Vụ công ty Sơn Tùng M-TP: Vì sao tòa án được hủy phán quyết trọng tài?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Các bên được lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc trọng tài. Nếu không đồng ý với phán quyết cuối cùng của trọng tài, đương sự được quyền yêu cầu Tòa án xem xét tính hợp pháp của phán quyết.

Như Dân trí thông tin, TAND TPHCM mới đây đã ra quyết định hủy phán quyết trọng tài vụ tranh chấp giữa Công ty TAD Global Vietnam và Công ty M-TP Talent với lý do phán quyết trọng tài tuyên buộc Công ty M-TP Talent phải trả cho đối tác số tiền khoảng 6 tỷ đồng là "vi phạm nguyên tắc cơ bản". 

Trước đó, xuất phát từ tranh chấp hợp đồng cung cấp dịch vụ và cấp quyền sử dụng hình ảnh ký ngày 31/3/2022, Công ty TAD đã khởi kiện Công ty M-TP Talent ra Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Hội đồng Trọng tài sau đó đã ra phán quyết tuyên buộc Công ty M-TP Talent phải trả cho đối tác số tiền gần 6 tỷ đồng. Cho rằng phán quyết trọng tài vi phạm các nguyên tắc cơ bản pháp luật, Công ty M-TP Talent đã có đơn đề nghị tòa án hủy phán quyết trọng tài.

Từ vụ việc trên, độc giả Dân trí thắc mắc, vì sao tòa án có quyền xem xét hủy phán quyết của Hội đồng Trọng tài? Việc thi hành phán quyết trọng tài trên thực tế sẽ tiến hành ra sao?. 

Vụ công ty Sơn Tùng M-TP: Vì sao tòa án được hủy phán quyết trọng tài? - 1

Hình ảnh tại phiên họp xem xét phán quyết trọng tài ngày 15/8 (Ảnh: T.M).

Theo Điều 68 Luật Trọng tài thương mại 2010, trường hợp có đơn yêu cầu của một bên, tòa án sẽ xem xét hủy phán quyết trọng tài. Quyết định hủy phán quyết trọng tài sẽ được ban hành nếu trong quá trình xem xét giải quyết, Hội đồng xét đơn nhận thấy phán quyết đó thuộc các trường hợp như thành phần trọng tài, thủ tục tố tụng không phù hợp; tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài; không có thỏa thuận trọng tài hoặc phán quyết không phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. 

Về thủ tục thụ lý và xem xét lại phán quyết trọng tài, khoản 1 Điều 69 Luật Trọng tài Thương mại 2010 quy định trong thời hạn 30 ngày từ ngày nhận được phán quyết trọng tài, nếu một bên có căn cứ để cho rằng cần phải hủy phán quyết trọng tài thì có quyền làm đơn gửi Tòa án để yêu cầu giải quyết. Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài phải kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu hủy phán quyết trọng tài là có căn cứ và hợp pháp.

Sau khi thụ lý, trong thời hạn 7 ngày làm việc tiếp theo tính từ ngày thụ lý, Chánh án Tòa án sẽ phân công thẩm phán tham gia Hội đồng xét đơn. Trong thời hạn 30 ngày từ ngày được chỉ định, Hội đồng xét đơn sẽ mở phiên họp để xem xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. 

Như vậy, đối với các tranh chấp thương mại, các bên có quyền lựa chọn giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền hoặc các trung tâm trọng tài thương mại. Tuy nhiên, trong trường hợp lựa chọn trung tâm trọng tài nhưng không đồng ý với phán quyết cuối cùng của hội đồng trọng tài, các đương sự hoàn toàn được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, xem xét tính hợp pháp của phán quyết trọng tài. 

Vụ công ty Sơn Tùng M-TP: Vì sao tòa án được hủy phán quyết trọng tài? - 2

Ông Nguyễn Thanh Tùng (Ca sĩ Sơn Tùng M-TP), người sở hữu 95% vốn điều lệ của Công ty M-TP Talent (Ảnh cắt từ clip).

Nếu phán quyết trọng tài thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 68 Luật Trọng tài Thương mại, Hội đồng xét đơn sẽ ra quyết định hủy phán quyết trọng tài. Khi đó, các bên có thể thỏa thuận lại để đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết tại Trọng tài, hoặc một bên có quyền khởi kiện tại Tòa án. Trường hợp Hội đồng xét đơn không hủy phán quyết trọng tài thì phán quyết trọng tài được thi hành.

Việc thi hành phán quyết trọng tài tôn trọng sự tự nguyện của các bên. Trường hợp bên phải thi hành không tự nguyện thi hành phán quyết, bên được thi hành có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài thông qua các biện pháp xác minh, cưỡng chế... tương tự như việc thi hành bản án/ quyết định có hiệu lực của Tòa án. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm