Bằng cấp không phải là gánh nặng nếu được cải cách đúng cách!

PV

(Dân trí) - Trong giáo dục, có những điều tưởng như nhỏ, nhưng lại là nền móng của niềm tin, của định hướng và của sự trưởng thành. Bằng tốt nghiệp THCS là một minh chứng như thế.

Gần đây, trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất bỏ văn bằng tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS), thay vào đó là hình thức "chứng nhận hoàn thành chương trình". Đề xuất này, tuy được lý giải với mục tiêu giảm áp lực thi cử, tăng tính tự chủ cho cơ sở giáo dục và chống bệnh thành tích, song đang tạo ra nhiều luồng ý kiến trái chiều từ phụ huynh, giáo viên và chuyên gia giáo dục.

Với tư cách là người trực tiếp nuôi dạy con và giảng dạy cho sinh viên, tôi không đồng tình với đề xuất này bởi những hệ lụy mà nó có thể mang lại cho hệ thống giáo dục, cho học sinh và cho xã hội. Bởi tôi hiểu, hơn ai hết, giáo dục không chỉ là dạy chữ, mà là thiết lập hệ giá trị, là tạo nền tảng nhân cách và động lực phấn đấu cho người học. Và trong hệ thống ấy, tấm bằng tốt nghiệp THCS đóng một vai trò không nhỏ.

Bằng cấp không phải là gánh nặng nếu được cải cách đúng cách! - 1

Học sinh lớp 9 trường THCS Newton5 hân hoan trong buổi lễ tổng kết năm học và nhận bằng tốt nghiệp (Ảnh: P.H).

Hệ lụy đến định hướng nghề nghiệp và công bằng xã hội

Bằng tốt nghiệp THCS là dấu mốc công nhận quá trình phấn đấu của học sinh. Một đứa trẻ học suốt 9 năm phổ thông từ lớp 1 đến lớp 9 cần một mốc đánh dấu chính thức, không chỉ để ghi nhận quá trình học tập mà còn là sự công nhận về mặt xã hội, về năng lực học vấn cơ bản của một công dân.

Khi được nhận bằng tốt nghiệp THCS, trẻ hiểu rằng mình đã hoàn thành một chặng đường và từ đây sẽ tiếp tục lựa chọn học lên THPT, học nghề hoặc con đường phù hợp với năng lực. Việc cấp bằng tốt nghiệp THCS không chỉ là "tấm giấy", mà là kết quả của một quá trình rèn luyện, thể hiện trách nhiệm học tập và sự cố gắng của các em.

Bỏ tấm bằng này đi, tức là phủ nhận nỗ lực của học sinh trong suốt cấp tiểu học và trung học cơ sở. Việc chỉ "công nhận hoàn thành chương trình" không mang đủ trọng lượng về mặt tâm lý và pháp lý, điều tối quan trọng khi học sinh bước vào các ngưỡng cửa tiếp theo như học nghề, học tiếp THPT, hoặc đi làm. Nếu thay thế bằng "giấy chứng nhận hoàn thành chương trình", điều đó có nghĩa là mọi nỗ lực phấn đấu trong suốt 4 năm THCS được xem nhẹ, thậm chí bị làm mờ.

Nhiều học sinh ở vùng sâu vùng xa, hoặc hoàn cảnh gia đình khó khăn, thường dừng học ở lớp 9 để chuyển sang học nghề hoặc tham gia lao động. Nếu không có bằng tốt nghiệp THCS, họ sẽ gặp rào cản khi tiếp cận với các chương trình đào tạo nghề trình độ sơ cấp, trung cấp vốn hiện nay vẫn yêu cầu bằng THCS như một điều kiện bắt buộc.

Thử hình dung: khi không còn bằng THCS, ai sẽ là người quyết định học sinh "được" hay "không được" công nhận hoàn thành chương trình? Nếu chỉ phụ thuộc vào hồ sơ học bạ hoặc nhận xét của nhà trường, nguy cơ bất bình đẳng, tùy tiện, tiêu cực có thể xảy ra.

Bằng cấp không phải là gánh nặng nếu được cải cách đúng cách

Về mặt hệ thống, giáo dục phổ thông Việt Nam hiện nay được chia thành các cấp rõ ràng: tiểu học (5 năm), THCS (4 năm), THPT (3 năm). Mỗi cấp học có chương trình, chuẩn đầu ra, và chứng chỉ riêng.

Nếu bỏ văn bằng ở cấp THCS, hệ thống bị khuyết mất một mắt xích quan trọng. Giống như một tòa nhà cao tầng bị bỏ mất một tầng, chúng ta sẽ gặp khó khăn trong việc quản lý, đánh giá, và định hướng cho người học. Các trường nghề, trường THPT, trung tâm GDTX… sẽ căn cứ vào đâu để tiếp nhận học sinh?

Tôi hiểu rằng mục tiêu của đề xuất là giảm áp lực thi cử, chống bệnh thành tích và hướng tới giáo dục nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở tấm bằng, mà ở cách chúng ta tổ chức kiểm tra, đánh giá.

Nếu kỳ thi hoặc việc cấp bằng bị thương mại hóa, chạy điểm, học lệch… thì cần cải cách quy trình, không phải xóa bỏ kết quả. Chúng ta có thể đổi mới hình thức xét tốt nghiệp THCS, ví dụ kết hợp đánh giá quá trình học tập, bài kiểm tra cuối cấp, kỹ năng mềm… nhưng vẫn cần duy trì một chứng nhận chính thức có giá trị pháp lý. Đó là sự công nhận không chỉ về học vấn, mà còn về tư cách công dân trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Trên thực tế, việc phân luồng học sinh sau THCS được xem là một trong những mục tiêu lớn của giáo dục phổ thông hiện đại. Việc cấp bằng tốt nghiệp THCS chính là căn cứ để học sinh lựa chọn học lên THPT, trung cấp nghề hoặc các chương trình giáo dục khác. Nếu bỏ bằng, học sinh muốn học tiếp sẽ dựa vào đâu? Học bạ? Bản nhận xét? Hồ sơ trường lớp?

Việc này dễ dẫn đến sự thiếu minh bạch, tăng nguy cơ nảy sinh tiêu cực khi các trường trung cấp, THPT phải "tự thẩm định" chất lượng học sinh đầu vào dựa trên đánh giá cảm tính. Đây là thực trạng đáng lo nếu như việc công nhận năng lực học sinh không còn được chuẩn hóa và kiểm định bằng các tiêu chí có giá trị pháp lý như bằng tốt nghiệp.

Tôi từng có dịp đi dạy học sinh trường trung cấp nghề ở miền núi phía Bắc, nơi mà nhiều học sinh chỉ học đến lớp 9 rồi theo học nghề hoặc làm lao động phổ thông. Với các em, bằng tốt nghiệp THCS là "tấm vé thông hành" mở cánh cửa vào đời: học sơ cấp nghề, xin việc tại khu công nghiệp, đi xuất khẩu lao động. Nếu bỏ bằng tốt nghiệp, học sinh vùng khó sẽ càng thiệt thòi.

Không có bằng, việc học nghề bị chặn lại. Không có chứng chỉ pháp lý, các em không đủ điều kiện đăng ký các khóa học nâng cao. Mọi cố gắng vượt qua rào cản địa lý và kinh tế để hoàn thành cấp học cơ bản sẽ trở nên mơ hồ.

Là người mẹ, tôi hiểu cảm giác lo lắng mỗi khi con thi cử. Nhưng là người làm giáo dục, tôi càng hiểu sâu sắc rằng bằng cấp nếu được tổ chức khoa học và đánh giá minh bạch, không phải là "gánh nặng thành tích", mà là hệ quy chiếu cần thiết để người học định vị bản thân.

Cũng giống như chúng ta cần điểm kiểm tra để điều chỉnh phương pháp học, xã hội cũng cần chuẩn đầu ra để hướng nghiệp, phân luồng và hỗ trợ học sinh đúng cách. Giáo dục hiện đại không thể chỉ dựa trên lòng tin và cảm tính. Nó cần các chuẩn mực đo lường khách quan. Bỏ bằng tốt nghiệp THCS chẳng khác nào làm mờ đi một mốc đánh giá căn bản, khiến lộ trình học tập của học sinh trở nên mù mờ, thiếu tính chính danh.

Một số ý kiến đồng tình với dự thảo cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THCS không còn nhiều giá trị, thậm chí là hình thức, gây áp lực tâm lý không cần thiết. Nhưng liệu chúng ta nên giải quyết gốc rễ là cải tiến cách đánh giá hay chọn cách xóa bỏ một công cụ quản lý quan trọng?

Thực tế, kỳ thi tốt nghiệp THCS hiện nay ở nhiều địa phương đã được tổ chức nhẹ nhàng hơn, không tạo áp lực quá lớn như kỳ thi chuyển cấp hay tốt nghiệp THPT. Nếu kỳ thi này vẫn còn hình thức, chưa phản ánh đúng năng lực học sinh, thì điều cần làm là đổi mới cách thức thi: tích hợp đánh giá quá trình, kết hợp kỹ năng mềm, bài kiểm tra mở, đánh giá năng lực thực tiễn… Thay đổi phương pháp thi không đồng nghĩa với xóa bỏ bằng cấp.

Là người mẹ, tôi muốn con mình được học trong một hệ thống giáo dục minh bạch, có định hướng rõ ràng. Là người làm giáo dục, tôi càng hiểu tấm bằng dù đơn giản vẫn là một giá trị xã hội cần thiết, giúp học sinh định vị bản thân và vạch ra lộ trình học tập phù hợp.

Việc bỏ bằng tốt nghiệp THCS sẽ gây ra một lỗ hổng cả về mặt quản lý lẫn về tâm lý, làm suy yếu động lực học tập của học sinh và khả năng phân luồng sau THCS. Thay vì xóa bỏ, chúng ta nên cải tiến để tấm bằng ấy thực sự là kết quả xứng đáng của 9 năm học tập và rèn luyện trong mái trường phổ thông.

Đề xuất bỏ bằng tốt nghiệp THCS là một bước đi đáng cân nhắc trong cải cách giáo dục, tuy nhiên cần đánh giá toàn diện, khách quan. Theo quan điểm cá nhân, nên giữ bằng tốt nghiệp THCS nhưng cải tiến phương pháp đánh giá để phù hợp với xu thế phát triển, đồng thời giữ vững nguyên tắc công nhận trình độ học vấn và đảm bảo quyền lợi cho người học.

Tôi tha thiết mong Bộ Giáo dục và Đào tạo cân nhắc thấu đáo, lắng nghe nhiều chiều ý kiến từ phụ huynh, giáo viên, nhà quản lý và học sinh. Việc bỏ bằng tốt nghiệp THCS không nên được thực hiện một cách đơn giản như một "giải pháp cắt giảm áp lực". Thay vào đó, chúng ta cần: Cải tiến quy trình đánh giá cuối cấp, tăng tính thực tiễn và nhân văn; Chuẩn hóa quy định xét tốt nghiệp, đảm bảo công bằng giữa các vùng miền; Tăng vai trò của nhà trường và giáo viên trong quá trình đánh giá, nhưng vẫn cần có văn bản pháp lý công nhận đầu ra.

                                                             Độc giả Vũ Thị Minh Huyền