Bài học xương máu từ vụ bé trai tử vong trong xe đưa đón

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Từ sự việc đau lòng xảy ra tại Thái Bình, nhiều người tin rằng việc dạy trẻ nhỏ kỹ năng sinh tồn khi bị kẹt trong xe, trong đó có bấm còi và đạp vào kính chắn gió, là hết sức cần thiết.

Như Dân trí thông tin, sáng 29/5, ông N.V.L. (59 tuổi, ở TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) điều khiển ô tô 29 chỗ cùng Phương Quỳnh Anh (38 tuổi, ở TP Thái Bình) đón 10 học sinh tới trường Mầm non Hồng Nhung. Tới trường, ông L. mở cửa cho giáo viên cùng học sinh vào lớp, đỗ ô tô ở cổng trường rồi ra về. Tuy nhiên, cháu T.G.H. (5 tuổi) bị bỏ quên trên xe đưa đón của nhà trường. 

Chiều cùng ngày, anh T.Đ.A. (20 tuổi, cậu ruột của H.) đến đón cháu thì phát hiện H. bị kẹt và tử vong trên xe. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thái Bình đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Quỳnh Anh về tội Vô ý làm chết người. 

Bài học xương máu từ vụ bé trai tử vong trong xe đưa đón - 1

Khi người dân phát hiện sự việc và phá cửa đưa H. ra ngoài, bé trai đã tử vong (Ảnh: Facebook).

Sự vô cảm, thờ ơ của người lớn là tội ác

Vụ việc khiến nhiều người không khỏi xót xa. Sự vô cảm, thiếu trách nhiệm của những người đưa đón học sinh đã khiến cháu H. ra đi mãi mãi. Anh Tuấn Đào bày tỏ sự phẫn nộ: "Thờ ơ, lãnh cảm như vậy thế mà cũng làm nghề đón trẻ, trông giữ trẻ được. Dù dạy gì thì sinh mạng trẻ cũng phải đặt lên hàng đầu. Các cháu còn quá nhỏ để nhận ra nguy hiểm, để biết mà có thể kêu cứu". 

"Sự vô trách nhiệm của người lớn dẫn đến sự việc quá đau lòng. Thương bé đã trải qua những cảm giác thật kinh khủng. Làm nghề gì cũng xin có cái tâm một chút, vô trách nhiệm với công việc mình làm cũng là một tội ác", độc giả Nga chua xót bình luận. 

Bên cạnh trách nhiệm của giáo viên đưa đón, trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm lớp cũng là một vấn đề được nhiều người băn khoăn, đặc biệt khi cô giáo đã điểm danh, phát hiện cháu H. vắng mặt nhưng không thông báo cho gia đình hay tìm kiếm cháu. Anh Trần Văn Lâm viết: "17h30 khi người nhà đến đón mới phát hiện không có cháu. Vậy quy trình đưa đón học sinh và điểm danh sĩ số lớp (đặc biệt trường hợp vắng mà không có thông báo của phụ huynh) ở đâu?.

Nếu thấy học sinh không đến lớp, giáo viên chủ nhiệm nên nhắn cho phụ huynh hoặc người phụ trách đưa đón học sinh xem lý do nghỉ của con là gì. Nếu họ làm vậy thì đã không có sự việc đáng tiếc này". 

Bài học xương máu từ vụ bé trai tử vong trong xe đưa đón - 2

Trường Mầm non Hồng Nhung 2 , nơi xảy ra sự việc (Ảnh: Đức Văn).

Đồng quan điểm, độc giả Đức Weldcon bình luận: "Cái giá này quá đắt, và cô giáo phụ trách lớp cũng phải chịu một phần trách nhiệm. Nguyên tắc khi học sinh vắng mặt là phải báo phụ huynh để biết, chứ thấy vắng mặt mà không quan tâm như vậy là không được". 

"Nếu học sinh đã đón mà không vào lớp thì cô giáo chủ nhiệm phải hỏi phụ huynh hoặc cô giáo đưa đón. Nhưng trên thực tế, quy trình xử lý đưa đón con có đúng như vậy không, hay chỉ là sự thờ ơ? Đi du lịch theo tour, hướng dẫn viên còn phải liên tục đếm số lượng khách mỗi khi đi chơi. Thất vọng, không biết nói gì hơn", ý kiến từ anh Huynh Quoc Minh

"Theo tôi, trường hợp này lái xe không có lỗi. Còn về phía nhà trường, thứ nhất, khi giáo viên lớp chụp ảnh điểm danh học sinh gửi lên phần mềm của nhà trường để theo dõi, quản lý thì phát hiện vắng cháu H. nhưng không thông báo cho gia đình. Đây là lỗi của người chịu trách nhiệm theo dõi phần mềm không báo cáo lãnh đạo và/ hoặc người chịu trách nhiệm liên lạc giữa nhà trường với các gia đình học sinh.

Thứ hai, đối với giáo viên đưa đón, người này phải chịu trách nhiệm cao nhất. Đây là hành vi vô cùng trắc trách, không thể nào chấp nhận được. Có 10 cháu nhỏ được đón lên xe mà khi đưa các cháu xuống có 9 cháu cũng "không biết" thì chỉ có thể là có vấn đề hoặc "mải chúi mắt vào điện thoại để buôn dưa lê" mà thôi !", chủ tài khoản có nick name VDD viết. 

Bài học xương máu từ vụ bé trai tử vong trong xe đưa đón - 3

Nhiều người tin rằng bấm còi ô tô là một trong những kỹ năng cơ bản để trẻ nhỏ thoát nạn khi bị kẹt trên xe (Ảnh: Đức Văn).

 Bài học sinh tồn cần phải dạy cho con nhỏ

Từ câu chuyện trên, mạng xã hội xuất hiện rất nhiều ý kiến, luồng quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, có một điểm chung mà tất cả đều đồng ý, đó là giá trị các bài học đau lòng mà vụ việc trên gây ra. 

Đăng tải bài viết tại một diễn đàn lớn trên mạng xã hội, anh Long Vũ chia sẻ dưới góc độ của một người lái xe: "Đối với kỹ năng sinh tồn khi bị bỏ quên trên xe, cần dạy cho trẻ con biết xe đang ở đâu, còi xe ở vị trí nào. Khi bị bỏ quên phải biết bò lên ghế lái bóp còi inh ỏi hay đập mạnh kính chắn gió, vì ô tô hay dán phim tối màu kính 4 cánh cửa, chỉ có kính lái là nhìn rõ nhất. Và dù xe có không chạy thì bóp còi vẫn kêu.

Cuộc sống có nhiều thứ rất đơn giản, nhưng có thể cứu được mạng người. Tuy nhiên, từ trẻ con tới người lớn, học ngày học đêm nhưng cái cần học thì không học, cần dậy thì không dậy. Cái quan trọng nhất là bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho trẻ con thì lại không được mấy ai quan tâm".