trình nông thôn mới.

Doãn Công

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm