Bài 3:
Hà Nội: 105 sổ đỏ mất tích bí ẩn, trách nhiệm thuộc về ai?
(Dân trí) - Vụ việc 105 GCNQSDĐ (sổ đỏ) của người dân do UBND huyện Phú Xuyên cấp đã bị “mất tích” bí ẩn khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Ai là người chịu trách nhiệm cho việc để mất sổ đỏ của các hộ dân và hệ lụy ra sao? PV Dân trí đã có buổi trao đổi với Luật sư Phan Thị Lam Hồng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội.
PV: Theo quy trình cấp sổ đỏ, ai là người chịu trách nhiệm quản lý sổ đỏ của người dân và sổ đỏ có thể mất ở khâu nào?
Luật sư Phan Thị Lam Hồng: Theo quy định tại Điều 11 Nghị định 88/2009/NĐ-CP thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng tài nguyên và môi trường là đơn vị quản lý cuối cùng và có trách nhiệm bàn giao sổ đỏ cho người được cấp sổ đỏ. Tuy nhiên, tại điểm đ khoản 2 Điều 32 của Quy định ban hành kèm Quyết định 13/2013/QĐ-UBND đã mở rộng quyền cho UBND cấp xã - đó là UBND cấp xã cũng có quyền giao sổ đỏ cho người được cấp sổ đỏ.
Thông thường sổ đỏ được bàn giao tận tay cho người được cấp sổ đỏ và người được cấp phải đưa giấy tờ chứng minh nhân thân, ký xác nhận vào giấy tờ (sổ sách) về việc nhận sổ đỏ. Vì vậy, trách nhiệm trong việc làm thất lạc sổ đỏ tùy từng trường hợp sẽ được xác định như sau:
Trường hợp 1: Người sử dụng đất trực tiếp nộp hồ sơ xin cấp sổ đỏ tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng tài nguyên và môi trường:
Trong trường hợp này, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng tài nguyên và môi trường huyện Phú Xuyên là đơn vị cuối cùng trong quy trình trên thực hiện việc quản lý sỏ đỏ đã được in nên đơn vị này có trách nhiệm bảo quản sổ đỏ cho đến khi giao cho người dân đã nộp hồ sơ (trừ trường hợp đơn vị này đã có văn bản bàn giao sỏ đỏ cho UBND xã Sơn Hà hoặc cho người được cấp sổ đỏ). Vì vậy, nếu chưa có việc bàn giao cho người được cấp sổ đỏ hoặc UBND xã Sơn Hà thì rõ ràng sổ đỏ đã bị thất lạc trước khâu bàn giao và trách nhiệm thuộc về Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng tài nguyên và môi trường huyện Phú Xuyên.
Trường hợp 2: Người sử dụng đất nộp hồ sơ xin cấp sổ đỏ tại UBND cấp xã:
Trong trường hợp này, thông thường sổ đỏ được Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất bàn giao lại cho UBND xã để UBND xã trực tiếp bàn giao lại cho người sử dụng đất có tên trên sổ đỏ.
Do đó, nếu đã có giấy tờ chứng minh việc bàn giao sổ đỏ cho UBND xã mà UBND xã không có giấy tờ chứng minh đã bàn giao cho người được cấp sổ đỏ thì sổ đỏ đã bị thất lạc do khâu quản lý của UBND cấp xã. UBND cấp xã sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với việc để thất lạc giấy tờ này.
PV: Thưa luật sư, việc làm mất sổ đỏ có thể bị xử lý ra sao theo quy định pháp luật?
Luật sư Phan Thị Lam Hồng: Trước đây trong Nghị định 105/2009/NĐ-CP về Xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai có quy định rõ Cán bộ, công chức trong khi thi hành công vụ có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý đất đai sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức. Cũng theo Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai thì trường hợp hành vi vi phạm có dấu hiệu cấu thành tội phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Sổ đỏ mất tích với số lượng lớn có thể phải xem xét xử lý hình sự.
Tuy nhiên, tại Nghị định 102/2014/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 105/2009/NĐ-CP lại không đưa ra điều khoản cụ thể như trên. Bên cạnh đó, trong nội dung của Nghị định 102/2014/NĐ-CP cũng không có quy định nào về xử phạt đối với hành vi của cán bộ, công chức trong khi thi hành công vụ mà vi phạm pháp luật về quản lý đất đai sẽ bị xử lý như thế nào. Trong trường hợp này, hành vi vi phạm bị phát hiện vào năm 2015 nên việc xác định và xử lý hành vi vi phạm sẽ căn cứ theo quy định của Luật đất đai năm 2013, các văn bản hướng dẫn thi hành và quy định pháp luật có liên quan.
Căn cứ theo quy định tại khoản 7 Điều 97 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì hành vi làm mất “sổ đỏ” của cán bộ, công chức, viên chức chịu trách nhiệm quản lý sổ đỏ (xác định theo quy định của pháp luật và nội quy, quy chế của cơ quan) thuộc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hoặc UBND cấp xã là hành vi vi phạm quy định về thực hiện trình tự, thủ tục hành chính trong quản lý và sử dụng đất. Do đó, người có hành vi này sẽ bị xử lý theo Điều 98 Nghị định 43/2014/ND-CP: xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, hoặc nếu có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.
PV: Vậy đâu là hệ lụy từ việc mất GCNQSDĐ của người những người dân?
Luật sư Phan Thị Lam Hồng: Việc làm mất sổ đỏ - đặc biệt là mất với số lượng lớn như trường hợp này là rất nghiêm trọng, cho thấy sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng về việc cấp, giao sổ đỏ cho người sử dụng đất. Hệ lụy của việc mất sổ đỏ của 105 hộ tại huyện Phú Xuyên có thể kể tới như:
Thứ nhất, việc mất sổ đỏ đồng thời đã làm mất đi cơ hội tham gia các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất của 105 hộ gia đình, cá nhân đã nộp hồ sơ đầy đủ để xin cấp sổ đỏ, bao gồm chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, thế chấp… quyền sử dụng đất.
Truy tìm 105 sổ đỏ mất tích tại huyện Phú Xuyên (Hà Nội)
Thứ hai, do 105 sổ đỏ đã bị mất nên người sử dụng đất và Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất phải tiến hành thủ tục cấp lại cho người dân. Đây là việc làm rất mất thời gian, tốn kém công sức và tiền của nhà nước bởi cơ quan có thẩm quyền cấp sổ đỏ sẽ phải tiến hành xác minh, hủy sổ đỏ đã bị mất và xin phôi mới để cấp lại sổ đỏ cho người sử dụng đất.
Ngoài ra, mặc dù các giao dịch có liên quan đến quyền sử dụng đất hiện nay đều phải thông qua hệ thống văn phòng đăng ký đất đai của Phòng hoặc Sở Tài nguyên và môi trường nhưng hiện nay vẫn có trường hợp người dân mua bán nhà đất theo dạng chuyển nhượng chỉ viết tay, không tuân thủ các quy định của pháp luật về việc chuyển nhượng nên việc lừa đảo hoàn toàn có thể xảy ra. Bên cạnh đó, nếu những sổ đỏ bị mất không may rơi vào tay kẻ gian thì rất có thể sẽ bị lấy thông tin để làm giả, sử dụng vào mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác.
Như vậy, có thể thấy rằng việc làm thất lạc sổ đỏ của các hộ dân là vụ việc rất nghiêm trọng và rất có thể sẽ kéo theo những hệ lụy tiêu cực. Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc để làm rõ về việc các sổ đỏ bị mất tích này để xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, các cá nhân có liên quan nhằm hạn chế những hậu quả xấu của việc mất sổ đỏ. Bên cạnh đó, cần phải giải quyết việc cấp lại sổ đỏ trong thời gian sớm nhất để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
Xin cảm ơn luật sư!
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế (thực hiện)