Bạn đọc viết:

“Bệnh viện” cụ rùa: Một thử thách "phi tự nhiên"

(Dân trí)- Cứ cho là con người bắt được cụ rùa, tiếp sau đó sẽ đưa vào “bệnh viện” ở chân tháp rùa để chữa trị. Khi đó, chính nơi bệnh viện này sẽ là một thử thách mà cụ sẽ phải vượt qua. Một thử thách mang tên “phi tự nhiên”.

“Bệnh viện” cụ rùa: Một thử thách "phi tự nhiên" - 1
Việc cứu chữa cho cụ rùa hồ Hoàn Kiếm
đang được cả nước quan tâm. (Ảnh: Gia Khoa)

Chuyện cụ rùa hồ Hoàn Kiếm bị đau, đang được tập trung cứu chữa, đông đảo nhân dân rất quan tâm. Bản thân tôi là nhà báo và một người nghiên cứu văn hóa, cũng thường xuyên theo dõi tin tức cập nhật về sự kiện này. Sau đây tôi thử đưa ra một vài nhận xét cá nhân về quá trình triển khai công việc của các cơ quan chức năng.

Qua các báo đưa tin và những gì đang diễn ra ở hồ Hoàn Kiếm, như vây bắt rùa, xây dựng khu điều trị rùa ở chân tháp rùa trong những ngày vừa qua, đã có thể khẳng định một cách chắc chắn là một số nhà khoa học Việt Nam và quốc tế đã hoàn toàn sai lầm về cách tiếp cận và ứng xử đối với cụ rùa Hồ Gươm.

Người ta đã chỉ quan tâm đến một phương diện đó là rùa Hồ Gươm bị đau, cần phải được cứu chữa, cụ là một “bệnh nhân đặc biệt” cần được khống chế, bôi thuốc. Điều quan trọng nhất đã bị bỏ quên: đó là cách con người ứng xử như thế nào đối với thế giới tự nhiên đã được hun đúc nhiều thế kỷ, mà cụ thể ở đây là cụ rùa hồ Hoàn Kiếm. 

Con người có thẩm quyền đến đâu và can thiệp đến đâu đối với thế giới tự nhiên?

Nói một cách ví von dễ hiểu thì người ta cần phân biệt cách chữa cho một con chim đang bay trên bầu trời khác như thế nào đối với chữa một con gà trong chuồng của họ.

Cụ rùa hồ Hoàn Kiếm đã phải đối mặt với 3 vòng lưới, những cuộc truy đuổi bằng tay không, và nghe nói có cả nỏ tẩm thuốc mê sẽ được sử dụng nếu cần. Kết quả, sau nửa ngày trời bị vây hãm, cụ đã phi thân đâm thủng lưới để thoát ra ngoài.

Cụ thoát ra ngoài, người ta lại chỉ quan tâm đến vấn đề: “cuộc vây bắt đã thất bại”, hay nguyên nhân nào cụ đã trốn thoát? phải chăng là do lưới chưa đảm bảo chất lượng?

Dư luận đã quên mất một câu hỏi bức bối nhất: liệu vượt qua 3 lần lưới sau nửa ngày bị quây bắt mệt mỏi, cụ rùa của chúng ta có bị thương hay không? (và vết thương này có thể xảy ra ở chân, đầu chẳng hạn, răng miệng)… liệu có nặng hơn là những vệt nấm trên lưng cụ?.

Con người đã dùng đến sức mạnh của mình, hòng khống chế một sức mạnh khác, đó là sức mạnh của thiên nhiên. Con người tỏ ra không khuất phục, nhưng rõ ràng thiên nhiên mà cụ thể là cụ rùa, cũng không chịu khuất phục.

Có người nói rằng “sắp tới cần loại lưới bắt cá đại dương để cụ không thể cào rách”.

Rất có thể với loại lưới sợi lớn hơn nhiều lần, cụ rùa không thể cào rách lưới, nhưng nói rằng cụ ngoan ngoãn đầu hàng thì đó chỉ là một nhận định không mấy có cơ sở, sau những gì đã diễn ra trong cuộc truy bắt bất thành. Như thế,  điều gì sẽ xảy ra, nếu cụ rùa Hồ Gươm tiếp tục chiến đấu đến cùng với mảnh lưới không rách, để giành lấy tự do? Con người có thể chiến thắng, nhưng, cái giá phải trả sẽ như thế nào đây?

Với phương án dùng cung nỏ, liệu cụ rùa có tỉnh dậy khỏe mạnh bình thường sau một, thậm chí nhiều mũi tên tẩm thuốc mê? Nên nhớ cụ không phải là voi dữ cần vô hiệu hóa, mà là một cụ rùa đang có bệnh.

Nghĩ về cái "bệnh viện" cụ rùa

Cứ cho là con người bắt được cụ, tiếp sau đó sẽ đưa vào “bệnh viện” ở chân tháp rùa để chữa trị. Khi đó, chính nơi bệnh viện này sẽ là một thử thách mà cụ sẽ phải vượt qua. Một thử thách mang tên “phi tự nhiên”.

Cụ sẽ phải sống ở trong một cái bể phi tự nhiên, hoặc là một cái lồng hoàn toàn nhân tạo. Theo bản năng và sức mạnh tự nhiên ghê gớm mà cụ đã cho thấy trong cuộc “đào tẩu” vừa qua, có thể tiên liệu, việc đầu tiên cụ sẽ phá hủy chúng, nếu không được, cụ sẽ tìm cách vượt ra ngoài. Những thức ăn ngon lành được thả xuống, cụ có dùng không? Là câu hỏi rõ ràng chưa ai dám trả lời bởi cụ không phải là rùa cảnh.

Cụ sẽ tìm cách trèo ra khỏi miệng bể. Hoặc tìm cách phá cái lồng ấy, suốt ngày, suốt đêm. Với sức mạnh và vóc dáng của một cụ rùa thân dài mét tám vai rộng mét hai, chúng ta có thể hình dung ra được cuộc phá ngục của cụ như thế nào.

Nhưng không, ngược lại, có thể cụ sẽ ngoan ngoãn đầu hàng. Có thể lắm, sau những gì con người đã làm, cụ sợ hãi, tuân phục, chịu sự điều trị và cho ăn. Ngày ngày cụ rong chơi trong cái lồng, để người ta bôi thuốc và chụp hình quay phim, nghiên cứu, ghi chép và làm đề tài khoa học về cứu chữa cho rùa. Giả thiết này xem ra hợp với những tính toán có sẵn.  

Thời gian chữa bệnh dự kiến kéo dài từ hai tháng đến hai năm. Khi cụ hết nấm mốc và các công trình khoa học hoàn thành thì cũng là lúc cụ hoàn toàn đánh mất đi khả năng tìm mồi trong tự nhiên. Thậm chí có thể cụ không còn biết ăn những thứ thức ăn ở trong hồ Hoàn Kiếm.

Đến lúc đó, cụ sẽ mãi mãi ở lại trong cái bệnh viện, cũng là cái nhà tù bé tí dưới chân tháp rùa. Cụ sẽ trở thành một loài rùa sinh vật cảnh đã được thuần hóa kỹ lưỡng nhất. Khi đó cụ sẽ không ngậm gươm mà ngậm cá chết? 

Hãy cứu lấy cụ rùa!

Vâng, khẩu hiệu của chúng ta là hãy cứu lấy cụ rùa. Nhưng cứu bằng cách nào, đó mới là câu chuyện của chúng ta.

Không thể chỉ có vây, bắt, giam, bôi, tiêm (và uống?). Nhưng trước tiên, hãy để cụ là một cụ rùa trước đã, nhưng phải là một cụ rùa của hồ Gươm.

Tất cả mọi phương pháp điều trị đều phải tuân thủ nguyên tắc, can thiệp ít nhất vào thói quen, tập tính, sinh hoạt, khả năng thích ứng của cụ rùa hồ Hoàn Kiếm.

Kết quả điều trị chưa biết đến đâu, mà cụ bị đánh mất khả năng tự sinh tồn của mình tại Hồ Gươm, kết cục chắc chắn chỉ là một thảm họa với cụ.

Sự can thiệp của con người vào tự nhiên phải là sự can thiệp tinh tế. Sự kiện cá hồ Thiền Quang chết hàng loạt cách đây vài hôm nói lên điều gì?

Hồ Thiền Quang, theo sự chứng kiến của chúng tôi, đã được hút hết nước, vét sạch bùn và rong rêu, dùng máy xúc đào sâu xuống hàng mét, xung quanh đổ bê tông, rồi cho nước mưa vào, thả cá xuống. Con người đã hoàn thành dự án một “hồ nước sạch”, vâng, nó sạch đến mức ngay lúc đó người ta có thể múc uống. Kết quả, giờ đây cá chết hàng loạt, nổi trắng hồ. Kể cả lúc hồ ô nhiễm nhất trước kia, cũng chưa bao giờ cá chết nổi trắng hồ như bây giờ! Người ta đành tắc lưỡi: cá trong hồ… chưa quen với ô nhiễm.

Sự kiện hồ Thiền Quang là một hồi báo động đối với hồ Hoàn Kiếm cũng như với cụ rùa. Không thể thay đổi hoàn toàn môi trường của hồ Gươm, cũng như không thể thay đổi hoàn toàn tập tính của cụ rùa Hoàn Kiếm. Cụ rùa đã sống trong hồ hàng trăm năm, và cả trăm năm nước hồ tuy có thay đổi nhưng cũng không phải từ nước hồ thành nước mưa như hồ Thiền Quang.

Theo chúng tôi, việc chống ô nhiễm cho hồ là cần thiết, nhưng trước hết ưu tiên ở những vùng ô nhiễm nhiều nhất. Vấn đề thế nào là vùng ô nhiễm đối với cụ rùa, cũng không dễ xác định. Rong rêu, nước bẩn, chưa hẳn là ô nhiễm đối với cụ. Bằng chứng cụ vẫn tìm kiếm thức ăn ở những khu vực này.

Việc cụ rùa ăn mèo chết cho thấy có thể thức ăn trong hồ phải chăng đang thiếu hụt. Việc bổ sung nguồn thức ăn ở mức độ nào đó, là cần thiết, tuy nhiên đó là loại thức ăn gì, cũng nên cần được xem xét.

Việc chữa trị cho cụ rùa, dứt khoát phải tuân thủ theo nguyên tắc không làm thay đổi tập quán sinh hoạt của cụ. Hay nói cách khác, phải dựa vào tập quán của cụ để điều trị.

Nhân đây cũng khẳng định, ý tưởng “dụ” cụ rùa lên tháp để bắt hoặc điều trị là một ý tưởng không khả thi. Đơn giản là cụ rùa không dễ bị mắc lừa như ta tưởng, và từ lâu cụ không có thói quen bò lên tháp rùa, nhất là lúc này người ta đang giăng ở đó rất nhiều sắt thép và dây rợ.  

Vừa qua, khi lưới vây trong khoảng 2 m2, cụ mới thoát ra ngoài, điều đó cho thấy, trong khoảng từ 3 đến 5m2 mặt nước Hồ Gươm, cụ sẽ không có những phản ứng lớn. Như vậy, có thể điều trị cho cụ trong khoảng không này (có thể nhờ thợ lặn),  việc chữa trị ngay trong lòng hồ Gươm, không cần phải đưa đến chân tháp hay đưa vào bờ. Sau khi chữa trị lập tức tháo lưới để cụ tự do. Thời gian điều trị không nên kéo dài mà nên thao tác nhanh, và tính bằng phút, bằng giờ,  thì những lần sau mới dễ thực hiện lại. Dự kiến điều trị hàng tháng hoặc hàng năm là khó khả thi đối với động vật hoang dã nhưng lại có môi trường sống rất đặc thù như cụ rùa hồ Hoàn Kiếm.

Việc cứu chữa cho cụ rùa hồ Hoàn Kiếm (một trong 4 con rùa nước ngọt khổng lồ của thế giới còn sống. Việt Nam có 2 con rùa sống trong thiên nhiên, rất rõ nguồn gốc là rùa bản địa), đang là sự kiện văn hóa được trong nước và các nước quan tâm (tôi đã được đọc và xem tin ảnh, bài tường thuật của nhiều tờ báo lớn ở Mỹ, châu Âu, cũng như các hãng thông tấn hàng đầu của thế giới đưa tin cập nhật về việc cứu chữa cụ rùa Hồ Gươm, một sự kiện văn hóa về rùa hi hữu mang tầm thế giới). Điều đó thể hiện những nét đẹp của văn hóa Việt Nam nói riêng, cũng như nét đẹp của văn hóa nhân loại nói chung đối với cụ rùa Hồ Gươm.

Nguyên Anh

(Số 116 Nguyễn Thị Minh Khai, TP.Hồ Chí Minh)