Băn khoăn về hiệu quả của "vùng phát thải thấp" Hoàn Kiếm, Ba Đình

Hoàng Diệu

(Dân trí) - "Ô nhiễm có nhiều nguyên nhân, nhưng đừng đổ lỗi cho phương tiện giao thông bởi xe cộ chỉ làm cho bụi cát bay lên, trong bối cảnh mọi con đường giờ đều toàn cát và rác", độc giả Dân trí bình luận.

HĐND TP Hà Nội mới đây đã thông qua Nghị quyết quy định thực hiện vùng phát thải thấp trên địa bàn thành phố. Theo đó, từ năm 2025 đến 2030, một số khu vực thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm và quận Ba Đình sẽ là những khu vực thí điểm lập vùng phát thải thấp; ngoài ra khuyến khích các địa phương khác lập vùng phát thải thấp. 

Đối với vùng phát thải thấp, các phương tiện được lưu thông bao gồm: phương tiện không phát sinh khí thải; xe cơ giới thân thiện môi trường; xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường; xe ưu tiên và phương tiện giao thông có giấy phép lưu thông của cơ quan có thẩm quyền được lưu thông trong vùng phát thải thấp. Các xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel bị cấm lưu thông. 

Ngoài ra, hạn chế hoặc cấm xe ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và xe mô tô, xe gắn máy không đáp ứng tiêu chuẩn mức 2 lưu thông vào vùng phát thải thấp theo khung giờ/thời điểm hoặc khu vực.

Đề xuất trên khiến nhiều người không khỏi băn khoăn, bởi câu chuyện ô nhiễm tại Hà Nội không chỉ xuất phát từ khí thải các phương tiện mà còn từ nhiều yếu tố khác. Do đó, việc chỉ tập trung vào việc cấm hoặc hạn chế phương tiện giao thông mà không có các biện pháp khác gây ra những e ngại về tính hiệu quả của phương án này. 

Băn khoăn về hiệu quả của vùng phát thải thấp Hoàn Kiếm, Ba Đình - 1

Các đại biểu thông qua nghị quyết ngày 12/12 (Ảnh: CTV).

Độc giả Đỗ Mạnh Hùng chỉ ra vấn đề rằng tại Hà Nội hiện nay, ô nhiễm không chỉ do các phương tiện đi lại mà còn tới từ các công trình xây dựng. Đây cũng là một vấn đề cần đặc biệt quan tâm và lưu ý nhằm giảm thiểu ô nhiễm tại thủ đô. 

"Việc đập phá, sửa chữa, xây dựng nhà cửa, đường xá cũng là nguyên nhân gây ra chất lượng không khí kém, dày đặc bụi mịn tại Hà Nội. Ở TPHCM, dù lượng xe cơ giới không ít hơn (thậm chí nhiều hơn) nhưng chất lượng không khí do Air Vision khảo sát thì luôn tốt hơn Hà Nội", anh Hùng nêu ý kiến. 

Có chung cảm nhận, anh Nguyen Minh Hai bình luận: "Hiện nay đường nào cũng thấy đào xới, cày tung lên, xe cộ đi qua thì khói bụi mù mịt trong khi việc thi công phải có phương án thi công nhanh, hoặc chí ít phun nước chống bụi. Như đoạn đường Thái Thịnh chẳng hạn, mới đổ nhựa được một nửa, phần còn lại chưa làm dẫn tới khói bụi mù mịt, các vỉa hè thì chưa lát xong, mà có lát xong thì cũng không vệ sinh, mặc kệ cát và xi măng theo gió bay lên. 

Mọi con đường giờ đều thấy cát và rác, tại sao không có phương án xử lý đất cát, rác thải như hiện nay? Các đường lớn thì toàn rác thải, đất đá đổ ra, gầm cầu vượt lúc nào cũng toàn rác với đất. Ô nhiễm có nhiều nguyên nhân, nhưng đừng đổ lỗi cho phương tiện giao thông, xe cộ chỉ làm cho bị cát bay lên thôi". 

"Nguyên nhân ô nhiễm do các công trình xây dựng làm bị bay ra ngoài, các xe chở vật liệu thì không che chắn, không phủ kín làm rơi vãi vật liệu, cát bụi xuống đường, phương tiện khác đi qua làm bụi cuộn lên, lơ lửng trong không khí. Vậy ô nhiễm gốc rễ đâu chỉ bởi khí thải từ phương tiện giao thông?", anh Nguyen Duc tiếp lời. 

Băn khoăn về hiệu quả của vùng phát thải thấp Hoàn Kiếm, Ba Đình - 2

Phương tiện gây ô nhiễm sẽ bị cấm hoặc hạn chế lưu thông tại vùng phát thải thấp (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Trong khi đó, một số ý kiến khác lại bày tỏ sự lo ngại về việc tạo ra "vùng phát thải thấp" tại khu vực trung tâm sẽ vô tình tạo ra "vùng phát thải cao" tại các khu vực lân cận. Anh Nguyen Thanh Binh viết: "Bị cấm ở 2 khu vực này, các phương tiện phải chạy dồn vào quận bên cạnh, vậy là giao thông ùn tắc thêm. Không khí ở đây cũng ô nhiễm nặng hơn, khói bụi mịn tăng lên, theo gió cuốn lên và lại bay vào hai quận trung tâm".

"Ô nhiễm diện rộng, đâu chỉ tác động riêng từng khu vực nhỏ mà thử 2 quận như vậy? Cấm 2 quận không đồng nghĩa mức độ ô nhiễm tại đó sẽ giảm, vì không khí đối lưu trên diện tích lớn và theo luồng khí đi xa vài trăm, vài ngàn km. Nếu kết quả ô nhiễm của 2 quận đó theo quan trắc không giảm thì sẽ quyết định thế nào? Hoặc nếu nó giảm theo mức độ giảm chung cả khu vực thì sao?", độc giả Ta Huu Vinh đặt câu hỏi. 

Người dân được hỗ trợ chuyển đổi xe máy cũ gây ô nhiễm

Về vùng phát thải thấp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, sau khi HĐND thành phố thông qua nghị quyết về vấn đề này, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu phương án cùng với các nhà sản xuất phương tiện để có phương án giảm thiểu phương tiện chạy bằng xăng dầu vào vùng phát thải thấp.

Theo ông Thanh, thành phố sẽ nghiên cứu các phương án như giảm giá, đổi xe cũ, hỗ trợ đổi xe cũ, hỗ trợ vốn vay mua xe mới... để người dân cơ bản chuyển đổi xe máy cũ gây ô nhiễm sang xe điện...