Nghệ An:
Bị thu hồi đất, dân làm đơn kêu cứu: “Chúng tôi chỉ mong được giải quyết thấu tình đạt lý”
(Dân trí) - “Chúng tôi rất đồng thuận với chủ trương của Đảng, Nhà nước… Nhưng mong rằng các cơ quan chức năng cần xem xét giải quyết cho người dân chúng tôi đúng theo quy định của pháp luật, thấu tình đạt lý, hài hòa lợi ích của các bên liên quan”.
Đó là mong muốn tột cùng của các hộ dân ở xóm Kim Mỹ, xã Nghi Ân, TP Vinh tiếp tục kiến nghị lên quý cơ quan chức năng về việc họ bị thu hồi đất làm đường dự án tại địa phương này.
Thêm nhiều hộ dân tiếp tục gửi đơn kêu cứu
Trước đó, Báo điện tử Dân trí đăng tải bài viết: “Bị thu hồi đất, dân làm đơn kêu cứu”, phản ánh việc hàng chục hộ dân ở xóm Kim Mỹ, xã Nghi Ân, TP Vinh cho rằng việc áp giá đền bù tại tuyến đường nối QL46 với đường ven sông Lam thuộc dự án phát triển đô thị Vinh của Ban GPMB thành phố không đúng với giá trị thực tế, không đúng với nguồn gốc đất… nên đã đẩy người dân vào tình thế thiệt thòi đủ đường.
Ngay sau khi bài viết được đăng tải thì nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. HĐND, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có công văn chỉ đạo UBND TP Vinh vào cuộc xem xét, xử lý những vấn đề bài báo đã đăng tải.
Mới đây nhất, chúng tôi tiếp tục nhận được phản ánh của các hộ dân có tài sản, đất đai bị thu hồi nhưng cơ quan chức năng lại đền bù còn thiếu minh bạch, không khách quan... Theo đó, người dân tiếp tục phản ánh những vẫn đề nổi cộm sau nhiều lần làm việc với chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa thể giải quyết.
Trong đó có các nội dung như: Liên quan đến nguồn gốc đất của người dân đều trước năm 1980, tuy nhiên khi tiến hành đền bù chỉ một phần đất của người dân được áp giá đất ở, còn lại chỉ được tính vào các loại đất khác, xác định loại đất để đền bù không chính xác. Giá đền bù áp dụng cho từng hộ dân bất hợp lý và không công bằng.
Việc phân bổ tái định cư không đúng theo Quyết định 58. Quá trình kiểm đếm tài sản trên đất của người dân chưa đúng và xác định giá bồi thường không đúng với thực tế …
Liên quan đến việc kiểm đếm tài sản, bà Nguyễn Thị Đức (trú tại xóm Kim Mỹ, xã Nghi Ân) cho biết: Gia đình bà có 242m2 đất thuộc diện thu hồi để phục vụ dự án. Trên diện tích đất này bà đã trồng hơn 300 cây keo, tràm từ năm 2012. Đến thời điểm hiện tại trên thị trường mỗi cây trên có thể bán với giá 120.000 đồng/cây. Tuy nhiên, gia đình bà chỉ được áp giá đền bù với mức 30.000 đồng/cây.
“Giá như vậy là quá thấp gia đình tôi không đồng tình. Không chỉ riêng gia đình tôi mà nhiều gia đình khác cũng bị áp mức giá quá thấp so với thị trường”, bà Đức bức xúc.
Ông Nguyễn Xuân Diệu (trú tại xóm Kim Mỹ, xã Nghi Ân) phản ánh: Trước đó gia đình tôi có hơn 2.673 m2 đất. Đất này là của bố mẹ tôi ở từ lâu đời. Trong đó có một con đường đi vào nhà tôi. Đây là con đường do gia đình tôi sử dụng đã lâu, không có tranh chấp với bất kỳ ai. Tuy nhiên, khi dự án đi qua gia đình tôi có khoảng 2.100 m2 đất bị thu hồi, chính quyền chỉ công nhận có 1.404 m2 đất ở, còn lại là đất nông nghiệp và địa phương lại thông báo thu hồi 158 m2 đất là xã quản lý (diện tích con đường đi vào gia đình ông Diệu). Con đường đó là lối đi của nhà tôi, nằm trên phần đất nhà tôi quản lý sử dụng trước đó tại sao bây giờ lại tính là đất của xã …
Nhà xây kiên cố lại được đền bù thấp hơn nhà tạm
Một vấn đề người dân vô cùng quan tâm và cho rằng chính quyền địa phương đã thực hiện trái luật đó là việc áp giá đền bù quá thấp trong khi định giá đất ở khu tái định cư lại quá cao. Mặc dù vị trí của người dân ở hiện tại và vị trí khu tái định cư chỉ cách nhau khoảng 10 m.
“Các anh nhìn đây là thấy, vị trí tái định cư và vị trí nhà tôi ở cách nhau chỉ khoảng 10 m. Thế nhưng giá mua đất ở điểm tái định cư lại cao hơn so với giá đền bù cho dân khoảng 150 %. Chưa kể việc họ áp giá đền bù quá thấp so với giá thị trường. Chúng tôi chịu thiệt quá nhiều, nên dù có đồng tình với dự án cũng khó mà có thể chấp nhận”, một người dân bất bình.
Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi ghi nhận nhiều người tỏ ra vô cùng bất bình trước việc một số hộ dù xây công trình theo diễn “làm cho có, để hưởng đền bù” lại được áp giá cao. Còn những hộ xây công trình nhà ở kiên cố từ trước lại được áp giá quá thấp.
Đơn cử như gia đình ông Nguyễn Hồng Sơn có căn nhà cấp 4 kiên cố để cho con ở, thuộc diện di dời, nhưng chỉ được đền bù với tổng số tiền 84 triệu đồng. Gia đình ông Nguyễn Xuân Diệu có căn nhà mái bằng khang trang thuộc diện di dời được tính mức giá 236 triệu đồng …
Tuy nhiên theo các hộ dân tại đây, một số trường hợp hi hữu khi làm nhà chỉ bằng những tấm tôn, dựng tường bao, lợp ghé vào nhà khác lại được áp giá đền bù cao ngất lên đến hơn 300 triệu đồng.
“Chúng tôi rất đồng tình với dự án, nhưng quá trình thực hiện có quá nhiều bất cập. Chúng tôi mong lãnh đạo thành phố trực tiếp xuống làm việc với người dân, giải quyết những thắc mắc để chúng tôi có thể đảm bảo cuộc sống, yên tâm chuyển đến nơi ở mới để dự án cũng sớm được thực hiện”, một trong số các hộ dân có đơn cầu cứu chia sẻ.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Nguyễn Duy