Bình Định: Một triền núi, cả tá doanh nghiệp chia nhau “xẻ thịt”?
(Dân trí) - Các doanh nghiệp chia nhau khai thác, băm vằm từng triền núi Triều Sơn (thuộc huyện Tuy Phước và thị xã An Nhơn, Bình Định). Việc khai thác đá rầm rộ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, thế nhưng chính quyền địa phương dường như chưa nghe, chưa thấy (!?).
Ám ảnh sống bên “họng mìn” phá núi…
Theo những lão làng đến định cư, sinh sống ở vùng đồi núi Triều Sơn từ 40 năm trước thì nơi đây là vùng núi cao có cây rừng xanh ngát, không khí trong lành và yên tĩnh. Thế nhưng, bây giờ thì tan hoang, tình trạng khai thác đá diễn ra rầm rộ với quy mô rất lớn.
Ông Phạm Hồng Thiện (81 tuổi, ở xóm Nam, khu vực Phú Sơn, thị xã An Nhơn, Bình Định), bức xúc kêu trời không thấu: “Chẳng biết doanh nghiệp ở đâu ra mà mọc đầy núi, tràn lan khai thác đá làm đảo lộn cuộc sống của dân làng. Các doanh nghiệp chỉ biết chạy theo lợi ích, chứ chẳng quan tâm đến môi trường, đến cuộc sống người dân”.
Theo ông Thiện, tình trạng các doanh nghiệp khai thác đá ồ ạt gây ô nhiễm khói, bụi, hóa chất, tiếng ồn; đường sá bị các xe ben, xe tải cày nát; mùa mưa doanh nghiệp lợi dụng suối để xả thải đất, đá xuống tràn vào ruộng đồng, nhà dân. Nguy hiểm nhất là khi doanh nghiệp cho nổ mìn phá đá làm rung chuyển, khiến nhà cửa của dân bị rạn nứt…
Bà Lê Thị Nhàn (80 tuổi, ở cùng xóm), bức xúc nói thêm: “Gia đình tôi ám ảnh mỗi khi doanh nghiệp bắn mìn quá lớn làm nhà cửa nứt hết. Mỗi khi doanh nghiệp nổ mìn nhà chúng tôi rung chuyển như nhấc lên hạ xuống. Mỗi lần tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã kiến nghị về tình trạng trên. Tuy nhiên, các cấp địa phương chỉ hứa suông, còn người dân sống sao mặc kệ”.
Người dân ở khu vực Phú Sơn bức xúc vì những doanh nghiệp khai thác đá ở núi Sơn Triều gây ô nhiễm môi trường làm đảo lộn cuộc sống của họ.
Cùng chung cảnh ngộ, hàng trăm hộ dân các thôn Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 2 (huyện Tuy Phước) cũng đang phải gồng mình chống chọi với những đợt nổ mìn phá đá “xé trời” của các doanh nghiệp tại núi Sơn Triều. Nhiều năm qua, người dân sống chung với tình trạng ô nhiễm, bụi, tiếng ồn, tiếng nổ mìn phá đá vang trời...
Theo người dân thôn Phú Mỹ 2, những doanh nghiệp đang khiến người dân bức xúc phải kể đến như: Công ty TNHH Xây dựng Thuận Đức, Công ty CP Đầu tư và kinh doanh vật liệu xây dựng Fico, Công ty CP Vật liệu xây dựng Mỹ Quang, Công ty TNHH Minh Đạt và Công ty TNHH Nhật Minh… Dù các doanh nghiệp đều đã được cấp phép hoạt động, nhưng tần suất hoạt động quá khủng khiếp đã làm đảo lộn cuộc sống người dân.
Chính quyền có “làm lơ” (?)
Ông Đặng Vĩnh Sơn - Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn (Bình Định), cho hay: “Trước những bức xúc kéo dài của người dân, địa phương đã phản ánh các ý kiến này lên HĐND và UBND tỉnh để tìm hướng giải quyết. Tuy vậy, các doanh nghiệp hoạt động tại khu vực Phú Sơn, hầu hết đều do tỉnh cấp giấy phép hoạt động, khai thác nên chúng tôi chỉ kiến nghị thôi. Trước đó, chúng tôi cũng có kiến nghị để tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng có liên quan về kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp hoạt động vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường.”
Bụi đá tra tấn các hộ dân xung quanh.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Bích Phượng - Trưởng Phòng TN-MT huyện Tuy Phước (Bình Định), lại cho rằng địa phương chưa nghe, chưa thấy dân phản ánh về ô nhiễm ở dọc núi Sơn Triều. Tuy nhiên, bà Phượng cho biết sẽ cử bộ phận chuyên môn về kiểm tra thực tế.
“Cái khó nhất lúc này là huyện không có thiết bị quan trắc để đánh giá cụ thể các chỉ số môi trường. Việc này cần phải có báo cáo để kiến nghị lên Sở TN-MT phối hợp cùng kiểm tra, xử lý”, bà Phượng nói.
Được biết, trước đây đoàn kiểm tra của Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Bình Định đã tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến đá ở các doanh nghiệp như: Công ty TNHH Xây dựng Thuận Đức, Công ty CP Ðầu tư và kinh doanh vật liệu xây dựng Fico, Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Mỹ Quang và trạm trộn nhựa đường của Công ty TNHH Minh Đạt,… đã phát hiện nhiều tồn tại trong khâu xử lý môi trường.
Người dân khốn khổ vì bị tra tấn bởi khói bụi, tiếng bom mìn khi các doanh nghiệp hoạt động.
Qua đó, đơn vị đã tham mưu Giám đốc Sở TN-MT đề nghị xử phạt hành chính và yêu cầu khắc phục. Thế nhưng đến nay tình trạng ô nhiễm vẫn tiếp diễn, việc kiểm tra của đơn vị chức năng dường như chỉ mang tính chất hình thức cho có lệ?
Doãn Công