Bạo hành chó Alaska ở Đà Lạt: Chế tài xử phạt ra sao?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, hành vi buộc chó vào cột sắt, dùng gậy đánh đập, hành hạ dã man và dùng chân đạp thú nuôi có thể được xếp vào nhóm hành vi hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi và bị xử phạt 1-3 triệu đồng.

Những ngày qua, 2 clip ghi lại cảnh chú chó Alaska bị nam thanh niên dùng dây xích vào cột sắt tại nhà, dùng gậy đánh đập tàn bạo vào mặt, đầu tới mức phát ra những âm thanh rên rỉ, đau đớn và đá liên tiếp vào thân, đổ gục xuống nền gạch tại Quảng trường Lâm Viên (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) khiến nhiều người không khỏi phẫn nộ. 

Theo chị Nhung (người đăng tải clip), sự việc được ghi lại ngày 10/8 tại một căn nhà thuộc phường 10 và Quảng trường Lâm Viên (TP Đà Lạt). Những chú chó bị chủ nuôi nhốt rồi được đưa ra quảng trường để phục vụ nhu cầu chụp ảnh lưu niệm của du khách.

Tình trạng chó cảnh bị đánh đập diễn ra thường xuyên, thú cưng bị bắt làm việc, không có thời gian nghỉ ngơi dẫn đến căng thẳng, không nghe lời chủ và bị đánh đập.

Chó cảnh Alaska ở Đà Lạt bị hành hung tàn bạo

Theo dõi clip, nhiều người không kìm nén được sự phẫn nộ. Anh Vương Tuấn bình luận: "Đề nghị chính quyền và Hội bảo vệ động vật vào cuộc. Alaska là giống chó quý và rất biết nghe lời chủ, sao nỡ ra tay với nó vậy? Chó là loài động vật trung thành với chủ. Tàn nhẫn quá!". 

"Thật là quá nhẫn tâm. Chúc thú cưng được sớm giải thoát khỏi người chủ độc ác này. Kiếp này thú cưng đã đầu thai sai chủ rồi", độc giả Nguyễn Nho An bình luận. 

"Nhìn chú chó tội nghiệp, trong khi cùng loài nhiều bé được chủ nâng như nâng trứng", người dùng Thien An căm phẫn bình luận. 

"Thật độc ác!", "Khốn nạn thật!", "Tội các em quá, quá tàn nhẫn"... hàng loạt bình luận bày tỏ sự căm giận được gửi về sau khi chứng kiến sự dã man, tàn bạo của nam thanh niên xuất hiện trong clip. 

Gay gắt hơn, người dùng Liên Phan còn khẳng định sẽ cùng gia đình ngừng đi du lịch Đà Lạt cho đến khi chính quyền thành phố "có biện pháp với các thành phần này cũng như bảo vệ an toàn cho các chú chó". 

Còn với anh Vo Dinh Quoc, anh đặt câu hỏi về việc với hành vi ngược đãi thú nuôi không như trên, người chủ có thể bị xử lý ra sao theo quy định của pháp luật. 

Bạo hành chó Alaska ở Đà Lạt: Chế tài xử phạt ra sao? - 1

Khoảnh khắc chó Alaska bị bạo hành gây bức xúc (Ảnh cắt từ clip).

Giải đáp thắc mắc của độc giả, luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, hành động đánh đập, hành hạ tàn nhẫn vật nuôi trước đây từng được coi là một lựa chọn hành vi của cá nhân, người chủ có quyền lựa chọn hoặc không lựa chọn hành vi đó và không bị pháp luật điều chỉnh. 

Tuy nhiên, từ thời điểm Nghị định 14/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về chăn nuôi có hiệu lực vào tháng 4/2021, hành vi này được xếp vào nhóm bị cấm thực hiện.

Theo đó, Luật Chăn nuôi 2018, vật nuôi bao gồm gia súc, gia cầm và động vật khác được con người thuần hóa, chăn nuôi và nằm ngoài danh mục các loài động vật nguy cấp, quý hiếm được pháp luật bảo vệ. Điều 69 Luật này quy định tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi phải thực hiện các yêu cầu sau: Có chuồng trại, không gian chăn nuôi phù hợp với vật nuôi; Cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh; Phòng bệnh, trị bệnh theo quy định của pháp luật về thú y và Không đánh đập, hành hạ vật nuôi. Như vậy, hành vi đánh đập, hành hạ vật nuôi là hành động bị cấm theo quy định của pháp luật. 

Về chế tài, khoản 1, Điều 29 Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định người đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi sẽ bị phạt tiền 1-3 triệu đồng.

Như vậy, hành vi buộc chó vào cột sắt, dùng gậy đánh đập, hành hạ dã man và dùng chân đạp thú nuôi của nam thanh niên có thể được xếp vào nhóm hành vi hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi và bị xử phạt 1-3 triệu đồng. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm trên là 1 năm.