Bắt khẩn cấp Giám đốc và 2 Phó Giám đốc Muaban24 Phú Thọ

(Dân trí) – Sáng nay (1/8), trao đổi với PV Dân trí, Đại tá Hà Minh Tân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ cho biết: Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ vừa bắt khẩn cấp Giám đốc và 2 Phó Giám đốc của Muaban24 chi nhánh tỉnh này.

Lực lượng công an làm việc tại trụ sở của Muaban24 tại Hà Nội (Ảnh: Thông Chí)
Lực lượng công an làm việc tại trụ sở của Muaban24 tại Hà Nội (Ảnh: Thông Chí)

Đại tá Hà Minh Tân cho biết: Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ vừa bắt khẩn cấp 3 cán bộ của Muaban 24 chi nhánh Phú Thọ (gồm 1 Giám đốc và 2 Phó Giám đốc).

Giám đốc Muaban24 Phú Thọ bị bắt là Trương Đình Tuấn, SN 1975, giáo viên trường THCS Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Như Dân trí đã phản ánh, sáng 31/7, Công an tỉnh Phú Thọ phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao và CATP Hà Nội đã thực hiện lệnh khám xét tại trụ sở chính của công ty này ở lô 4, khu biệt thự C8 Mỹ Đình 1, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm (Hà Nội). Chiều cùng ngày, việc khám xét kết thúc và cơ quan công an đã thu giữ một số máy tính, cùng các tài liệu liên quan để phục vụ công tác điều tra.

Công ty Muaban24 kinh doanh trực tuyến trên trang web muaban24.vn và cũng tại trang web này, công ty đã mở nhiều “gian hàng” kinh doanh các loại sản phẩm theo phương thức kinh doanh hàng đa cấp. Công ty MB24 “chiêu mộ” khách hàng bằng cách trả 1,5 triệu đồng tiền “hoa hồng” cho những ai giới thiệu được người khác tham gia mua hàng trên “mạng”. Tuy nhiên, người nào có nhu cầu tham gia mua “gian hàng” trên “mạng” phải đóng 5,2 triệu đồng. Việc kinh doanh trên “mạng” của Công ty Muaban24 không đủ điều kiện về kinh doanh thương mại điện tử và còn có dấu hiệu trốn thuế khi công ty này phát triển thành viên trong hệ thống. Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) cho hay, ngày 25/7, hiệp hội này đã khai trừ tư cách hội viên đối với Công ty MB24 vì có biểu hiện không lành mạnh, gây ảnh hưởng đến uy tín của VECOM và làm giảm niềm tin của cộng đồng trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Trước đó, tại cuộc họp báo liên quan đến những dấu hiệu sai phạm của Công ty Muaban24 được tổ chức ở Đắk Lắk vào ngày 30/7, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đã thông báo kết quả điều tra ban đầu về việc phát hiện dấu hiệu trốn thuế của 2 chi nhánh “muaban24” trên địa bàn tỉnh này. Cho đến hết tháng 3/2012, 2 chi nhánh của Công ty Muaban24 hoạt động trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã phát triển gần 2.000 “gian hàng” trực tuyến trên mạng internet theo phương thức nêu trên.

Không chỉ tồn tại ở Phú Thọ và Đắk Lắk, danh sách các “thành viên” tham gia mua bán “gian hàng” trực tuyến trên trang web “muaban24.vn” đã trải rộng trên khắp các tỉnh Hải Dương, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nam Định và Thái Bình... Hầu hết những người tham gia đều không có trình độ tin học, thậm chí có người còn không biết sử dụng máy tính và không hề có nhu cầu bán hàng qua “mạng”. Họ tham gia chỉ nhằm mục đích hưởng “hoa hồng” trực tiếp thông qua việc giới thiệu người khác mua “gian hàng”.

Dư luận đang rất quan tâm đến việc cơ quan công an sớm làm rõ sự thật trong kinh doanh của Công ty Muaban24, để người dân không bị rơi vào tay những kẻ lừa đảo.
 
Như vậy, sau gần 20 bài báo trên Dân trí lật tẩy nhiều dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng của Muaban24.vn, đến nay đã có kết quả bước đầu của vụ việc. Đây là một trong những vụ việc được đông đảo bạn đọc Dân trí quan tâm và gây bức xúc dư luận trong thời gian qua.
 
Theo thông tin từ phía cơ quan Công an, Muaban24 đã phát triển hàng chục chi nhánh ở rất nhiều tỉnh, thành. Mỗi chi nhánh đều có các hoạt động khá rầm rộ như đào tạo và thu nhận hội viên.
 
Điều mà dư luận quan tâm lúc này là ngoài hành vi trốn thuế thì có hay không hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khi đã có rất nhiều người dân đã tham gia vào hình thức kinh doanh này.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến - Hồng Kỹ