An toàn trường học: Bài học nào cũng học mà chẳng thuộc bao giờ!
(Dân trí) - Đành rằng, những tai nạn khách quan, bất ngờ, không lường trước được thì phải chấp nhận không may, nhưng những vụ tai nạn thương tâm gần đây xảy ra với trẻ thơ mang đầy sự tắc trách của người lớn
Năm học mới bắt đầu tính đến hôm nay là tròn 1 tuần. 1 tuần các con đi học nhưng trên mặt báo chúng ta có thể thấy biết bao sự vụ xảy ra: cổng trường học đổ đè chết 3 cháu mầm non, tường nhà dân đè chết 1 học sinh lớp 5, quạt trần lớp học rơi trúng đầu học sinh, 25 học sinh nhập viện vì ngộ độc thực phẩm…
Hồi chuông cảnh báo về an toàn trường học vẫn được gióng lên hàng năm, nhưng dường như chỉ là một khẩu hiệu theo kiểu “Bài học nào cũng học mà chẳng thuộc bao giờ”!.
Những cái chết bi thương ngay trong ngày đầu năm học của các cháu, không chỉ là nỗi đau của gia đình, mà đây là nỗi đau cho toàn xã hội. Các cháu là tương lai của dân tộc, của đất nước Việt Nam này. Tính mạng con người là trên hết. Mỗi một tai nạn xảy ra, không thể mãi là tình huống khách quan và mãi dùng "bài ca": Xin thành khẩn nhận khuyết điểm, và xin chân thành phân ưu!
Đừng để con trẻ phải trả giá bởi những điều mà người lớn có thể làm được!
Tất nhiên tai nạn là điều chẳng ai mong muốn, nhưng những sự cố xảy ra với các cháu học sinh như thời gian qua báo chí đã nêu, là những vấn đề có thể phòng tránh được, không đáng để xảy ra như vậy.
Gửi về Dân trí ý kiến bình luận, bạn đọc Nguyễn Trường bày tỏ về 2 chữ Trách nhiệm: “Cầu sập là do đông người khiêng đám tang. Đường sụt lún là do mưa nhiều. Tường đổ sập là do gió lớn... Cái kiểu tư duy hoạt ngôn chày cối, có thể được sự đồng tình của một số bộ phận, nhưng dư luận quần chúng nghe thì phải nghe, nhưng nghe sao cứ thấy không lọt tai.
Công trình XD nào cũng phải đảm bảo các trình tự thủ tục: cơ bản Hồ sơ thiết kế dự toàn được duyệt, Hợp đồng thi công. Giám sát thi công công trình. Khi công trình gặp sự cố, nguyên nhân từ khâu nào, xác định cũng không khó khăn lắm. Đây chỉ là cái cổng chào, công trình đơn giản. Hay chỉ là do công trình đơn giản nên qua loa tắc trách?
Rồi nữa, chủ đầu tư và đơn vị thi công cũng loanh quanh các mối quan hệ phe ta với phe mình… Tai nạn, rủi ro là những sự cố bất ngờ khó tránh trong sinh hoạt hàng ngày. Nhưng đối với các công trình được đầu tư bằng ngân sách NN, các cấp quản lý nên hết sức quan tâm và thực hiện nghiêm túc hơn nữa về chức năng kiểm tra, kiểm định và quản lý của mình. An toàn là trên hết. Câu khẩu hiệu này công trình nào cũng có treo vừa là cảnh báo, vừa là nhắc nhở. An toàn không riêng cho người lao động thi công, mà cho cả người sử dụng công trình. An toàn XH là mục tiêu hàng đầu”.
Cho rằng do mải đặt vấn đề thành tích lên trên sự an toàn, bạn đọc Gia Khiêm: “Vẫn còn nhiều phụ huynh, nhiều trường học vì bệnh thành tích mà chỉ mong con em đến trường để học, để được khen, để được cạnh tranh với trường bạn mà quên rằng việc đầu tiên cần đạt khi học sinh đến trường là đảm bảo an toàn rồi mới yên tâm dạy và học”.
Dẫn chứng cho câu nói “mất bò mới lo làm chuồng, bạn đọc Yên Vinh: “Mấy hôm trước, tôi vào KTX của trường đại học giao thông vận tải HN. Ngay sân thể thao là một cây xà cừ to, 2 người ôm mới hết, nó nghiêng hẳn như muốn đổ. Vậy mà chỉ duy nhất có biển báo: “không chơi gần gốc cây vì cây sắp đổ” . Ơ, nó to cao thế, nếu đổ thì đâu chỉ đứng dưới gốc mới dính nạn, và tại sao lại ngồi để chờ nó đổ? Hay đợi nó đè người rồi thì rút kinh nghiệm nhỉ?”.
Không quên nhắc lại về sự việc đuối nước thương tâm của 3 cháu bé tại tỉnh Bắc Giang, bởi sự tắc trách của trường CĐ KTCN Bắc Giang, bạn đọc Vương Phong: “Đành rằng, những tai nạn khách quan, bất ngờ, không lường trước được thì đành phải chấp nhận không may, nhưng những vụ tai nạn gần đây xảy ra rất thương tâm với trẻ thơ mang đầy sự tắc trách vô trách nhiệm của người lớn, còn nhớ vụ 3 học sinh đuối nước hố xây dựng ở Bắc Giang mà Báo Dân Trí đã mất rất nhiều công sức đòi công lý cho các cháu không biết đã có ai nhận trách nhiệm chưa?
Trường học là nhà, nhưng mỗi khi con em bước chân đến ngôi nhà chắp cánh những ước mơ đó, cha mẹ phụ huynh luôn nơm nớp lo sợ, bởi tai nạn luôn rình rập, có thể xảy ra bất kể lúc nào, đặc biệt là những vùng nông thôn, những thứ rất lãng xẹt cũng có thể dễ dàng cướp đi mạng sống của trẻ, ai đó chỉ vô tình để cái cáp viễn thông lủng lẳng giữa đường, các em đùa nghịch đánh đu khiến cột điện đổ, vậy là có em vội vàng từ bỏ trần gian chắp theo đôi cánh thiên thần.
Tôi đã chứng kiến cảnh một lớp học vùng cao mà hễ có gió là cô trò phải ra sân học, bởi mái trường được làm bằng cây que tạm bợ đã mối mọt vẫn cố oằn mình gánh những tấm xi măng, có thể đổ sập bất kể lúc nào. Hi vọng trong cuộc sống không còn phải chứng kiến và những tờ báo không còn những dòng tin đau xót như vừa qua ở Lào Cai, điều mà người lớn chúng ta hoàn toàn có thể làm được”.
Bảo vệ tính mạng học sinh là điều cấp thiết nhất!
Mong ngành giáo dục và những người có trách nhiệm trực tiếp, vì lương tâm và trách nhiệm của mình, hãy kiểm tra rà soát ngay những hạng mục trong nhà trường – là quan điểm của đông đảo bạn đọc
Bạn đọc Trần Bình Minh: “Tai nạn học đường thật là khủng khiếp. Nguyên nhân cũng đa dạng, vậy nên tôi ủng hộ việc cần thiết phải kiểm tra lại toàn bộ công trình và thiết bị trong trường học, đừng bao giờ rút kinh nghiệm nữa mà phải làm ngay những việc cần làm”.
“Mong các cấp các ngành và những người có trách nhiệm, hãy vì trách nhiệm, vì lương tâm ngay từ bây giờ cũng chưa phải là muộn, kiểm tra rà soát ngay những hạng mục trong nhà trường. Đừng gây nên nỗi ám ảnh của học sinh và phụ huynh”, bạn đọc Gia Đinh.
“Xin gửi tới lời chia buồn và tiếc thương đến 3 gia đình có 3 cháu bị tử nạn do sự cố cổng trường Mầm non đổ sập tại tỉnh Lào cai! Bảo vệ tính mạng cho học sinh từ tuổi Mầm non trở lên vô cùng cấp thiết, nhất là công tác xây dựng trường sở phải bảo đảm kỹ thuật chẽ, thường xuyên kiểm tra toàn diện nhất là khi mùa mưa bão đến. Mong xã hội và ngành giáo dục quan tâm hơn nữa!”, bạn đọc Phamvandien.
Nhắc đến lý do “tế nhị”, bạn đọc Lê Trung Tuấn: “Cần nhất là cái tâm khi đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị cho nhà trường. Có một nghịch lí mọi người đều dễ dàng nhìn thấy là chất lượng công trình của nhà trường nhanh xuống cấp so với nhà tư, dù giá thành không rẻ hơn”.
Bạn đọc Ngo The Tuan với những ý kiến rất tâm huyết: "An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn". Đó là khẩu hiệu hay một tiêu chí bắt buộc, quan trọng trong sản xuất.
Tuy nhiên theo quan điểm của tôi thì có nhiều người hiểu ý trên trong phạm vi hẹp là sản xuất hàng hóa dưới dạng vật chất, không tính đến hoặc không quan tâm đến các dạng "sản xuất" phi vật chất (dịch vụ) như y tế, giáo dục, vận tải, ngân hàng, bảo hiểm....
Một bệnh viện chỉ cung cấp dịch vụ cho bệnh nhân khi thấy rằng các trang thiết bị, cở sở vật chất, trình độ và kinh nghiệm y bác sỹ đã đủ an toàn để cung cấp dịch vụ. Một người lái xe chở hành khách hay hàng hóa cũng chỉ cung cấp dịch vụ vận tải khi thấy phương tiện an toàn, đường xá ổn, tinh thần và sức khỏe tốt....
Giáo dục hay nôm na là dạy học và đào tạo cũng thế, không phải là ngoại lệ. Trong suốt quá trình cung cấp dịch vụ, các cơ sở giáo dục cũng phải đảm bảo điều này khi cung cấp dịch vụ cho các cháu mầm non, học sinh, sinh viên hay học viên.
Cụ thể: Các trang thiết bị, cơ sở vật chất, điện nước, bàn ghế, dụng cụ dạy học... phải thường xuyên hoặc định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời... chứ không phải là đến lúc có chuyện xảy ra đau lòng như vậy mới rà soát, mới thanh kiểm tra và rút kinh nghiệm như tác giả đã nêu.
Đặc biệt là trong mùa mưa bão hoặc thường xuyên kiểm tra hệ thống điện hay các nguồn có rủi ro khá cao như tường rào, cây xanh lâu năm, điện cao áp, vật liệu hóa chất, mái che ngoài trời...
Bộ GD&ĐT cần có văn bản hay quy định cụ thể hướng dẫn về việc này để đảm bảo an toàn trong trường học, các cơ sở giáo dục đào tạo, hạn chế rủi ro ỏ mức thấp nhất.. Tôi thấy nhiều trường có sân mái che cho học sinh tránh nắng nhưng hầu như chả bao giờ định kỳ kiểm tra xem nó có sao không, có chỗ nào cần sửa”.
Các con đến trường là để học tri thức, để mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui. Xin đừng để mỗi ngày trẻ đến trường là mà bố mẹ, ông bà nơm nớp nỗi lo cho đến khi con về đến nhà mới thở phào nhẹ nhõm!